Lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên Quad (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) sẽ tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trong tháng này tại cảng Yokohama (Nhật Bản). Trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tính hữu ích và hiệu quả của Quad với tư cách là nhà cung cấp an ninh hàng hải trong khu vực, sứ mệnh này là một tiến triển đáng hoan nghênh nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa bốn nền dân chủ và đóng góp đáng kể hơn cho an toàn hàng hải.
Tuy nhiên, để thành công, Quad phải triển khai một chiến lược hai đại dương hiệu quả và bền vững nếu các thành viên thực sự cam kết duy trì các quy tắc về lãnh thổ hàng hải của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi gây rối trên biển.
Địa điểm được chọn cho cuộc tập trận khai mạc phản ánh tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Tây Thái Bình Dương do sự cưỡng ép của Trung Quốc. Với lợi thế về mặt địa lý, Bắc Kinh, thông qua lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân và dân quân biển, đã theo đuổi việc chiếm đóng trên thực tế các khu vực trọng điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng Đông Nam Á và Đông Á. Ví dụ, trong hai năm qua, Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc (CCG) đã gia tăng các hoạt động leo thang chống lại tàu thuyền và ngư dân Philippines trong vùng EEZ của quốc gia Đông Nam Á này.
Ở Biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng đã leo thang căng thẳng với Nhật Bản. Cụ thể, một máy bay do thám quân sự của Trung Quốc vào tháng 8/2024 đã xâm phạm không phận Nhật Bản lần đầu tiên ngoài khơi các đảo ở tỉnh Nagasaki, phía Tây Nam Nhật Bản. Tiếp theo, một tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển lãnh thổ của Nhật Bản. Những vụ xâm phạm tương tự cũng xảy ra đối với Đài Loan, mặc dù ở quy mô lớn hơn nhiều và thường xuyên hơn. Vị thế của Bắc Kinh cũng đã khuyến khích các quốc gia như Triều Tiên và Nga tham gia vào các hoạt động khiêu khích trong khu vực.
Do các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á dễ bị tổn thương trước hành vi cưỡng ép của Trung Quốc, nên có thể hiểu được tại sao nhiều thỏa thuận an ninh đa phương như Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), Nhật Bản-Philippines-Mỹ (JAPHUS), Mỹ-Nhật Bản-Philippines-Australia (SQUAD) và Nhật Bản-Hàn Quốc-Mỹ (JAROKUS) lại tập trung nỗ lực ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trên thực tế, các tuyên bố chính của Quad là khẳng định tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc bày tỏ mối quan ngại về sự hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Hoa Nam (Biển Đông). Đồng thời, các dự án đáng chú ý của Quad chủ yếu tập trung vào Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu không sử dụng cách tiếp cận toàn diện kết hợp liên kết an ninh của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì việc chỉ cố gắng kiểm soát Trung Quốc tại vị trí quyền lực địa lý của nước này sẽ không thực tế.
Trong khi Tây Thái Bình Dương là điểm tựa cho sự triển khai sức mạnh của Trung Quốc, Ấn Độ Dương cũng là một yếu tố quan trọng trong các tính toán chiến lược của nước này. Tính hợp pháp nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế quốc gia trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Sở hữu hơn 30% sản xuất toàn cầu và quân đội mở rộng nhanh chóng, Trung Quốc đã coi an ninh năng lượng là một thành phần quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Là một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, Trung Quốc nhập khẩu hơn 60% nhu cầu năng lượng từ Tây Á và châu Phi, và hầu hết các mặt hàng nhập khẩu này đi qua Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận hạn chế của Trung Quốc với Ấn Độ Dương dễ bị tổn thương nghiêm trọng. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nêu ra điểm yếu này vào năm 2003 khi ông sử dụng thuật ngữ “thế tiến thoái lưỡng nan Malacca” để giải thích những hạn chế về mặt địa lý của Trung Quốc trong việc xây dựng mối liên kết trực tiếp với các quốc gia sản xuất dầu do những hạn chế về hoạt động của nước này ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, kể từ năm 2008, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng các hoạt động xa bờ của hải quân vào Ấn Độ Dương để giám sát các tuyến giao thông trên biển quan trọng của mình. Bắc Kinh đã thành lập căn cứ hải quân ngoài khơi đầu tiên tại Djibouti vào năm 2017 để củng cố sự hiện diện của hải quân đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự tại các cảng ở Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka. Nước này cũng đã đầu tư vào các dự án phát triển cảng ở Sudan, Kenya, Mozambique và Comoros. Gần đây, Trung Quốc cũng đã cố tiến hành các hoạt động đánh bắt cá trái phép tại khu vực phía Tây Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của mình, quân đội Trung Quốc vẫn bị hạn chế ở khu vực này. Do đó, Quad cần tận dụng tình trạng mất an ninh năng lượng và những hạn chế về quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, các hoạt động của Quad vẫn nghiêng một cách bất đối xứng về phía Đông của khu vực. Điều này có thể là do tầm nhìn khác nhau về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của các thành viên Quad. Ví dụ, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ không bao gồm toàn bộ Ấn Độ Dương mà chỉ bao gồm phía Đông của đại dương này. Ngoài ra, chương trình Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về Nhận thức về Lĩnh vực Hàng hải (IPMDA) của Quad cũng chỉ giới hạn ở phía Đông Ấn Độ Dương.
Một lý do khác là vị trí địa lý. Ấn Độ là thành viên duy nhất trong Quad nằm ở Ấn Độ Dương. Do đó, Hải quân và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hoạt động như những nhà cung cấp an ninh truyền thống cho không gian hàng hải. Mặc dù các cuộc tập trận như MALABAR và MILAN đã đưa các hạm đội Quad lại gần nhau ở Ấn Độ Dương, nhưng vẫn không đủ để tạo ra sức ép đúng mức lên Trung Quốc do thiếu tính bền vững và lộ trình dài hạn. Vì cán cân sức mạnh hải quân ở Ấn Độ Dương vẫn nghiêng về phía Ấn Độ, Trung Quốc đã cố gắng bù đắp những hạn chế của mình bằng cách đầu tư nhiều hơn vào khu vực này. Tuy nhiên, do thiếu áp lực từ Ấn Độ Dương, Trung Quốc có thể củng cố lực lượng quân sự của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông - nơi Trung Quốc có lợi thế địa lý rõ ràng.
Do đó, các thành viên của Quad phải khắc phục những lỗ hổng này và tập hợp ý chí chính trị cần thiết để tối đa hóa các khía cạnh địa lý của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách xây dựng một khuôn khổ an ninh hàng hải thiết thực hơn nhằm tạo ra rủi ro và áp lực lên chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Bằng cách duy trì sự hiện diện tập thể, tích cực và liên tục của lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân tại các điểm nghẽn quan trọng của Ấn Độ Dương, các nước thành viên Quad có thể gây ra tổn thất đáng kể cho Trung Quốc. Điều này cũng có thể đóng vai trò là biện pháp răn đe thực tế đối với các hoạt động hung hăng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Đối với Quad, việc làm như vậy sẽ cho phép các thành viên của mình thực hiện các hoạt động tự do hàng hải và an toàn hàng hải, thúc đẩy Trung Quốc phân tán các tài sản hàng hải của mình, dẫn đến căng thẳng tiềm tàng đối với sự hiện diện của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này ở Tây Thái Bình Dương.
Do đó, các nước thành viên Quad phải cùng nhau tận dụng cấu trúc an ninh phụ thuộc lẫn nhau của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để gây thêm tổn thất cho Trung Quốc. Quan trọng hơn, những nỗ lực này phải được duy trì để đảm bảo hiệu quả lâu dài. Bằng cách sử dụng chiến lược hai đại dương hiệu quả, Quad sẽ có thể kết hợp một cách tiếp cận toàn diện hơn trong khu vực nhằm hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương./.