Chiến lược quân sự hiện thời của Trung Quốc và phản ứng của Mỹ phù hợp với tiêu chuẩn kinh điển về nguy cơ xảy ra chiến tranh đánh đòn phủ đầu. Quốc gia thực hiện hành động chiến tranh trước chống quốc gia khác sẽ có lợi thế quan trọng, do đó cả hai đều có động cơ tiến công trước khi bị tiến công. Lý do cơ bản của hiện trạng này là các lực lượng của bên này nhằm vào các lực lượng của bên kia, và có thể gây tổn thất cho các lực lượng đó trong thời gian tính bằng ngày hay giờ. Hậu quả là nguy cơ khủng hoảng Trung - Mỹ ngày càng tăng lên (có thể do một diễn biến nào đó ở bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, hay các vùng biển phía Đông hay phía Nam Trung Quốc), có thể dẫn đến một cuộc xung đột mà về lý trí không bên nào mong muốn. Điều này đã gây ra một cuộc bàn cãi trong các giới nghiên cứu quốc phòng Mỹ về sự cần thiết phải có một chiến lược quân sự khác có thể làm cho cả hai bên đều không còn động cơ sử dụng vũ lực trước.
Vấn đề hiện chưa được đưa ra bàn cãi, nhưng nên được đề cập là liệu khả năng xảy ra chiến tranh mạng, loại chiến tranh mà cả Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng cường chuẩn bị, có làm cho một hoặc cả hai bên có thêm động cơ tiến công trước hay không. Nếu câu trả lời là có thì hiện trạng khủng hoảng trong quan hệ Trung - Mỹ thậm chí có nguy cơ bùng nổ thành xung đột hơn. Một lý do khiến những tình huống đó chưa được xem xét đầy đủ là các nhà phân tích chưa quan tâm đầy đủ đến vai trò quan trọng của chiến tranh mạng trong việc chuẩn bị không gian tác chiến, hay các cách theo đó một cuộc xung đột mạng có thể là bước khởi đầu dẫn đến chiến tranh qui ước. Bài viết này là bước đầu nhằm khắc phục sự thiếu quan tâm đó. Chúng tôi đề cập vấn đề cơ bản là nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn giữa Trung Quốc và Mỹ, những tác động nói chung của các tình huống chiến tranh mạng đối với nguy cơ chiến tranh ngăn chặn và tác động cụ thể của những tình huống đó trong trường hợp Trung - Mỹ. Sau đó chúng tôi đề xuất các biện pháp làm giảm các nguy cơ mất ổn định và xung đột mà các nhà phân tích đã nhận thấy.
Nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn ở Tây Thái Bình Dương
Quân đội Trung Quốc cho rằng cách tốt nhất, nếu không phải là duy nhất, để tránh bị đánh bại là làm thế nào để có thể tiến công các lực lượng Mỹ trước khi các lực lượng đó có thể tiến công các lực lượng của Trung Quốc hay bản thân Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại sợ xảy ra chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh kéo dài vì trong trường hợp đó, Mỹ có thể huy động sức mạnh quân sự trên toàn cầu và như vậy họ sẽ giành chiến thắng. Vì vậy Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch và triển khai các lực lượng A2/AD nhằm nhanh chóng tiêu diệt các tàu sân bay, phá huỷ các căn cứ không quân, vô hiệu hoá các hệ thống C4ISR của Mỹ. Không nên đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc tăng cường các lực lượng A2/AD và kế hoạch sử dụng các lực lượng đó của Trung Quốc vì Bắc Kinh luôn coi các lực lượng Mỹ là mối đe doạ cực kỳ lớn đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Khả năng dễ bị tổn thương ngày càng tăng của các lực lượng Mỹ trước các lực lượng A2/AD của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương là một vấn đề nghiêm trọng. Đảo ngược thực tế này bằng cách sử dụng các hệ thống chống tên lửa đường đạn (BMD) và các phương tiện tác chiến chống ngầm sẽ là giải pháp cực kỳ khó khăn và tốn kém vì sẽ không có hiệu quả lắm đối với một lực lượng lớn không phải là kém hiện đại như của Trung Quốc. Hải quân và Không quân Mỹ hiểu rõ điều này và đang chuẩn bị đối phó với các lực lượng A2/AD của Trung Quốc theo lý thuyết “Tác chiến không-biển”, nội dung cơ bản của lý thuyết này là “phát triển các lực lượng kết nối thành mạng, tích hợp, có khả năng tiến công tung thâm đối phương nhằm vô hiệu hoá, tiêu diệt và đánh bại các lực lượng đối phương trong tất cả các môi trường: trên bộ, biển, không, vũ trụ và không gian mạng”. Ý tưởng này sẽ được thực hiện bằng những đòn tiến công của cả lực lượng chiến tranh qui ước và chiến tranh mạng nhằm vào “Chu trình tiêu diệt mục tiêu” của các lực lượng A2/AD của Trung Quốc gồm các hệ thống xenxơ, mạng máy tính, bệ phóng, vũ khí, và các trung tâm chỉ huy - điều khiển. Hiển nhiên là muốn tối ưu hoá hiệu quả của việc áp dụng lý thuyết “tác chiến không-biển” thì cần phải tiến công vào “Chu trình tiêu diệt mục tiêu” của Trung Quốc trước khi các lực lượng A2/AD của Trung Quốc kịp vận dụng chu trình đó chống các lực lượng Mỹ: Hiểu rõ điều này, Trung Quốc càng có động cơ tiến công các lực lượng Mỹ trước khi khả năng đó của các lực lượng Trung Quốc bị vô hiệu hoá.
Điều cần lưu ý là hầu hết các thành phần lực lượng thực hiện “Chu trình tiêu diệt mục tiêu” của Trung Quốc – các căn cứ không quân và hải quân, bệ phóng tên lửa, các hệ thống phòng không và các trung tâm C4ISR…, đều nằm bên trong lục địa Trung Hoa. Điều này có nghĩa là, theo lý thuyết “Tác chiến không - biển”, các lực lượng Mỹ sẽ phải tiến công các mục tiêu bên trong lục địa Trung Hoa ngay khi bắt đầu bùng nổ chiến sự. Vì cho rằng lý thuyết “Tác chiến không - biển” nhằm làm cho Trung Quốc không còn khả năng tự vệ trước những đòn tiến công tiếp theo của Mỹ nên Trung Quốc càng cảm thấy bị đe doạ và do đó càng chuẩn bị tiến công trước khi bị tiến công.
Không có lý do gì để nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận thế bất lợi trước lý thuyết “Tác chiến không-biển” của Mỹ. Các nhà bình luận Trung Quốc đang kêu gọi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực phát triển các phương tiện tiến hành chiến tranh mạng và chống vệ tinh để đối phó với “Tác chiến không-biển” vì các khâu thực hiện lý thuyết tác chiến này phụ thuộc nhiều vào các mạng máy tính và vệ tinh kết nối hệ thống C4ISR, các phương tiện phóng và vũ khí. Giống như các vũ khí A2/AD, các phương tiện tiến hành chiến tranh mạng và chống vệ tinh của Trung Quốc có hiệu quả nhất nếu sử dụng trước. Đó là những lý do khiến Mỹ có thêm động cơ tiến công trước khi các mạng máy tính và vệ tinh của Mỹ bị vô hiệu hoá.
Theo lý thuyết chiến tranh ngăn chặn bằng đòn tiến công phủ đầu, cả hai bên đều biết rằng đối phương cũng nghĩ như mình nên càng có thêm động cơ đánh trước nếu thấy chiến tranh sắp xảy ra, khó tránh hoặc hoàn toàn có thể xảy ra. Trung Quốc có động cơ đủ mạnh để tiến công các lực lượng tập kích của Mỹ khi không còn khả năng thực hiện đòn tiến công đó trong khi Mỹ cũng muốn vô hiệu hoá khả năng đó trước khi Trung Quốc kịp tiến công các lực lượng Mỹ. Trên thực tế nỗi lo sợ chiến tranh tăng thêm do nỗi lo sợ bị đánh bại.
Tuy có đôi chút hi vọng rằng giới lãnh đạo của cả hai bên sẽ làm dịu tình hình căng thẳng và không ra lệnh thực hiện đòn tiến công phủ đầu, nhưng chẳng cần phải tưởng tượng nhiều cũng có thể thấy nỗ lực đó khó có thể có hiệu quả khi cuộc khủng hoảng đang ở thời điểm sôi sục. Có nhiều nguyên nhân gây mâu thuẫn ở Đông Á có thể dẫn đến sự kình địch Trung - Mỹ: Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không hay ngăn trở hoạt động của các tàu biển của Nhật ở vùng biển tranh chấp phía Đông Trung Quốc; Hải quân Mỹ có thể chống Trung Quốc thực hiện ý đồ chiếm các đảo tranh chấp ở vùng biển phía Nam Trung Quốc; tình hình ở Bắc Triều Tiên không ổn định có thể buộc Trung Quốc và Mỹ phải can thiệp để kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của nước này; Trung Quốc có thể phản đối sự có mặt của các tàu biển hay máy bay của Mỹ nghi là đang tiến hành hoạt động thu thập tình báo ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc; hoặc Đài Loan có thể tuyên bố độc lập.
Trong bất kỳ tình huống nào kể trên, dù giới lãnh đạo chính trị có thận trọng cân nhắc thì các cố vấn và chỉ huy quân sự cũng vẫn chuẩn bị các lực lượng cho chiến tranh. Điều đáng ngại hơn là không rõ giới lãnh đạo dân sự có thể kiểm soát Quân đội Trung Quốc chặt chẽ đến mức độ nào. Trước đây Quân đội Trung Quốc được đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẽ của Đảng, nhưng nay họ có quyền quyết định đối với các vấn đề chuyên môn quân sự của Trung Quốc, có tiếng nói trong những quyết định liên quan đến chiến tranh và hoà bình, có khuynh hướng nắm lấy thời cơ để chứng minh Trung Quốc không còn có thể bị bắt nạt.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, nếu Quân đội Trung Quốc khuyến cáo giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc rằng các lực lượng Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh và nếu Trung Quốc muốn tránh bị đánh bại thì chỉ có cách tiến công trước, thì liệu Bắc Kinh có nói “không”? Trong khi đó, nếu các chỉ huy quân sự Mỹ khuyến cáo tổng thống rằng Quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng và có thể tiến công trước nếu các lực lượng Mỹ không có hành động gì thì liệu Oa-sinh-tơn có chờ đợi để hứng chịu nguy cơ tổn thất về tàu sân bay, các căn cứ không quân, sinh mạng binh sĩ và lòng tin vào nước Mỹ hay không? Đoán trước chiều hướng Mỹ sẽ quyết định thế nào, phải chăng Bắc Kinh sẽ càng có động cơ tiến công trước khi bị tiến công? Theo lô-gíc đó thì ít có khả năng giới lãnh đạo chính trị có đủ thời gian hay sự bình tĩnh cân nhắc để tháo ngòi nổ của sự kình địch Trung - Mỹ trước khi nó kịp bùng nổ thành chiến tranh nóng.
Bước vào chiến tranh mạng
Trung Quốc và Mỹ đều có khả năng tiến hành chiến tranh tiến công và phòng thủ mạng. Cả hai đều đã nhận thấy một cuộc xung đột vũ trang xảy ra giữa hai nước nhất định sẽ bao gồm cả chiến tranh mạng. Thật vậy, họ đã từng nói đến vai trò có thể trở nên ngày càng quan trọng của chiến tranh mạng trong viễn tưởng và kế hoạch tiến hành chiến tranh tương lai của họ. Vì vậy, liệu sự ra đời của chiến tranh mạng có làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn tiềm tàng do hiện trạng sức mạnh và chiến lược quân sự của Trung Quốc và Mỹ không?
Một tình huống tiến công mạng có thể bắt nguồn từ sự kình địch Trung - Mỹ trong đó Trung Quốc định dùng hành động quân sự để thực hiện mục tiêu của họ (như đánh chiếm Đài Loan, nếu Đài Loan tuyên bố độc lập) nhưng lại lo ngại không thành công do sự can thiệp của các lực lượng quân sự Mỹ. Vì thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng nên Trung Quốc sẽ có lợi thế nếu làm cho các lực lượng Mỹ không thể đến kịp để thực hiện hành động can thiệp trước khi Trung Quốc hoàn chỉnh thế phòng thủ. Một chiến lược khả thi của Trung Quốc sẽ là làm rối loạn hệ thống bảo đảm hậu cần và triển khai lực lượng của Mỹ. Biện pháp chính để thực hiện chiến lược này là thâm nhập các mạng máy tính không thuộc loại mật, thường xuyên được sử dụng để điều hành hoạt động của các hệ thống đó.
Các mạng máy tính này được kết nối với Internet, chủ yếu để phối hợp hoạt động với các hãng cung ứng và vận tải tư nhân. Tuy Bộ Quốc phòng Mỹ đã có nhiều cố gắng bảo vệ các mạng đó nhưng khó có thể bảo đảm tuyệt đối an toàn cho ngay cả các mạng kết nối với Internet được áp dụng các biện pháp bảo vệ tốt nhất vì đó là các mạng tương đối dễ truy cập. Vì vậy, một đòn tiến công mạng nhằm vào hệ thống bảo đảm hậu cần và triển khai lực lượng có thể làm ngừng trệ việc huy động các lực lượng Mỹ bằng cách làm tê liệt một phần hoạt động của mạng máy tính có liên quan hoặc cài thông tin giả vào mạng đó (khiến cho thông tin trên mạng trở nên không hoàn toàn đáng tin cậy). Hơn nữa, vì thời điểm tốt nhất để làm rối loạn hoạt động vận chuyển các lực lượng Mỹ qua Thái Bình Dương là trước khi các lực lượng này xuất phát nên đối phương càng có động cơ thực hiện đòn tiến công mạng ngay từ đầu cuộc khủng hoảng. Với những tính toán lợi hại và mục đích đó, có thể nói tiến công mạng có nhiều tham vọng và tác dụng.
Thông thường, mục tiêu chính của đòn tiến công mạng là khả năng quân sự của đối phương, cụ thể hơn là khả năng tiến công của các lực lượng đối phương. Về cơ bản, đòn tiến công mạng sẽ nhằm làm rối loạn các mạng máy tính mà các lực lượng đối phương sử dụng để tiến hành các hoạt động tác chiến. Căn cứ vào mục đích đó thì có thể giả định đó sẽ là đòn tiến công mạnh chứ không phải chỉ là để thăm dò, một dấu hiệu thể hiện quyết tâm của bên tiến công hoặc một sự nhắc nhở khả năng dễ bị tổn thương của bên phòng thủ.
Một đòn tiến công mạng thành công có thể làm cho các mạng thông tin trở nên rối loạn, ngừng trệ hay cung cấp những thông tin và chỉ thị không đáng tin cậy, do đó làm giảm hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của hệ thống C4ISR, của vũ khí, của các chức năng bảo đảm hậu cần hay những chức năng quan trọng khác. Vì làm giảm hiệu quả thực hiện các chức năng quân sự ngay từ đầu cuộc xung đột là có lợi nhất nên những đòn tiến công mạng nhằm mục đích này sẽ được phát động sớm, có thể là ngay khi bắt đầu hay thậm chí trước khi nổ súng. Nếu bên tiến công có kỹ năng cộng thêm sự may mắn thì đòn tiến công mạng có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống C4ISR, vũ khí, hậu cần và các khả năng khác của đối phương đến mức đối phương không còn có thể, và do đó không dám, tiến hành các hoạt động tác chiến qui ước nữa (ít nhất là cho đến khi khôi phục được hoạt động của các hệ thống), nhưng đến lúc đó tình hình có thể đã thay đổi hoàn toàn, không còn những động cơ thúc đẩy việc sử dụng các hệ thống đó nữa.
Trong trường hợp các quốc gia nhận thấy họ không có khả năng đánh đòn thứ hai (đòn trả đũa), tiến công mạng làm tăng khả năng đánh đòn phủ đầu bằng các lực lượng qui ước nhằm làm tê liệt các lực lượng đối phương ngay từ đầu bằng cách làm cho đối phương không thể đưa lực lượng vào chiến trường kịp thời hoặc gây trở ngại cho hoạt động của các lực lượng đó, vì vậy các lực lượng đó dễ bị đánh bại ngay khi tới chiến trường. Hơn nữa, khả năng tiến hành chiến tranh mạng không chỉ giúp cho các quốc gia có thêm một vũ khí “đánh trước”, mà còn tạo ra những đặc điểm riêng phát huy tác dụng nhất định khi kết hợp với chiến tranh qui ước.
Tuy nhiên, có một điểm đặc thù về nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn không áp dụng cho chiến tranh mạng. Các lực lượng quân sự qui ước của một bên có thể dễ bị tổn thương nếu bị đối phương tiến công đến mức khiến bên đó quyết định “thà sử dụng còn hơn để bị tiêu diệt”, sự tính toán này hiện không phù hợp với khả năng tiến hành chiến tranh mạng. Trong biệt ngữ của lý thuyết chiến lược, đó không phải là “vũ khí đánh vào mục tiêu có giá trị quân sự” (Counterforce Weapons”, nghĩa là những đòn tiến công mạng không thể làm giảm đáng kể khả năng đánh đòn trả đũa của đối phương. Vì lý do này, bản thân chiến tranh mạng không gây nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn. Nguy cơ đó chỉ xảy ra khi nó được kết hợp với khả năng tiến hành chiến tranh qui ước (chiến tranh sử dụng vũ khí động năng).
Chiến tranh mạng có thể làm tăng thêm nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn (đánh đòn phủ đầu) vì nhiều lý do. Thứ nhất, hiệu ứng của một đòn tiến công mạng thường không kéo dài. Một khi bên bị tiến công phát hiện thấy một trong các mạng máy tính của mình bị thâm nhập thì các hệ thống bị ảnh hưởng có thể được chỉnh sửa, khôi phục, bảo vệ hay thay thế bằng các hệ thống khác chỉ trong vài giờ hay vài ngày. Vì khoảng thời gian cần thiết để đối phương phục hồi sau đòn tiến công mạng có thể không dài nên muốn khai thác triệt để lợi thế đã giành được thì phải nhanh chóng thực hiện đòn tiến công bằng lực lượng qui ước ngay cả trong những tình huống đòi hỏi phải quan sát và chuẩn bị phòng thủ. Hiểu rõ điều này, bên bị tiến công mạng có thể quyết định đánh trước (bằng lực lượng qui ước), không chờ xem sau đòn tiến công mạng đối phương có thực hiện đòn tiến công tiếp theo bằng lực lượng qui ước hay không.
Thứ hai, đòn tiến công mạng khó lặp lại một khi đã sử dụng lần đầu vì nó đòi hỏi mánh khoé chứ không phải là sức mạnh. Khi hành động tiến công bị phát giác, bên bị tiến công sẽ nhận thấy họ đã sao nhãng việc bảo vệ cho các mạng máy tính của họ vì hầu hết hành động tiến công mạng đều khai thác một điểm sơ hở nào đó của mã máy tính nên họ có thể xác định được để khắc phục hoặc thay đổi, và vấn đề lập tức được giải quyết. Lý do này càng thúc đẩy bên tiến công sớm sử dụng và khai thác để đạt được hiệu ứng tối đa. Nói cách khác, nếu vì bị đòn tiến công mạng mà bên bị tiến công tăng cường các biện pháp phòng chống thì cách tốt nhất đối với bên tiến công là hành động sớm, bất ngờ nhằm đạt hiệu ứng tối đa trước khi bên bị tiến công kịp tăng cường các biện pháp phòng chống.
Thứ ba, hiệu ứng của một đòn tiến công mạng như thế nào có lẽ là điều khó đánh giá đối với cả bên công và bên thủ. Bên tiến công sẽ biết đòn tiến công nhằm gây tác hại gì cho đối phương nhưng không phải lúc nào cũng sẽ thực sự đạt được mục đích đó (đặc biệt là nếu bên bị tiến công cách ly mạng máy tính đã bị tiến công để “chẩn đoán” và sửa chữa”). Bên bị tiến công có thể biết dường như có cái gì đó hư hỏng nhưng không biết chính xác hư hỏng cái gì, do đó không biết tìm dấu vết hư hỏng ở đâu. Sự mơ hồ này làm giảm hiệu quả của chiến tranh mạng. Trong một tình huống khủng hoảng mà cả hai bên đều có lý do lo ngại bên kia có thể tiến công trước, sự mơ hồ đó có thể càng làm cho bên bị tiến công nhận định theo chiều hướng xấu.
Điều này có nghĩa là mọi hoạt động tiến công mạng bị phát hiện đều có thể dẫn tới chiến tranh qui ước, bất kể bên tiến công có ý đồ đó hay không.
Thứ tư, và có liên quan đến lý do trước, một hành động thâm nhập mạng nhằm mục đích thu thập tình báo mạng có thể khó phân biệt với một hành động nhằm làm hư hại một mạng máy tính của đối phương để chuẩn bị cho một cuộc tiến công bằng lực lượng vũ trang qui ước. Tuy hành động thâm nhập một mạng nào đó (như mạng phục vụ cho một hệ thống phòng không liên hợp) có thể là dấu hiệu chuẩn bị cho chiến tranh qui ước, nhưng hành động thâm nhập các mạng khác (như mạng phục vụ cho hệ thống C4ISR hay bảo đảm hậu cần) có thể chỉ nhằm mục đích thu thập tình báo. Vì khó phân biệt giai đoạn mở đầu [cho một cuộc chiến tranh] là tiến công mạng, như thâm nhập mạng máy tính với hành động thu thập tình báo qua mạng nên bên bị tiến công có thể nhận định đây là dấu hiệu báo trước đối phương sẽ phát động chiến tranh, bất kể nhận định đó là đúng hay sai, và sẽ có hành động phản ứng. Bên bị tiến công có thể có khuynh hướng tin chắc như vậy, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng.
Thứ năm, nếu đòn tiến công mạng thất bại, bên bị tiến công có thể không biết là mình đã bị tiến công. Đòn tiến công có thể đã bị “tường lửa” (phần mềm bảo vệ mạng máy tính) chặn lại, và giống như hàng nghìn hành động thâm nhập thất bại khác, dường như không có điều gì xảy ra. Hoặc hành động tiến công mạng có thể thành công, nghĩa là vượt qua được bức “tường lửa” và tác động đến mạng máy tính của đối phương nhưng gây hiệu ứng không đáng kể. Khả năng bên bị tiến công không biết đã xảy ra hành động tiến công thất bại đó, điều này đã làm giảm một hiểm hoạ của những đòn tiến công mạng, và do đó có thể hạ thấp cái giá phải trả cho việc thực hiện những đòn tiến công đó. Ngược lại, hầu hết những hành động tiến công bằng vũ khí động năng đều dễ bị phát hiện hơn, do đó bên tiến công có thể thất bại và bị đánh trả đũa.
Cuối cùng, so với những hành động tiến công bằng lực lượng qui ước, tiến công mạng dễ tiến hành hơn; giới cầm quyền chính trị tối cao có thể không biết và không chỉ đạo. Với thực tế những kẻ thực hiện hành động tiến công mạng có thể có quan hệ về tổ chức với cộng đồng tình báo gần gũi hơn quan hệ với các lực lượng vũ trang (vì cả hai đều nhằm thâm nhập các mạng máy tính của đối phương, không thể loại trừ khả năng đó không phải là những hành động được cấp trên cho phép. Khả năng những kẻ tiến công mạng có thể hành động ngoài sự kiểm soát của giới lãnh đạo dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột mà giới lãnh đạo chính trị không biết. Với những tính toán lợi hại trong một cuộc khủng hoảng, liệu quốc gia bị tiến công mạng có cho rằng hành động tiến công mạng đó không phải là đã được thực hiện theo lệnh của giới lãnh đạo chính trị hay không? Hay quốc gia đó sẽ cho rằng hành động tiến công mạng đó là bước chuẩn bị cho chiến tranh qui ước và do đó có thể tiến công trước bằng lực lượng qui ước.
Tóm lại, bản chất của chiến tranh mạng là ở chỗ hiệu ứng, cũng như hiệu quả của nó có thể mơ hồ và hạn chế. Tuy không gây mất ổn định theo nghĩa kinh điển như những hành động tiến công nhằm vào các lực lượng qui ước của đối phương như đôi khi vẫn thường xảy ra, những hành động tiến công mạng không kèm theo hành động tiến công bằng vũ khí động năng vẫn có thể làm bùng nổ xung đột vũ trang vì bên tiến công buộc phải tranh thủ thời gian khai thác hiệu ứng của đòn tiến công mạng hoặc vì bên bị tiến công coi đó là dấu hiệu báo trước một cuộc tiến công bằng lực lượng qui ước. Hơn nữa, nếu bên tiến công đã cố ý phát động chiến tranh mạng thì cũng có thể có động cơ phát động một đòn tiến công lớn bằng lực lượng qui ước để đạt được hiệu quả cao nhất, còn hơn là để cho đối phương có cơ hội tăng cường phòng thủ. Việc đánh giá nguy cơ này nghiêm trọng đến mức độ nào đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng hơn các cách chiến tranh mạng có thể được sử dụng và những sự khác biệt giữa chiến tranh mạng với chiến tranh qui ước.
Chiến tranh mạng, chiến tranh qui ước và nguy cơ chiến tranh ngăn chặn (đánh đòn phủ đầu)
Điều trớ trêu là khó khăn của việc lặp lại đòn tiến công mạng lại có khuynh hướng thúc đẩy sử dụng nó, tiếp theo là phát động chứ không phải là kiềm chế chiến tranh qui ước. Hành động tiến công mạng có thể được thực hiện một cách bất ngờ. Bên bị tiến công phát hiện thấy các mạng máy tính, các phương tiện tiến hành chiến tranh của mình dễ bị tổn thương sẽ nhanh chóng khắc phục những điểm yếu đã bộc lộ và thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn cho các hệ thống hoạt động dựa vào mạng máy tính. Iran sau khi bị tiến công bằng “stuxnet” hiển nhiên sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc bảo vệ các phương tiện kết nối với mạng máy tính điều khiển các máy ly tâm làm giàu urani, và cảnh giác hơn nhiều trước hoạt động khác thường của các máy ly tâm. Nói như vậy không có nghĩa là sau đó hành động tiến công mạng sẽ không thể gây tổn thương cho các đối tượng bị tiến công, nhưng cách thức tiến công sẽ phải khác trước, chẳng hạn phải tinh vi và phức tạp hơn so với đòn tiến công bất ngờ trước đó, và có lẽ cũng ít có khả năng thành công hơn.
Lô-gíc này có thể thúc đẩy kẻ xâm lược phát động một cuộc tiến công lớn ngay từ đầu cuộc xung đột hơn là những đòn chiến thuật tăng dần, vừa đánh vừa thăm dò khiến bên bị tiến công có đủ thời gian khắc phục những mặt yếu bộc lộ. Nếu việc tiến hành chiến tranh mạng có tầm quan trọng đủ lớn đối với sự thành công của một cuộc tiến công thì bên tiến công không leo thang từng bước mà tiến công ồ ạt ngay từ đầu bằng lực lượng qui ước để khai thác lợi thế tạm thời đã tạo được sau đòn tiến công mạng.
Ngược lại, trong một cuộc khủng hoảng bên phòng thủ thường rất nhạy cảm với những dấu hiệu của một đòn tiến công mạng. Trong những trường hợp đó, rất có thể có những tín hiệu báo động “giả”, trong đó mọi hành động thâm nhập mạng đều được nhận định là để chuẩn bị cho chiến tranh. Như đã nói ở trên, có nhiều loại tín hiệu có thể là giả: thủ đoạn lừa gạt của bên thứ ba, hành động tiến công và thu thập tình báo mạng không phải do cấp trên chỉ đạo thực hiện. Loại thứ ba đặc biệt phức tạp vì có thể sử dụng phần mềm độc hại mà đối tượng bị thâm nhập lầm tưởng là để tạo điều kiện cho việc thâm nhập mã tiến công. Vấn đề là ở chỗ khi phần mềm độc hại đó bị phát hiện thì thường khó xác định nó đã thâm nhập mạng từ lâu hay mới đây (có thể là để chuẩn bị cho một cuộc tiến công). Có thể có khuynh hướng vội vã ra quyết định trước khi có nguy cơ thực sự xảy ra xung đột vũ trang.
Khả năng những hành động tiến công mạng đã tiến hành nhưng thất bại và không bị phát hiện làm tăng thêm khuynh hướng sớm sử dụng nó. Nếu thành công thì càng làm tăng thêm cơ hội thành công của đòn tiến công tiếp theo bằng lực lượng qui ước. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho những hành động tiến công mạng thất bại không lớn. Đòn tiến công mạng thực hiện để mở đầu cho xung đột vũ trang giống như một canh bạc, dù ít mạo hiểm hơn so với một đòn tiến công bằng lực lượng qui ước. Bên bị tiến công có thể không nhận thấy hiệu ứng của đòn tiến công mạng không thành công, hoặc nếu có nhận thấy thì có lẽ cũng không coi đó là nghiêm trọng đến mức cần phải trả đũa. Vì vậy những kẻ tiến công mạng có thể cho rằng tiến công mạng là hành động “lợi nhiều, hại ít”. Do đó, động lực thúc đẩy hành động tiến công mạng thường mạnh hơn động lực thúc đẩy hành động tiến công bằng lực lượng qui ước.
Về cơ bản, khả năng chiến tranh mạng làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn (đánh đòn phủ đầu) và dẫn đến xung đột vũ trang là ở sự mơ hồ về hiệu ứng của nó và ở cách nhận định của bên bị tiến công mạng. Tuy bước chuẩn bị cho chiến tranh bằng cách làm suy giảm khả năng của các lực lượng đối phương chỉ là một trong nhiều lý do thúc đẩy hành động tiến công mạng, nhưng đó có thể là lý do mà bên bị tiến công dễ nhận định nhất trong một cuộc khủng hoảng, đặc biệt là trong trường hợp phải trả giá đắt vì đã để cho kẻ địch tiến công trước. Thực tế mỗi bên đều biết rằng bên kia cũng nghĩ như mình có thể làm tăng thêm khả năng xảy ra cũng như tính cấp bách và qui mô của một cuộc tiến công mạng nhằm mục đích ngăn chặn, do đó làm xấu thêm tình trạng mất ổn định.
Các cuộc khủng khoảng và chiến tranh Trung- Mỹ
Những nhận xét chung nói trên áp dụng như thế nào đối với nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng và chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước hết, Trung Quốc biết rằng các mạng máy tính có vai trò rất quan trọng đối với các lực lượng và chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, và tiến công vào các mạng đó có thể đạt được hiệu ứng có ý nghĩa quyết định đối với một cuộc xung đột. Thật vậy, Bắc Kinh có thể nghĩ rằng cần phải gây hư hại cho một số hệ thống máy tính của Mỹ nếu muốn có cơ may nào đó tránh nguy cơ bị đánh bại về quân sự. Vì vậy, Mỹ có thể dự đoán Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh mạng trước hoặc ngay khi bắt đầu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang. Tuy những đòn tiến công mạng của Trung Quốc cũng có thể nhằm vào các mạng máy tính của khu vực dân sự, tạo ra những tác động đối với kinh tế và xã hội Mỹ, nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tập trung lực lượng tiến công mạng có hiệu quả nhất vào những hệ thống phục vụ cho các lực lượng Quân đội Mỹ được triển khai và tiến hành các hoạt động tác chiến ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ ngày càng dễ bị tổn thương hơn bởi chiến tranh mạng vì phải dựa vào các mạng máy tính để tiến hành các hoạt động A2/AD, và mở rộng tầm với của các phương tiện xenxơ, vũ khí và thông tin liên lạc phục vụ cho “chu trình tiêu diệt mục tiêu” ở ngoài khơi xa. Về phía Mỹ, lý thuyết tác chiến “không-biển” cũng công khai nói đến việc tiến hành chiến tranh mạng nhằm vào các mạng máy tính phục vụ cho chu trình tiêu diệt mục tiêu của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột. Xem xét những mặt dễ bị tổn thương và chiến lược của cả hai bên thì thấy có lẽ chiến tranh mạng có thể bắt đầu ngay khi bùng nổ xung đột vũ trang, và trên thực tế có thể bắt đầu trước vài giờ hay vài ngày, đủ để bên tiến công biết đòn tiến công đã có hiệu quả chưa, nhưng không quá dài để bên bị tiến công có đủ thời gian khôi phục các hệ thống đã bị tổn thương. Cả Mỹ và Trung Quốc ngày nay đều coi hoạt động của các mạng máy tính là mặt gắn liền với việc tiến hành chiến tranh.
Các mạng C4ISR quân sự hiện được coi là khá an toàn vì các mạng của Trung Quốc hầu hết dựa vào các đường cáp ngầm chuyên dụng ở bên trong lục địa Trung Hoa trong khi các mạng của Mỹ được phân chia thành nhiều mảng ngăn cách nhau và hạn chế truy cập. Tuy nhiên, không rõ các mạng đó sẽ “miễn dịch” được bao lâu trước chiến tranh mạng. Và dù rằng các mạng C4ISR vẫn tương đối an toàn, nhưng những mạng sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chuẩn bị, triển khai và bảo đảm hậu cần cho các lực lượng sẽ không an toàn. Đó sẽ là những mục tiêu tiến công của cả hai bên.
Các đòn tiến công mạng nhằm gây trở ngại cho các hoạt động quân sự dẫn đến nguy cơ leo thang thành chiến tranh mạng tổng lực (hay chiến lược), có thể nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc gia, chính phủ và dân sự, và chắc chắn là cả internet. Vì các mạng dân sự này vốn có nhiều điểm dễ bị tổn thương nên cả Mỹ và Trung Quốc đều đang ở thế cực kỳ “lưỡng nan”: làm thế nào để tiến hành tiến công mạng nhằm vào các hệ thống C4ISR của đối phương khi xảy ra xung đột mà không vượt sang khu vực dân sự và do đó làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mạng không có giới hạn, thậm chí không thể kiểm soát được. Đây là một thách thức đòi hỏi sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của cả hai nước. Cho đến nay, nguy cơ leo thang chiến tranh mạng chưa làm giảm sự quan tâm của Quân đội Trung Quốc và Mỹ trong việc nghiên cứu cách sử dụng nó để tạo lợi thế khi xảy ra xung đột qui mô lớn.
Trong tình huống xảy ra khủng hoảng về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc có thể tiến hành chiến tranh mạng hay phát động đòn tiến công toàn diện sớm và mạnh nhằm làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của các lực lượng mà Mỹ có thể huy động để bảo vệ đảo quốc này. Trong cả hai trường hợp (tiến công mạng hay tiến công toàn diện), với những tác hại có thể có đối với các lực lượng và hoạt động tác chiến của Quân đội Mỹ, phía Mỹ có thể cho rằng tiến công mạng là dấu hiệu báo trước Trung Quốc sẽ phát động cuộc tiến công bằng lực lượng qui ước. Hơn nữa, hoạt động thu thập tình báo qua mạng của Trung Quốc tăng cường, có thể là trong một cuộc khủng hoảng, có thể bị hiểu lầm là đòn tiến công mạng để chuẩn bị cho một đòn tiến công bằng lực lượng qui ước. Vì chiến tranh mạng chỉ có hiệu ứng trong một thời gian ngắn nên bên bị tiến công có thể nhận định đối phương sẽ nhanh chóng phát động đòn tiến công bằng lực lượng qui ước.
Phía Mỹ có thể phản ứng bằng cách lập tức sử dụng lực lượng qui ước để đối phó với hầu như bất kỳ hành động tiến công mạng nào của Trung Quốc mà Mỹ có thể nhận định, dù đúng hay không đúng, là hành động mở đầu cho một cuộc chiến tranh qui ước. Một khả năng khác là Mỹ có thể chỉ phản ứng bằng cách tiến hành những đòn tiến công mạng lớn nhằm làm rối loạn chu trình tiến công tiêu diệt mục tiêu của Trung Quốc. Những đòn tiến công mạng này có thể làm cho Bắc Kinh nhận định rằng chiến tranh sắp xảy ra, do đó vội vã phát động những đòn tiến công bằng vũ khí qui ước nhằm vào các lực lượng Mỹ (dĩ nhiên là những đòn tiến công cũng có thể đã được chuẩn bị trước). Tình huống này càng dễ xảy ra hơn nếu những nhân vật quan trọng nắm quyền ra quyết định không biết rằng đó là phản ứng của Mỹ đối với những hành động tiến công mạng của Trung Quốc.
Tình huống ngược lại có thể xảy ra nếu Mỹ chứ không phải là Trung Quốc phát động chiến tranh mạng trước, thay vì hoặc để chuẩn bị cho chiến tranh qui ước, hoặc để tăng cường thu thập tình báo qua mạng. Cũng không thể loại trừ trường hợp hoạt động thu thập tình báo qua mạng của bên thứ ba có thể bị Trung Quốc hiểu lầm là do Mỹ tiến hành để chuẩn bị cho chiến tranh mạng. Trung Quốc có thể nhận định đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ đang chuẩn bị đánh vào chu trình tiêu diệt mục tiêu của Trung Quốc. Vì chờ đợi có nghĩa là sẽ rơi vào thế bất lợi nên Trung Quốc có thể lập tức phát động đòn tiến công. Thật vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể cho rằng những hành động tiến công mạng sẽ không chỉ dẫn tới mà còn nhanh chóng dẫn tới chiến tranh qui ước, làm cho nó càng dễ xảy ra hơn.
Trong tương lai gần, chiến tranh mạng sẽ có thể được gắn kết chặt chẽ hơn với khả năng tiến hành chiến tranh nói chung của cả Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc ngày càng đi theo hướng này, và có bằng chứng tuy chưa đầy đủ cho thấy Trung Quốc không coi chiến tranh mạng là một loại vũ khí đặc biệt (“sát thủ chuỳ”) mà thiên về quan điểm coi đó là một mặt của tác chiến điện tử đã gắn kết với chiến tranh qui ước từ nhiều thập kỷ. Sự phát triển lực lượng của Bộ tư lệnh mạng (Cyber Command) của Mỹ (có tới 6.000 nhân viên tác nghiệp theo kế hoạch trong tương lai gần), cùng với việc đưa bộ phận chuyên trách chiến tranh mạng vào ban tham mưu của các Bộ Tư lệnh chiến đấu khu vực, cho thấy chiến tranh mạng đang ngày càng được thể chế hoá ở Mỹ. Trên thực tế, nó đang ngày càng được coi là một môi trường tác chiến, giống như trên bộ, biển và trên không, hơn là một lĩnh vực xung đột riêng biệt.
Khuynh hướng thể chế hoá đó có thể có tác động hai mặt đối với sự ổn định ở Tây Thái Bình Dương. Một mặt, các bộ phận chuyên trách chiến tranh mạng có vai trò rõ ràng hơn trong cộng đồng tiến hành chiến tranh nói chung có thể sẽ ít chủ động tiến hành các hoạt động đơn độc, càng ít có những trường hợp hành động bừa bãi. Điều này dĩ nhiên có tác dụng tốt cho sự ổn định. Mặt khác, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa chiến tranh mạng và chiến tranh qui ước sẽ làm cho chiến tranh mạng có thể được sử dụng nhiều hơn, và được coi là một mặt của chiến tranh qui ước, đặc biệt là nhằm làm suy giảm khả năng điều hành các lực lượng của đối phương đồng thời làm tăng khả năng điều hành các lực lượng quân nhà.
Vì việc điều hành các lực lượng và hoạt động tác chiến của quân đội ngày càng dựa vào các mạng máy tính, chiến lược A2/AD của Trung Quốc buộc Mỹ phải phát động chiến tranh mạng trước. Ngược lại, lý thuyết “tác chiến không-biển” của Mỹ cũng là lý do thúc đẩy chủ trương hành động tương tự của phía Trung Quốc. Nếu cả hai bên đều sẵn sàng tiến công sớm, nếu không phải là đánh đòn phủ đầu, vì cho rằng chờ đợi có nghĩa là đặt các lực lượng của mình vào thế nguy hiểm, thì có thể có khuynh hướng mở đầu xung đột bằng chiến tranh mạng. Vì vậy, chiến tranh mạng có thể được nhìn nhận là một biện pháp tương đối ít mạo hiểm để làm suy giảm khả năng của đối phương trong việc duy trì các hệ thống, cũng như độ tin cậy và hiệu quả của các hệ thống đó. Do đó, ngưỡng chiến tranh mạng có thể thấp trong khi sự cám dỗ lại cao.
Chiến lược thiên về tiến công trước của cả Trung Quốc và Mỹ, ngưỡng phát động chiến tranh mạng thấp và sự gắn kết giữa chiến tranh mạng và chiến tranh qui ước là những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh theo những cách mà về lý trí có lẽ cả Mỹ và Trung Quốc đều không mong muốn. Nếu các cuộc khủng hoảng vốn dễ dẫn đến nguy cơ chiến tranh thì xác suất xảy ra chiến tranh là một hàm số của xác suất xảy ra khủng hoảng giữa hai quốc gia. Với nhiều điểm dễ bùng nổ ở châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc khủng hoảng không phải là không thể xảy ra. Sự phát sinh chiến tranh mạng không phải là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng là một thách thức lớn, mới, đòi hỏi phải được xử lý khôn khéo.
Ít nhất, nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo chính trị nhất thiết phải biết rõ các kế hoạch quân sự và mục đích của các kế hoạch đó, bao gồm cả các kế hoạch chiến tranh mạng. Nó cũng đòi hỏi phải thiết lập các kênh thông tin xử lý khủng hoảng có hiệu quả, bao gồm cả ở cấp lãnh đạo chính trị tối cao. Cuối cùng, Mỹ và Trung Quốc nên tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp, có thể thêm cả các cuộc “diễn tập xử lý khủng hoảng”, để tìm hiểu quân sự dựa vào chiến tranh mạng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh qui ước như thế nào.
Ở cả Mỹ và Trung Quốc, các cuộc bàn cãi và phân tích về chiến tranh mạng đều thiếu sự liên hệ giữa những lợi thế quân sự chiến thuật do những đòn tiến công mạng mang lại với những hiểm hoạ chiến lược, từ nguy cơ xảy ra chiến tranh ngăn chặn đến nguy cơ leo thang. Vì cả hai nước đều không nhìn thấy tác động qua lại giữa chiến lược của hai bên nên cả những người ủng hộ và những người hoài nghi chiến tranh mạng ở Trung Quốc và Mỹ đều không nhìn thấy những khía cạnh lưỡng nan, nguy hiểm, và luận bàn về nó theo một ngôn ngữ chung./.
- Tác giả: David C Gompert; Martin Libicki
- Nguồn: T/c “Survival”, số 8-9.2014
- Người dịch: Lê Thế Mỹ