- Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 1.7.2015
- Người dịch: Nguyễn Hồng Cường
- Từ khóa: Chiến lược quân sự; chiến lược quân sự quốc gia Mỹ 2015; đường lối quân sự; Mỹ
Lời nói đầu của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ
Môi trường an ninh toàn cầu hiện nay là khó lường nhất trong cuộc đời 40 năm quân ngũ của tôi. Kể từ Chiến lược Quân sự Quốc gia gần đây nhất, xuất bản năm 2011, bất ổn toàn cầu đã gia tăng đáng kể, trong khi một số ưu thế quân sự cạnh tranh của chúng ta đã bắt đầu suy giảm. Giờ đây, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức an ninh đa dạng và liên tục do các phần tử quốc gia truyền thống và các mạng lưới xuyên khu vực của các nhóm bán quốc gia – tất cả đều tận dụng ưu thế thay đổi công nghệ nhanh chóng. Các cuộc xung đột trong tương lai sẽ xảy ra nhanh hơn, kéo dài hơn, và diễn ra trên một chiến trường với nhiều thách thức về kỹ thuật hơn. Chúng sẽ ngày càng tác động tới nội địa nước Mỹ.
Chiến lược Quân sự Quốc gia này miêu tả cách chúng ta sẽ triển khai quân đội để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Chúng ta phải có khả năng thích nghi nhanh chóng với những mối đe dọa mới trong khi duy trì ưu thế cạnh tranh ở các lĩnh vực truyền thống. Thành công sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc chúng ta sử dụng công cụ quân sự tốt như thế nào để hỗ trợ cho các công cụ sức mạnh khác và hỗ trợ cho mạng lưới các đồng minh và đối tác của chúng ta.
Chiến lược quân sự quốc gia 2015 tiếp tục kêu gọi việc linh hoạt, đổi mới và hội nhập hơn nữa. Chiến lược tái khẳng định nhu cầu duy trì sự can dự toàn cầu của Quân đội Mỹ để định hình môi trường an ninh và bảo vệ mạng lưới các đồng minh; nhắc lại tính cấp bách trong việc phát triển các nhà lãnh đạo với năng lực, trình độ và hiệu quả trong quân đội.
Tài liệu cũng khẳng định rằng việc sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các mối đe dọa quốc gia rất khác so với sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các mối đe dọa phi quốc gia. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều chiến dịch kéo dài hơn là các cuộc xung đột được giải quyết nhanh chóng…việc kiểm soát leo thang trở nên khó khăn hơn và quan trọng hơn… và để chống lại sự khó lường với nguồn lực hạn chế, chúng ta có thể phải điều chỉnh vị thế toàn cầu của mình.
Dù tương lai nhiều khả năng sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào thế hệ trẻ nước Mỹ, những người đã chọn để phục vụ trong quân đội, để sống một cuộc sống khác bình thường và để bảo vệ đồng bào của mình. Trọng tâm của chúng ta phải được duy trì theo đó họ sẽ là lực lượng được lãnh đạo tốt nhất, trang bị tốt nhất trên thế giới. Chiến lược Quân sự 2015 chính là kim chỉ nam để hướng tới mục tiêu đó.
Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015 này xác định sự cần thiết phải chống lại các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại đang thách thức các chuẩn mực quốc tế cũng như các tổ chức cực đoan, bạo lực (VEO) đang hủy hoại an ninh liên khu vực. Chúng ta phối hợp với các đồng minh và đối tác để răn đe, ngăn chặn, và - khi cần – đánh bại các đối thủ nhà nước tiềm tàng. Hiện tại, chúng ta đang đi đầu trong các nỗ lực liên minh để phá hủy, làm suy yếu và tiêu diệt các VEO. Trọng tâm của những nỗ lực này là việc củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu của chúng ta. Chiến lược liên kết này đòi hỏi chúng ta tiến hành đồng bộ các chiến dịch trên toàn cầu, thực thi đổi mới thể chế trong nước, và duy trì năng lực, khả năng và sự sẵn sàng cần thiết để giành chiến thắng trong các cuộc xung đột có sự khác biệt lớn về qui mô, mức độ và thời gian.
I. Môi trường chiến lược
Sự phức tạp và những thay đổi nhanh chóng đã định hình môi trường chiến lược hiện nay, do tác động của toàn cầu hoá, sự phổ biến công nghệ và những thay đổi về nhân khẩu học.
Toàn cầu hoá đang ảnh hưởng đến phần lớn mọi lĩnh vực của hoạt động con người. Người dân, các sản phẩm và thông tin đang dịch chuyển qua các đường biên giới với tốc độ và tần suất lớn chưa từng có, đóng vai trò là chất xúc tác cho phát triển kinh tế trong khi cũng làm gia tăng căng thẳng xã hội, cạnh tranh nguồn tài nguyên và bất ổn chính trị.
Tâm điểm của toàn cầu hoá là sự phổ biến các công nghệ mới cho phép một môi trường thông tin toàn cầu và giúp mọi người có thể nhìn thấy nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, sáng tạo ra nhiều hơn và tổ chức nhanh hơn so với trước đây. Ngày nay, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có thể tiếp cận một lượng thông tin nhiều hơn so với cả một chính phủ có được trước đây. Họ có thể nhanh chóng tổ chức và hành động dựa vào những gì họ học hỏi được, đôi khi dẫn đến những thay đổi mang tính bạo lực. Trong khi đó, các quốc gia đang sử dụng thông tin chia sẻ để phát triển những năng lực hiện đại cho chính họ. Khi được áp dụng vào các hệ thống quân sự, việc phổ biến công nghệ này đang thách thức những lợi thế cạnh tranh vốn từ lâu do Mỹ nắm giữ, chẳng hạn như vấn đề cảnh báo sớm và tiến công chính xác.
Những thay đổi này càng diễn ra mạnh mẽ hơn vì sự chuyển đổi về nhân chủng học. Dân số trẻ đang gia tăng nhanh chóng ở châu Phi và Trung Đông, những khu vực đang phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn tài nguyên, vật lộn với khó khăn về kinh tế và chia rẽ xã hội sâu sắc. Trong khi đó, dân số ở châu Âu và khu vực Bắc Á đang suy giảm và ngày một già hoá. Trên toàn thế giới, hàng triệu người đang di chuyển từ vùng nông thôn đến thành thị để tìm kiếm công ăn việc làm ở nơi mà họ phải chấp nhận sự khác biệt về văn hoá, sự miệt thị và bệnh tật. Họ cũng đang di chuyển qua các đường biên giới và các vùng biển với số lượng ngày càng đông, chấp nhận rủi ro và gây khó khăn cho các quốc gia tiếp nhận họ.
Dù có những thay đổi này, các quốc gia vẫn là nhân tố chủ đạo trong hệ thống quốc tế. Họ vẫn có ưu thế hơn về khả năng kiểm soát quyền lực, huy động sức mạnh con người và bảo đảm an ninh. Ngày nay, hầu hết các quốc gia – với sự lãnh đạo của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ - ủng hộ các thể chế và tiến trình đã được thiết lập chuyên để ngăn chặn xung đột, tôn trọng chủ quyền và thúc đẩy nhân quyền. Tuy nhiên, một số quốc gia đang cố gắng làm đảo lộn các lĩnh vực chủ chốt trong trật tự quốc tế và đang hành động theo cách đe doạ những lợi ích an ninh của chúng ta.
Mặc dù Nga đã có đóng góp trong một số lĩnh vực an ninh nhất định như chống khủng bố và buôn lậu ma tuý, nhưng quốc gia này cũng liên tục thể hiện rằng họ không tôn trọng chủ quyền của các quốc gia láng giềng và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu của mình. Hành động quân sự của Nga đang trực tiếp và thông qua các lực lượng uỷ nhiệm gây bất ổn an ninh khu vực. Những hành động này vi phạm hàng loạt các thoả thuận mà Nga đã ký kết, trong đó có những thỏa thuận họ cam kết hành động theo các chuẩn mực quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiệp ước Helssinki, Đạo luật sáng lập Nga – NATO, Bản ghi nhớ Budapest và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.
Iran đồng thời cũng gây ra những thách thức chiến lược cho cộng đồng quốc tế. Têhêran đang theo đuổi các công nghệ phổ biến hạt nhân và tên lửa bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ liên tục yêu cầu Iran ngừng các nỗ lực này. Đây là quốc gia tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố và đã gây bất ổn cho rất nhiều nước, bao gồm Ixraen, Libăng, Irắc, Syria và Yêmen. Những hành động của Iran đã gây ra sự bất ổn khu vực và dẫn tới cảnh khốn cùng cho rất nhiều người, đồng thời từ chối triển vọng về một tương lai thịnh vượng của chính người dân Iran.
Việc Bắc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và công nghệ tên lửa đường đạn cũng đi ngược lại yêu cầu của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt nỗ lực này. Những khả năng này đe doạ trực tiếp các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, chúng cũng sẽ đe doạ nội địa nước Mỹ. Bắc Triều Tiên cũng tiến hành các cuộc tiến công điều khiển học, và đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối cho một tập đoàn của Mỹ.
Chúng ta ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc trở thành đối tác trách nhiệm hơn đối với an ninh quốc tế. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc đang góp phần làm căng thẳng thêm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế. Cộng đồng quốc tế tiếp tục kêu gọi Trung Quốc giải quyết những vấn đề này theo cách hợp tác và không cưỡng bức. Trung Quốc đã phản ứng lại bằng các nỗ lực tôn tạo đảo đầy hiếu chiến. Hành động tôn tạo đảo này s ẽ cho phép họ có thể bố trí các lực lượng quân sự ngay trên các tuyến đường biển quốc tế quan trọng.
Không một hành động nào trong số những hành động này được cho là nhằm gây ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ hay các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, mỗi hành động lại gây những quan ngại an ninh nghiêm trọng, trong khi cộng đồng quốc tế đang phối hợp giải quyết bằng các chính sách chung, các thông điệp chia sẻ và hành động phối hợp.
Là một phần trong nỗ lực đó, chúng ta vẫn cam kết can dự với tất cả các quốc gia nhằm phổ biến các giá trị của chúng ta, thúc đẩy sự minh bạch và giảm nguy cơ của các tính toán sai làm. Theo đó, chúng ta tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ quân sự - quân sự thực chất với Trung Quốc và duy trì sẵn sàng can dự với Nga trong các lĩnh vực lợi ích chung, trong khi kêu gọi cả hai quốc gia giải quyết những tranh chấp thông qua biện pháp hoà bình và tuân thủ luật quốc tế.
Đồng thời với những thách thức cấp quốc gia, các tổ chức cực đoan bạo lực (VEO) – do al Qaida và Nhà nước Hồi giáo Irắc Levant tự xưng (ISIL) – đang tác động xấu tới an ninh liên khu vực, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi. Những tổ chức như vậy đang tập trung vào bộ phận dân chúng cấp tiến, phổ biến bạo lực và gia tăng khủng bố nhằm áp đặt quan điểm về tổ chức xã hội của mình. Chúng là những tổ chức mạnh nhất ở những nơi có các chính phủ yếu nhất, lợi dụng những người dân bị mắc kẹt trong các quốc gia dễ sụp đổ hoặc đang tan rã. Ở rất nhiều nơi, các VEO cùng tồn tại với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, nơi chúng có thể tiến hành hoạt động thương mại bất chính và phổ biến nạn tham nhũng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và sự ổn định.
Trong môi trường an ninh phức tạp này, Quân đội Mỹ không thể chỉ tập trung vào một thách thức nào đó mà bỏ qua những thách thức khác, mà phải bảo đảm tạo ra nhiều lựa chọn quân sự khác nhau để đối phó với những quốc gia theo chủ nghĩa xét lại và các VEO. Thất bại sẽ dẫn tới những rủi ro lớn hơn đối với nước Mỹ và trật tự quốc tế.
II. Môi trường Quân sự
Nước Mỹ là quốc gia mạnh nhất thế giới, đang có những ưu thế tuyệt đối về công nghệ, năng lượng, đồng minh, đối tác và nhân khẩu học. Tuy nhiên, những ưu thế này đang bị thách thức.
Trong thập niên qua, các chiến dịch quân sự của chúng ta chủ yếu là các chiến dịch chống lại các mạng lưới cực đoan bạo lực. Nhưng ngày nay, và trong tương lai gần, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến những thách thức do các phần tử quốc gia gây ra. Quân đội Mỹ ngày càng có khả năng chống lại việc tự do di chuyển trong khu vực và đe doạ nội địa nước Mỹ. Vấn đề đặc biệt quan tâm là việc phổ biến tên lửa đường đạn, công nghệ tiến công chính xác, các hệ thống không người lái, năng lực vũ trụ và điều khiển học, vũ khí huỷ diệt hàng loạt – những công nghệ được thiết kế để chống lại ưu thế quân sự của Mỹ và ngăn chặn việc tiếp cận các môi trường chung toàn cầu.
Những công nghệ đang nổi lên đang tác động đến những tính toán về răn đe và quản lý xung đột thông qua việc gia tăng bất ổn và gây áp lực đối với tiến trình ra quyết định. Chẳng hạn, các cuộc tiến công vào hệ thống thông tin liên lạc và các hệ thống xenxơ có thể xảy ra mà gần như không có cảnh báo sớm nào, tác động đến khả năng tiếp cận, phối hợp, thông tin liên lạc và khả năng ứng phó. Kết quả là, các cuộc xung đột trong tương lai giữa các quốc gia có thể trở nên không thể lường trước, tốn kém rất nhiều nguồn lực và rất khó kiểm soát.
Các VEO đang tận dụng lợi thế của công nghệ hiện có cũng như sử dụng các công cụ thông tin để tuyên truyền về tư tưởng huỷ diệt, tuyển mộ binh sĩ và kích động bạo lực, và phô trương sức mạnh của chúng. Chúng phát tán hành động nhằm gây lo sợ cho các đối thủ và tạo ra sự ủng hộ sự nghiệp của chúng. Chúng sử dụng các thiết bị nổ tự tạo (IED), những chiếc áo tự sát, và các công cụ điều khiển học để đẩy mạnh các hành động khủng bố ở nhiều nơi trong khi liên tục tìm kiếm các khả năng tinh vi hơn, phức tạp hơn, kể cả cả vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD).
Ngày nay, khả năng Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh giữa các quốc gia bằng một lực lượng quân sự lớn là không nhiều nhưng đang ngày một tăng. Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng lớn. Ngược lại, các VEO là mối đe doạ trực tiếp đến an ninh liên khu vực do chúng áp dụng các công nghệ sẵn có kết hợp với tư tưởng cực đoan. Ở những nơi đan xen bạo lực quốc gia và phi quốc gia, xuất hiện khu vực xung đột trong đó các phần tử tận dụng các công nghệ, các khả năng và nguồn lực để đạt được mục tiêu của chúng. Những cuộc xung đột “lai ghép” như vậy có thể bao gồm lực lượng quân đội núp bóng những phần tử phi quốc gia, như những gì Nga đã làm ở Crưm, hoặc liên quan tới một VEO được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, kể cả những loại thô sơ như ISIL đã thể hiện ở Irắc và Syria. Các cuộc xung đột lai ghép cũng có thể bao gồm các phần tử quốc gia và phi quốc gia phối hợp cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung, sử dụng nhiều loại vũ khí như những gì chúng ta thấy ở Đông Ucraina. Các cuộc xung đột lai ghép làm tăng sự mờ ám, làm phức tạp hoá tiến trình ra quyết định và làm chậm sự phối hợp của các phản ứng hiệu quả. Do những lợi thế này của kẻ hiếu chiến, nhiều khả năng loại hình xung đột này sẽ vẫn tồn tại dai dẳng trong tương lai.
III. Chiến lược quân sự liên kết
Mục tiêu của Quân đội Mỹ là bảo vệ Tổ quốc và giành chiến thắng trong các cuộc chiến mà Mỹ tham gia. Chúng ta làm việc này thông qua các chiến dịch quân sự để bảo vệ đất nước, xây dựng an ninh trên toàn cầu, tung phóng sức mạnh và giành chiến thắng quyết định. Quân đội Mỹ hỗ trợ cho các hoạt động ngoại giao, thông tin và kinh tế nhằm thúc đẩy lợi ích bền vững của nước Mỹ. Như đã được đề cập chi tiết trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2015, những lợi ích quốc gia bền vững của chúng ta là: an ninh của nước Mỹ, công dân Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ; một nền kinh tế mạnh, đổi mới và liên tục phát triển trong một hệ thống kinh tế quốc tế mở giúp tạo ra cơ hội và sự thịnh vượng; tôn trọng những giá trị chung trong nước và trên thế giới; và một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp dưới sự lãnh đạo của Mỹ giúp thúc đẩy hoà bình, an ninh, và mở ra cơ hội thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với những thách thức toàn cầu.
Từ những lợi ích quốc gia bền vững, Quân đội Mỹ đã đưa ra Những lợi ích An ninh Quốc gia (NSI) nhằm đặt ưu tiên cho các sứ mệnh của mình. Các NSI gồm: Sự sống còn của Quốc gia; ngăn ngừa các cuộc tấn công thảm hoạ nhằm vào lãnh thổ nước Mỹ; an ninh hệ thống kinh tế toàn cầu; an ninh, lòng tin và sự tin cậy của các đồng minh của Mỹ; bảo vệ các công dân Mỹ ở nước ngoài; và duy trì và phát triển những giá trị chung. Các NSI là kim chỉ nam cho các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ trong việc đưa ra đề xuất khi nào và ở đâu chúng ta nên sử dụng quân đội, loại hình và qui mô lực lượng được triển khai, và với cái giá phải trả như thế nào.
Để bảo vệ những lợi ích này, Chiến lược Quân sự quốc gia lần này đưa ra cách tiếp cận tích hợp bao gồm 3 Mục tiêu Quân sự Quốc gia: Răn đe, tiêu diệt và đánh bại các đối thủ quốc gia; Phá huỷ, làm suy yếu và tiêu diệt các tổ chức cực đoan bạo lực (VEO); và củng cố mạng lưới các đồng minh và đối tác toàn cầu. Quân đội Mỹ theo đuổi các mục tiêu này thông qua tiến hành các chiến dịch liên kết toàn cầu, triển khai các cải cách về thể chế trong nước, và duy trì các năng lực, các khả năng và sự sẵn sàng cần thiết để giành chiến thắng trong các cuộc xung đột có thể khác nhau đáng kể về qui mô, mức độ và thời gian.
NHỮNG LỢI ÍCH QUỐC GIA BỀN VỮNG CỦA MỸ
- An ninh của nước Mỹ, công dân Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.
- Một nền kinh tế mạnh, đổi mới và liên tục phát triển trong một hệ thống kinh tế quốc tế mở giúp mở ra cơ hội và sự thịnh vượng.
- Tôn trọng những giá trị chung trong nước và trên thế giới.
- Một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp dưới sự lãnh đạo của Mỹ giúp thúc đẩy hoà bình, an ninh, và mở ra cơ hội thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn nhằm đối phó những thách thức toàn cầu.
NHỮNG LỢI ÍCH AN NINH QUỐC GIA
- Sự sống còn của Quốc gia.
- Ngăn ngừa các cuộc tiến công thảm hoạ nhằm vào lãnh thổ nước Mỹ.
- An ninh hệ thống kinh tế toàn cầu; an ninh, sự tự tin và sự tin cậy của các đồng minh của Mỹ.
- Bảo vệ các công dân Mỹ ở nước ngoài.
- Duy trì và phát triển những giá trị chung.
NHỮNG MỤC TIÊU QUÂN SỰ QUỐC GIA
- Răn đe, tiêu diệt và đánh bại những đối thủ quốc gia.
- Phá huỷ, làm suy yếu và tiêu diệt các tổ chức cực đoan bạo lực.
- Củng cố mạng lưới các đồng minh và đối tác toàn cầu.
Những Mục tiêu Quân sự Quốc gia hỗ trợ việc định hướng kế hoạch lực lượng được nêu trong Báo cáo Quốc phòng Bốn năm một lần 2014. Báo cáo viết rằng Đất nước chúng ta yêu cầu Quân đội Mỹ với năng lực, khả năng và sự sẵn sàng thường xuyên bảo vệ đất nước; tiến hành các chiến dịch chống khủng bố lâu dài, phân tán; và ở nhiều khu vực, răn đe sự hiếu chiến và bảo vệ các đồng minh thông qua sự hiện diện và can dự ở phía trước. Nếu răn đe thất bại, ở bất cứ thời điểm nào, quân đội chúng ta sẽ có khả năng đánh bại một đối thủ khu vực trong một chiến dịch qui mô lớn, nhiều giai đoạn trong khi tiêu diệt các mục tiêu của – hoặc áp đặt những cái giá không thể chấp nhận lên – một đối thủ hiếu chiến ở một khu vực khác.
A. Răn đe, tiêu diệt và đánh bại các đối thủ quốc gia
Quân đội Mỹ là Lực lượng Liên quân mạnh nhất trên thế giới. Quân đội Mỹ hỗ trợ nước Mỹ thông qua việc tạo ra rất nhiều lựa chọn để bảo vệ đất nước và các lợi ích của Mỹ trong khi bảo đảm an ninh của các đồng minh của Mỹ. Quân đội Mỹ ngăn chặn sự hiếu chiến bằng cách duy trì một khả năng hạt nhân đáng tin cậy một cách an toàn, an ninh và hiệu quả; tiến hành can dự và phát động các chiến dịch ở tuyến trước; duy trì lực lượng Chính qui, Vệ binh Quốc gia và lực lượng Dự bị sẵn sàng triển khai và tiến hành các chiến dịch ở qui mô và thời gian phù hợp nhằm hoàn thành các sứ mệnh được giao. Lực lượng triển khai ở phía trước, luân phiên và ứng phó toàn cầu thường xuyên chứng tỏ năng lực và quyết tâm hành động. Một khi răn đe thất bại trong việc ngăn chặn sự hiếu chiến, Quân đội Mỹ sẵn sàng tung phóng sức mạnh để triệt tiêu các mục tiêu của đối phương và đánh bại bất kỳ đối thủ nào đe doạ nội địa nước Mỹ và những lợi ích quốc gia của Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Ngăn chặn một cuộc tiến công trực tiếp vào nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi việc phòng thủ trong nước và khu vực gắn liền với việc bảo đảm an ninh các khả năng tiến công thông thường và hạt nhân. Vì thế, lực lượng chiến lược của Mỹ phải luôn sẵn sàng. Việc phòng thủ của Quân đội Mỹ được tăng cường nhờ Thoả thuận Bộ Chỉ huy Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ với Canađa và sự hợp tác chặt chẽ với Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Những đối tác phòng thủ nội địa này được bổ sung nhờ các khoản đầu tư ngày một tăng vào lĩnh vực điều khiển học nhằm bảo vệ các mạng lưới và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra xâm lược, việc tiêu diệt các mục tiêu của đối thủ sẽ vẫn là ưu tiên trước mắt. Điều này đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng duy trì một lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao ở tuyến trước cũng như các lực lượng được huấn luyện kỹ lưỡng và trang bị tốt trong nước, công tác hậu cần và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thông suốt, hiệu quả, tình báo mạng, các liên kết dữ liệu mạnh và khả năng tương tác với các đồng minh và đối tác. Việc lên kế hoạch và phối kết hợp liên ngành kịp thời cũng sẽ giúp có thêm các lựa chọn quan trọng giúp liên kết tất cả các thành phần của sức mạnh quốc gia.
Nếu một đối thủ nào tiến công trực tiếp nước Mỹ hoặc các lợi ích của Mỹ, thì Quân đội Mỹ sẽ hành động để bảo vệ đất nước. Chúng ta được chuẩn bị để tung phóng sức mạnh trên tất cả các môi trường nhằm ngăn chặn sự xâm lược và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của đất nước bằng cách đánh bại các đối thủ một cách kiên quyết. Dù chúng ta muốn hành động phối hợp với các quốc gia khác, nhưng chúng ta sẽ hành động đơn phương khi tình hình đòi hỏi. Khi bị tiến công, Quân đội Mỹ sẽ phản ứng bằng cách gây những tổn thất tương tự nhằm đánh bại đối thủ và ngăn chặn hành động cực đoan hoặc triệt tiêu khả năng có những hành động hiếu chiến tiếp theo của chúng. Cuộc chiến chống lại một đối thủ lớn có thể đòi hỏi việc huy động mọi công cụ của sức mạnh quốc gia, và để làm được điều đó, Mỹ duy trì một lực lượng quân sự với đầy đủ các lực lượng, bao gồm lực lượng Dự bị và Vệ binh Quốc gia mạnh. Họ tạo ra chiều sâu về sức mạnh cần thiết để giành chiến thắng trong khi liên tục răn đe các mối đe doạ khác.
B. Phá huỷ, làm suy yếu và đánh bại các VEO
Ngày nay, Mỹ đang lãnh đạo một liên minh rộng lớn gồm nhiều quốc gia nhằm tiêu diệt các VEO ở nhiều khu vực thông qua gây sức ép lên tất cả các lĩnh vực trong các mạng lưới của chúng.
Cùng với tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia và các đối tác quốc tế, những nỗ lực này nhằm phá huỷ việc lên kế hoạch và hành động của VEO, làm suy yếu các cơ chế hỗ trợ, triệt tiêu sự lãnh đạo, ngăn chặn nguồn tài chính, và ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài, chống lại các ảnh hưởng nguy hiểm, giải phóng những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, và cuối cùng là đánh bại chúng. Để hỗ trợ những nỗ lực này, chúng ta đã triển khai các lực lượng quân sự Mỹ trên diện rộng và củng cố các tiến trình chỉ huy và điều khiển liên kết toàn cầu nhằm triển khai các chiến dịch liên khu vực.
Các đối tác khu vực đáng tin cậy có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các chiến dịch chống lại VEO. Quân đội Mỹ góp phần lựa chọn các lực lượng tác chiến, cung cấp công nghệ và huấn luyện để hỗ trợ các đối tác địa phương, vì đây là những đối tác cung cấp một lực lượng lớn cần thiết để khôi phục và bảo đảm an ninh đất nước họ. Thời gian cho những chiến dịch này thường kéo dài. Vì thế, họ phải được triển khai với sự ổn định về chính trị, tài chính và quân sự giúp tối ưu hoá sức mạnh của các liên minh, như những gì chúng ta đã làm ở Ápganixtan và Irắc.
Ở Ápganixtan, Mỹ và các đối tác NATO đã kết hợp cùng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc nhằm bảo đảm an ninh theo phương thức sứ mệnh Hỗ trợ Kiên quyết, hướng tới việc thiếp lập một đối tác chống khủng bố lâu dài. Tương tự như vậy, ở Irắc, một liên minh gồm hơn 60 quốc gia đang giúp hỗ trợ an ninh, hỗ trợ huấn luyện, không vận và tiến công trong cuộc chiến chống ISIL.
Việc đánh bại các VEO cũng đòi hỏi phải chú trọng đến các mối liên hệ giữa những nhóm này với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Hiểu rõ hơn về mối quan hệ đó sẽ cho phép chúng ta phá vỡ các nguồn hỗ trợ về vốn, vũ khí, và chiến binh đang chảy đến các khu vực xung đột. Những kiến thức này cũng cho phép chúng ta phối hợp với các quan chức thực thi luật pháp để bảo vệ hiệu quả hơn nước Mỹ trước những kẻ khủng bố.
Đánh bại hoàn toàn các VEO đòi hỏi phải mở ra các cơ hội về an ninh và kinh tế cho các cộng đồng dân cư đang gặp nguy hiểm. Vì thế, các chiến dịch chống VEO đòi hỏi quân đội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Mỹ và các tổ chức quốc tế, hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc giải quyết nguồn gốc xung đột. Là một phần trong nỗ lực đó, Quân đội Mỹ thường xuyên đóng góp cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ nhằm giảm tổn thất và mang lại hi vọng.
C. Củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu
Mạng lưới đồng minh và đối tác toàn cầu của Mỹ là sức mạnh độc đáo giúp tạo ra nền tảng cho an ninh và ổn định quốc tế. Những đối tác này cũng thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng trên thế giới, từ đó mọi quốc gia đều hưởng lợi.
Khi chúng ta hướng tới tương lai, Quân đội Mỹ và các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy những lợi ích chung này. Chúng ta sẽ duy trì các liên minh, mở rộng đối tác, duy trì sự hiện diện ổn định toàn cầu, và tiến hành hoạt động huấn luyện, diễn tập, hợp tác an ninh và can dự quân sự - quân sự. Những hoạt động như vậy sẽ góp phần nâng cao các khả năng và năng lực cho các đối tác, từ đó củng cố năng lực tập thể để ngăn chặn sự hiếu chiến và đánh bại những kẻ cực đoan.
Sự hiện diện của Quân đội Mỹ ở những khu vực trọng yếu trên toàn thế giới là nền tảng cho trật tự quốc tế và mở ra cơ hội can dự với các nước khác trong khi bảo đảm lực lượng tại chỗ để ứng phó với khủng hoảng. Vì thế, chúng ta sẽ củng cố sự hiện diện ở phía trước với việc tái cân bằng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bố trí những loại vũ khí hiện đại nhất và gia tăng sức mạnh ở chiến trường quan trọng đó. Chúng ta sẽ củng cố liên minh với Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và Thái Lan. Chúng ta sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh với Ấn Độ và xây dựng dựa trên đối tác với Niu Dilân, Xingapo, Inđônêxia, Malaixia, Việt Nam và Bănglađét. Những nỗ lực như vậy là cần thiết để duy trì hoà bình khu vực và nâng cao năng lực nhằm bảo đảm phòng thủ tên lửa, an ninh điều khiển học, an ninh hàng hải và cứu trợ thảm hoạ.
Ở châu Âu, chúng ta sẽ vẫn kiên định cam kết với các đồng minh NATO. NATO tạo ra sự bảo đảm an ninh tập thể quan trọng và có tầm quan trọng chiến lược trong việc ngăn ngừa xung đột, đặc biệt, trước những hành động hiếu chiến gần đây của Nga ở vùng ngoại vi của họ. Chiến dịch Quyết tâm hoạt động Đại Tây Dương (ATLANTIC RESOVE) của Mỹ, Sáng kiến Tái bảo đảm châu Âu, Kế hoạch Hành động Sẵn sàng của NATO, và rất nhiều hoạt động, diễn tập và đầu tư trong khu vục góp phần làm sâu sắc hơn nỗ lực của chúng ta đối với sự đoàn kết, thống nhất và an ninh của liên minh. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tác NATO để tăng khả năng tương tác của họ với Quân đội Mỹ và giúp đỡ họ tự phòng thủ.
Ở Trung Đông, chúng ta vẫn duy trì cam kết đầy đủ với an ninh và Quân đội có chất lượng hàng đầu (Qualitiative Military Edge) của Ixraen. Chúng ta cũng đang giúp các đối tác quan trọng khác trong khu vực nâng cao khả năng phòng thủ của họ, bao gồm Giócđani, Arập Xêút, Cô-oét, Quatar, Baranh, Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Ai Cập và Pakixtan. Cùng với đó, chúng ta đang phối hợp để củng cố các thể chế ở châu Phi, tập trung vào việc tăng cường sự ổn định, xây dựng năng lực gìn giữ hoà bình, và chống chủ nghĩa cực đoan xuyên khu vực. Quân đội Mỹ đang hỗ trợ các nỗ lực liên ngành với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê để tăng cường ổn định và chống lại các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Huấn luyện và diễn tập liên kết giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho cả các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khi củng cố năng lực tương tác và ứng phó của Quân đội Mỹ. Với các đối tác lớn như NATO, Ôxtrâylia, Nhật Bản và Hàn Quốc, các cuôc diễn tập của chúng ta chú trọng đến các khả năng phức tạp như bảo đảm việc tiếp cận đến các môi trường cạnh tranh và ngăn chặn, ứng phó với các cuộc xung đột lai ghép. Với các đối tác khác, việc huấn luyện thường tập trung vào nâng cao kỹ năng chống khủng bố, gìn giữ hoà bình, cứu trợ thảm hoạ, hỗ trợ thực thi pháp luật và tìm kiếm và cứu hộ.
Các hoạt động hợp tác an ninh là trọng tâm trong các nỗ lực của chúng ta nhằm tạo ra sự hiện diện ổn định ở các chiến trường phía trước. Việc này giúp xây dựng mối quan hệ bảo đảm lợi ích an ninh chung. Chúng cũng phát triển các khả năng quân sự cho các đối tác nhằm tự vệ và hỗ trợ các các chiến dịch đa quốc gia. Thông qua những hoạt động như vậy, chúng ta phối hợp với các cơ quan khác của Mỹ và các đối tác sứ mệnh để xây dựng nhận thức về văn hoá và khẳng định các mối quan hệ giúp tăng cường ổn định khu vực.
D. Thúc đẩy các chiến dịch liên kết toàn cầu
Việc tiến hành các chiến dịch liên kết đòi hỏi một Lực lượng Liên quân có khả năng tung phóng lực lượng nhanh chóng và mang tính quyết định trên toàn thế giới. Như được đề cập chi tiết trong “Khái niệm cơ bản cho các Chiến dịch liên quân: Lực lượng Liên quân 2020”, các chiến dịch liên kết toàn cầu chú trọng đến 8 thành phần chủ đạo: Áp dụng phương thức chỉ huy mới (mission command); giành, giữ và tận dụng thế chủ động; thúc đẩy sự linh hoạt toàn cầu; làm đối tác; thể hiện sự linh hoạt trong việc xây dựng lực lượng liên quân; nâng cao sự đồng bộ liên môi trường; sử dụng các khả năng linh hoạt, thông thường (low-signature); và trở nên ngày càng khác biệt để giảm thiểu những hậu quả ngoài ý muốn. Những chiến dịch như vậy dựa vào mạng lưới hậu cần và vận tải toàn cầu, bảo đảm thông tin liên lạc và các khả năng tình báo, cảnh giới và trinh sát (ISR) liên quân tích hợp.
Khi tiến hành các chiến dịch liên kết toàn cầu, Quân đội Mỹ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế và liên ngành để tạo ra những lựa chọn chiến lược cho đất nước Mỹ. Khi đó, các chỉ huy quân đội sử dụng ưu tiên các sứ mệnh quân sự sau để thuyết phục các nhà lãnh đạo quốc gia:
Duy trì Khả năng Răn đe hạt nhân An toàn và Hiệu quả. Lực lượng chiến lược của Mỹ luộn được duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, luôn được chuẩn bị để ứng phó với các mối đe doạ đối với đất nước và các lợi ích quan trọng của Mỹ. Theo đó, chúng ta đang đầu tư nhằm duy trì và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân. Chúng ta tiếp tục triển khai Đánh giá Vị thế Hạt nhân 2010 và Hiệp ước START mới 2011 trong khi bảo đảm các yêu cầu phòng thủ quốc gia luôn được đáp ứng. Đồng thời, chúng ta nâng cao năng lực chỉ huy và điều khiển cho các lực lượng hạt nhân chiến lược và khu vực.
Bảo đảm phòng thủ trong nước. Các khả năng nổi lên của quốc gia và phi quốc gia đang tạo ra rất nhiều mối đe doạ trực tiếp đến đất nước chúng ta. Vì thế, chúng ta đang cố gắng ngăn chặn các hoạt động chuẩn bị tiến công ở nước ngoài, bảo vệ đất nước trước các cuộc tiến công hạn chế bằng tên lửa đường đạn, và bảo vệ các hệ thống điều khiển học và cơ sở hạ tầng vật chất. Những khả năng phòng thủ nội địa chủ yếu bao gồm các hệ thống chỉ thị mục tiêu và cảnh báo sớm vững chắc trên vũ trụ và trên mặt đất; một cấu trúc thu thập, phân tích và phân biến tin tức tình báo tích hợp; một lực lượng đánh chặn trên bộ; một lực lượng sứ mệnh điều khiển học; và các lực lượng sẵn sàng chiến đấu hải, lục, không quân. Chúng ta cũng đang củng cố các đối tác trong nước và khu vực nhằm cải thiện việc chia sẻ thông tin và thống nhất nỗ lực. Những khả năng này sẽ giúp chúng ta phòng thủ tốt hơn trước cả các mối đe doạ công nghệ cao và mối nguy hiểm từ những kẻ khủng bố.
Đánh bại kẻ thù. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tiến công nhằm vào nước Mỹ và một trong các đồng minh của Mỹ, thì Quân đội Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh và đối tác sẽ tung phóng sức mạnh trên nhiều môi trường để đánh bại có tính quyết định đối thủ bằng cách buộc chúng phải dừng các hành động bạo lực hoặc khiến chúng không còn khả năng hiếu chiến nữa.
Tạo ra sự hiện diện ổn định, toàn cầu. Sự hiện diện của Quân đội Mỹ ở những khu vực quan trọng trên toàn thế giới giúp củng cố an ninh của các đồng minh và đối tác của Mỹ, tạo ra sự ổn định để phát triển kinh tế và liên kết khu vực, giúp Lực lượng Liên quân có mặt ở các khu vực để tiến hành các hoạt động khẩn cấp khi phải đối phó với khủng hoảng.
Chống khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố là một chiến thuật mà các VEO sử dụng để thúc đẩy các lợi ích của chúng. Cách tốt nhất để chống lại các VEO là liên tục gây sức ép, sử dụng lực lượng địa phương, được hỗ trợ bằng sức mạnh quân sự vốn có của Mỹ và đồng minh của Mỹ như ISR, tiến công chính xác, huấn luyện và hỗ trợ hậu cần. Các chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố cũng liên quan đến các nỗ lực phối hợp với các cơ quan khác của Mỹ, để ngăn chặn và triệt tiêu các mối đe doạ nhằm vào nội địa nước Mỹ.
Chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Các tác nhân hạt nhân, hoá học và sinh học tạo ra mối đe doạ huỷ diệt nguy hiểm. Chúng có thể khiến cho một nhóm nhỏ các phần tử có được tiềm năng huỷ diệt khủng khiếp. Do vậy, chống lại vũ khí huỷ diệt càng cách xa nội địa nước Mỹ càng tốt là nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội Mỹ. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phối hợp với các đối tác liên ngành của Mỹ và đa quốc gia để xác định, bám theo, ngăn chặn, tịch thu hoặc phá huỷ vũ khí huỷ diệt hàng loạt, các thành phần, các công cụ và cơ sở cần thiết để chế tạo chúng, ở bất cứ nơi đâu có thể.
Triệt phá các mục tiêu của kẻ thù. Phá huỷ các mục tiêu của kẻ thù hoặc áp đặt những cái giá khó chấp nhận cho chúng là trọng tâm trong việc giành được mục tiêu của chúng ta. Điều này đòi hỏi tập trung duy trì lực lượng triển khai ở tuyến trước, sẵn sàng chiến đấu cao, lực lượng trong nước được huấn luyện và trang bị tốt, cơ sở hạ tầng vận tải và phương tiện vận tải mạnh, các liên kết dữ liệu đáng tin cậy và có khả năng sống còn cao để kết nối với các đối tác và đồng minh. Những khả năng này tạo ra công cụ để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trước khi chúng có thể leo thang.
Ứng phó với khủng hoảng và tiến hành các chiến dịch giải quyết bất trắc có giới hạn. Một hình thức tung phóng sức mạnh khác là kết hợp với các đối tác để tiến hành các chiến dịch giải quyết bất trắc có giới hạn. Những chiến dịch như vậy có thể liên quan tới việc điều chuyển thêm lực lượng và trang bị của Mỹ tới một khu vực nhất định nhằm củng cố năng lực răn đe, ngăn chặn leo thang, và trấn an các đồng minh. Ngoài ra, Quân đội Mỹ duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đấu trên khắp thế giới để bảo vệ các công dân và các cơ sở ngoại giao của Mỹ.
Can dự quân sự và hợp tác an ninh. Quân đội Mỹ tăng cường sự ổn định khu vực bằng việc triển khai các hoạt động hợp tác an ninh với thể chế quốc phòng các nước. Những hoạt động như vậy hỗ trợ các lợi ích an ninh chung, phát triển năng lực tự phòng thủ cho đối tác và chuẩn bị cho các chiến dịch đa quốc gia. Củng cố các đối tác có vai trò quan trọng đối với an ninh của chúng ta, xây dựng chiều sâu chiến lược cho phòng thủ đất nước chúng ta.
Tiến hành các chiến dịch bình định và chống nổi dậy. Quân đội Mỹ cũng sẵn sàng tiến hành các chiến dịch bình định có giới hạn ở những nơi cần, phối hợp với các lực lượng của các cơ quan liên ngành, của đồng minh và nước sở tại. Những nỗ lực như vậy đề cao vai trò của một số thành phần trong Quân đội Mỹ: các đội làm nhiệm vụ dân sự - quân sự, xây dựng năng lực đối tác, đội hỗ trợ thông tin, và các chương trình giao lưu văn hoá.
Hỗ trợ các thể chế dân sự. Khi thảm hoạ thiên nhiên hoặc do con người gây ra ảnh hưởng đến nước Mỹ, Quân đội Mỹ sẽ cùng với các cơ quan khác của chính phủ hỗ trợ các thể chế dân sự. Là một phần trong nỗ lực đó, chúng ta liên kết các khả năng quân sự và dân sự thông qua Hệ thống xây dựng kế hoạch quốc gia và Chương trình thực thi quốc gia của Cơ quan Quản lý Khủng hoảng Liên bang (FEMA). Trong thời gian xảy ra các sự kiện trong nước, Quân đội Mỹ - bao gồm cả các đơn vị Vệ binh Quốc gia và các đơn vị lực lượng Dự bị - sẽ chi viện nhân viên được huấn luyện, thiết bị thông tin liên lạc, vận tải và hỗ trợ công tác hậu cần và xây dựng kế hoạch. Họ sẽ phối hợp cùng lực lượng chuyên trách ứng phó thảm hoạ dân sự giúp giảm thiểu tác động của những tai nạn đó và bảo vệ an toàn cho công dân Mỹ.
Tiến hành hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm hoạ. Trong những năm qua, binh sĩ Mỹ thuộc tất cả các lực lượng lục quân, hải quân, không quân, hải quân đánh bộ và bảo vệ bờ biển đã triển khai hiệu quả, nhanh chóng hỗ trợ bảo đảm cuộc sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên toàn thế giới. Những nỗ lực như vậy có khi kéo dài vài tuần, cũng có khi dài hơn. Trong mọi trường hợp, việc triển khai giúp khắc phục hậu quả thể hiện đạo đức nghề nghiệp và những giá trị mà chúng ta tin tưởng.
CÁC SỨ MỆNH ƯU TIÊN CỦA LỰC LƯỢNG LIÊN QUÂN
- Duy trì một khả năng Răn đe hạt nhân an toàn và hiệu quả.
- Bảo đảm phòng thủ quân sự trong nước.
- Đánh bại kẻ thù.
- Tạo ra sự hiện diện ổn định, toàn cầu.
- Chống khủng bố.
- Chống vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
- Triệt phá các mục tiêu của kẻ thù.
- Ứng phó với khủng hoảng và tiến hành các chiến dịch đột xuất có giới hạn.
- Can dự quân sự và hợp tác an ninh.
- Tiến hành các chiến dịch bình định và chống nổi dậy.
- Hỗ trợ các thể chế dân sự.
- Tiến hành hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm hoạ.
E. Nguồn lực cho chiến lược
Chúng ta không thể hiện thực hoá các mục tiêu của Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015 mà không có đủ nguồn lực. Cũng giống như những chiến lược trước đây, chiến lược này xác định cam kết triển khai ảnh hưởng toàn cầu, hỗ trợ các đồng minh và đối tác và duy trì Lực lượng hoàn toàn tình nguyện. Để thực thi chiến lược này, Quân đội Mỹ cần mức độ đầu tư phù hợp vào năng lực, các khả năng và sự sẵn sàng chiến đấu để khi Đất nước cần, Quân đội Mỹ luôn sẵn sàng triển khai, bảo đảm thành công.
IV. Sáng kiến Lực lượng Liên quân
Lực lượng Liên quân Mỹ kết hợp con người, các tiến trình và các chương trình để tiến hành các chiến dịch liên kết toàn cầu và đạt được các Mục tiêu Quân sự Quốc gia của Mỹ. Việc này đòi hỏi các nhà lãnh đạo đổi mới, tối ưu hoá việc ra quyết định và các khả năng quân sự hiện đại.
A. Con người và sự chuyên nghiệp của các đơn vị: Cải thiện dựa trên lợi thế lớn nhất của chúng ta
Binh sĩ và nhân viên dân sự là lợi thế có tính quyết định của chúng ta. Họ là nền tảng cho sự xuất sắc trong hoạt động và khả năng đổi mới thành công của chúng ta. Vì thế, chúng ta quan tâm đến việc xây dựng những binh sĩ chuyên nghiệp, sáng tạo, dễ thích ứng và có kỹ năng trong lãnh đạo thay đổi về tổ chức khi hoạt động trong môi trường phức tạp. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta đang phát triển văn hoá về thể chế và củng cố sự lãnh đạo của chúng ta.
Với những thách thức trong tương lai, Quân đội Mỹ sẽ vẫn sẵn sàng để đáp ứng được những yêu cầu không thể lường trước. Chúng ta phải chuẩn bị cho binh sĩ chiến đấu trong môi trường phức tạp và nguy hiểm thường trực, các điều kiện đòi hỏi lòng dũng cảm, sự dẻo dai, khả năng thích nghi và sức chịu đựng cũng như thực thi sự tận tâm đối với các giá trị quốc gia và đạo đức quân sự chuyên nghiệp.
Chúng ta ưu tiên phát triển các nhà lãnh đạo. Để duy trì khả năng tác chiến hàng đầu, chúng ta đang chú trọng đến việc phát triển các nhà lãnh đạo có tư duy đổi mới trong toàn bộ Lực lượng Tình nguyện - các sĩ quan, binh sĩ và nhân viên dân sự thông qua sự kết hợp huấn luyện, giáo dục, phổ biến kinh nghiệm và tạo cơ hội. Những yếu tố này giúp xây dựng chuyên môn nghiệp vụ, vốn là nền tảng của sự đổi mới. Hướng tới mục tiêu này, việc huấn luyện của chúng ta kết hợp nhiều hơn yếu tố thể chất và tinh thần nhằm mô phỏng các môi trường và chiến dịch khốc liệt trong các điều kiện vô cùng khó khăn. Hệ thống giáo dục quân sự của chúng ta cũng đang đổi mới cách thức lựa chọn và khuyến khích tài năng, đề cao những tư duy phản biện và khích lệ những quan điểm mang tính đổi mới nhất. Việc giáo dục liên tục, yêu cầu cao sẽ truyền cảm hứng cho những ý tưởng mới và tìm ra các phương thức tốt hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong phát triển các nhà lãnh đạo liên quân cho tương lai, chúng ta nhấn mạnh 6 khả năng. Các nhà lãnh đạo của chúng ta sẽ:
- Cố gắng hiểu biết môi trường họ hoạt động và tác động cảu việc sử dụng tất cả các công cụ của sức mạnh quốc gia
- Lường trước và thích nghi với sự bất ngờ, sự bất ổn và sự hỗn loạn
- Hành động để nhận ra sự thay đổi và lãnh đạo chuyển đổi.
- Hành động dựa vào ý định thông qua sự tin tưởng, trao quyền và sự hiểu biết.
- Đưa ra các quyết định mang tính nhân văn dựa trên các giá trị chia sẻ trong nghề binh nghiệp.
- Suy nghĩ mang tính chiến lược và nghiêm túc trong việc áp dụng các nguyên tắc và khái niệm tác chiến liên quân trong các chiến dịch liên quân.
Chúng ta đang điều chỉnh văn hoá tổ chức. Nhằm nâng cao năng lực tác chiến, chúng ta phải thu hút, phát triển và giữ những người tài ở mọi lĩnh vực, ởi mọi cấp. Trọng tâm của nỗ lực này là việc hiểu cách xã hội đang thay đổi. Ngày nay, giới trẻ lớn lên trong một môi trường có sự kết nối sâu rộng. Họ rất quen với việc sử dụng công nghệ và các thể chế xã hội tương tác để giải quyết vấn đề. Những người trẻ tuổi này là các nhà lãnh đạo tương lai và chúng ta cần sự phục vụ của họ. Vì thế, Quân đội Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi về xã hội và văn hoá để có thể tìm kiếm, nuôi dưỡng và sử dụng những tài năng đó được tốt hơn.
Để làm việc này, chúng ta đang tìm cách phát triển các chính sách nhân sự và hoạt động khích lệ để tận dụng các kỹ năng của thế kỷ 21. Chúng ta đang tìm kiếm những phương thức mới để thu hút người tài trong các lĩnh vực dân sự. Chúng ta cũng đang thử nghiệm việc cho phép binh sĩ tiếp cận nhiều hơn những đổi mới dân sự thông qua các lựa chọn nghề nghiệp linh hoạt. Trong lĩnh vực này, Lực lượng Dự bị là cầu nối quan trọng với dân chúng, hỗ trợ Lực lượng Liên quân những kỹ năng độc đáo và các quan điểm đa dạng. Cũng quan trọng không kém trong việc xây dựng quân đội tốt nhất có thể là các nỗ lực để lôi cuốn hơn nữa giới nữ vào các hoạt động của quân đội bằng cách trao cho họ nhiều cơ hội phục vụ hơn.
Chúng ta thúc đẩy sự lãnh đạo mang tính nhân văn. Sự lãnh đạo mang tính nhân văn là trọng tâm trong việc bảo vệ và củng cố gia đình trong Quân đội Mỹ. Việc này đòi hỏi tạo ra một môi trường chuyên nghiệp giúp nâng cao sự tôn trọng của chúng ta đối với các giá trị cốt lõi, khuyến khích trách nhiệm và đề cao sự đóng góp của mọi thành viên trong cộng đồng binh sĩ. Để thực hiện những mục tiêu này, chúng ta đang tiến lên phía trước với một chiến dịch niềm tin trong đó nhấn mạnh đến sự tôn trọng lẫn nhau và nhấn mạnh tầm quan trọng của một nền văn hoá lạc quan được đề cao bằng các chương trình nâng cao phẩm chất để phòng ngừa và ứng phó với nạn tiến công tình dục, ngăn chặn tự tử, và tránh hành vi gây rủi ro cao.
B. Các tiến trình: Lĩnh hội đổi mới và hiệu quả
Các tiến trình nhanh, hiệu quả và có trọng tâm là công cụ để hoàn thành các mục tiêu chiến lược. Những tiến trình như vậy bao gồm việc nâng cao năng lực tương tác với các đối tác liên quân, liên ngành và quốc tế trong khi khuyến khích hành động thông qua thực thi phân tán.
Chúng ta đang tiến hành xây dựng kế hoạch dựa trên nguồn lực (resource-informed). Trong suốt gần một thế hệ, chúng ta đã sử dụng khả năng sẵn sàng chiến đấu nhanh như cách chúng ta tạo nó. Kết quả là, khả năng sẵn sàng chiến đấu lâu dài của chúng ta đã suy giảm. Vì thế, chúng ta đang hành động để tạo ra sự cân bằng hơn nhằm đạt được các mục tiêu tác chiến trong khi vẫn duy trì một lực lượng mạnh ở trong nước. Chúng ta đang xem xét lại các kế hoạch tác chiến và làm cho chúng trở nên linh hoạt, sáng tạo hơn, và được tích hợp ở tất cả các Bộ Tư lệnh Chiến trường. Chúng ta cũng để cho các Quân chủng có thời gian sắp xếp lại, hiện đại hoá và thay thế các trang bị quan trọng. Mục tiêu của chúng ta là tăng cường khả năng răn đe trong khi bảo đảm luôn luôn có khả năng tung phóng sức mạnh trên tất cả các môi trường. Ngoài ra, chúng ta cũng phối kết hợp tốt hơn các yêu cầu, các kế hoạch và việc triển khai tác chiến ở trong nước với nước ngoài nhằm tối ưu hoá các khả năng tập thể chống lại các mối quan ngại chung. Chúng ta sử dụng các lực lượng tinh nhuệ, được triển khai trong những khung thời gian hạn chế để tiến hành các sứ mệnh đặc biệt, thừa nhận rằng “sự tiếp tục tồn tại của loại hình chiến dịch này” là cần thiết để chống lại các đối thủ đã được xác định rõ ràng.
Chúng ta đang cải thiện sự linh hoạt toàn cầu. Khả năng nhanh chóng huy động và triển khai lực lượng ở bất cứ nơi đâu trên thế giới là trọng tâm của sự linh hoạt toàn cầu. Chúng ta đang nỗ lực nâng cao sự linh hoạt bằng cách cải thiện việc xây dựng kế hoạch chiến dịch, duy trì vị thế toàn cầu bền vững, và triển khai các quá trình quản lý lực lượng năng động nhằm điều chỉnh sự hiện diện đề phòng các các sự kiện xảy ra, để nắm bắt cơ hội tốt hơn, răn đe kẻ thù và bảo đảm cho các đồng minh và đối tác. Chúng ta cũng sẽ chia sẻ lực lượng hiệu quả hơn giữa các Bộ Tư lệnh Chiến trường để đối phó với các mối đe doạ liên khu vực. Chúng ta đang bố trí lực lượng ở những nơi cần họ nhất, chẳng hạn như việc tái cân bằng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như tăng cường sự hiện diện ở châu Âu, Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Phi. Chúng ta cũng đang điều chỉnh các thoả thuận quốc tế để bảo đảm việc tiếp cận và sự bảo vệ pháp lý cho công dân Mỹ. Những thoả thuận này cho phép chúng ta tăng cường các mối quan hệ vốn là cơ sở của niềm tin.
Chúng ta đang yêu cầu tính hiệu quả và hiệu suất cao hơn. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, chúng ta đang cố gắng quản lý nguồn lực một cách thận trọng. Kỷ luật theo quy trình (programmatic discipline) do các Quân chủng áp dụng chưa bao giờ quan trọng tới vậy, vì nó có vai trò then chốt trong việc tạo ra hiệu quả kinh tế. Chúng ta đang phối hợp để duy trì cơ sở công nghiệp của chúng ta trong khi tìm cách tiết kiệm chi phí thông qua sáng kiến 3.0 về Sức mạnh Mua sắm Tốt hơn của Bộ Quốc phòng. Chúng ta sử dụng có lựa chọn sự hỗ trợ của các nhà thầu khi nó phục vụ tốt nhất cho sứ mệnh. Chúng ta cũng đang giảm số lượng nhân viên, sắp xếp lại chức năng, loại bỏ những bộ phận dư thừa, và tạo ra các tổ chức phối hợp và hiệu quả hơn.
C. Các chương trình: Duy trì ưu thế hàng đầu về chất lượng
Các chương trình hiệu quả giúp binh sĩ hải, lục, không quân, hải quân đánh bộ và lực lượng bảo vệ bờ biển chiến đấu và giành chiến thắng. Việc bàn giao các chương trình thế hệ tiếp theo đúng thời hạn và trong khung giá cho phép là rất quan trọng, vì những hệ thống hiện nay của chúng ta ngày càng bị các đối thủ thách thức nhiều hơn. Để giành chiến thắng trước hàng loạt các mối đe doạ quốc gia và phi quốc gia, chúng ta phải suy nghĩ có tính đổi mới, đặt ra các tình huống giả định về thách thức và chấp nhận sự thay đổi.
Chúng ta đang cải thiện khả năng hoạt động tương tác liên quân. Chúng ta đang trong tiến trình xác định bộ các tiêu chuẩn về năng lực hoạt động tương tác tiếp theo cho các khả năng tương lai. Trước các thách thức chống tiếp cận/ ngăn chặn khu vực (A2/AD) mà chúng ta ngày càng phải đối mặt nhiều hơn, Lực lượng quân sự tương lai của chúng ta sẽ phải hoạt động trong các môi trường cạnh tranh. Chìa khoá để bảo đảm sự tiếp cận như vậy sẽ là việc triển khai các hệ thống có thể hoạt động tương tác, an toàn giữa các quân chủng, giữa các đồng minh, cơ quan liên ngành và đối tác thương mại. Theo đó, những nỗ lực ưu tiên là việc thiết lập một Môi trường Thông tin Liên quân (JIE), tăng cường hậu cần tích hợp toàn cầu, và xây dựng một hệ thống ISR liên quân tích hợp. Kết quả của những sáng kiến này – đặc biệt là việc kết nối tăng cường và an ninh điều khiển học do JIE tạo ra – sẽ là nền tảng cho khả năng hoạt động tương tác trong tương lai.
Chúng ta đang đầu tư để cải thiện các lợi thế mang tính quyết định. Các khả năng tương lại phải duy trì năng lực phòng thủ đất nước và tung phóng sức mạnh quân sự toàn cầu. Những khoản đầu tư quan trọng để chống lại A2/AD, các mối đe doạ vũ trụ, điều khiển học và lai ghép bao gồm: các hệ thống chỉ thị mục tiêu và cảnh báo sớm trên vũ trụ và trên mặt đất, các thiết bị ISR bền vững và tích hợp, vận tải chiến lược, các loại vũ khí tiến công chính xác tầm xa, công nghệ phòng thủ tên lửa, các hệ thống ngầm dưới biển, phương tiện và công nghệ điều khiển từ xa, lực lượng tác chiến đặc biệt, và Lực lượng Sứ mệnh Điều khiển học, cùng các lực lượng khác. Chúng ta cũng đang cải thiện các khả năng duy trì toàn cầu và nâng cấp cơ sở hạ tầng chỉ huy và điều khiển để hỗ trợ tốt hơn cho các chiến dịch phân tán trên diện rộng. Chúng ta đang hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân và nỗ lực để bảo vệ Đất nước ta trước các mối đe doạ phi đối xứng.
Đi cải thiện sự linh hoạt mang tính thể chế, chúng ta đang mở rộng các mối quan hệ với các hãng của Mỹ, bao gồm rất nhiều công ty đổi mới nhất trên thế giới, để học hỏi các phương thức quản lý, kinh doanh tốt nhất của họ. Ngoài ra, chúng ta cũng đang điều chỉnh các nỗ lực theo trình tự nhằm tận dụng lợi thế của các Sáng kiến Đổi mới Quốc phòng, vốn tập trung vào việc xác định các lợi thế chiến lược và chiến dịch thông qua diễn tập (wargaming), phát triển khái niệm và đầu tư vào công nghệ.
Cùng với việc phát triển các khả năng mới để chống lại các mối đe doạ đi cùng với xung đột, chúng ta cũng phải bảo đảm có đủ năng lực và sự sẵn sàng để duy trì trách nhiệm toàn cầu. Việc này có thể bao gồm phát triển các loại vũ khí trang bị truyền thống. Hoặc có thể đòi hỏi phải phát triển các hệ thống hoàn toàn mới trong khả năng cho phép và linh hoạt. Trong mọi trường hợp, các chương trình phải cho phép chúng ta nhanh chóng thích ứng, chống lại các đối thủ sử dụng những công nghệ và vũ khí mà chúng ta không lường trước được.
V. Kết luận
Chiến lược Quân sự Quốc gia 2015 này cung cấp cách nhìn tổng thể về các thách thức chiến lược và những chi tiết cách chúng ta sẽ triển khai Lực lượng Liên quân để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Chiến lược thừa nhận sự phức tạp ngày một tăng của môi trường toàn cầu do những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc tạo ra. Chiến lược cũng chỉ ra những lợi thế đáng kể của chúng ta, cam kết các chuẩn mực quốc tế, tầm quan trọng của các đồng minh và đối tác của Mỹ, và sự hấp dẫn của các giá trị tự do và nhân phẩm.
Khi được sử dụng để chống lại các thách thức, những sức mạnh này sẽ phát huy hiệu quả và giúp chúng ta có được một tương lai an toàn hơn./.