Vào tháng 9 năm 2024, tại Philippines đã diễn ra triển lãm quân sự với sự tham gia của 291 công ty. Các nhà sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự trên toàn thế giới đang háo hức chờ đợi các hợp đồng mua sắm các hệ thống vũ khí hiện đại mới với Philippines. Cùng với sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, chi tiêu quốc phòng tiềm năng của Manila cũng tăng lên. Chính quyền đã công bố kế hoạch hiện đại hóa với tổng kinh phí 35 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tuy nhiên con số này có thể chưa phải là giới hạn cuối cùng. Ngân sách quốc phòng năm 2024, mặc dù khiêm tốn ở mức 4,5 tỷ USD, đang dần tăng trưởng.
Theo các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., Philippines sẽ củng cố quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản và Australia nhằm tạo ra một đối trọng hiệu quả đối với các động thái của Trung Quốc trong khu vực. Dự kiến, năng lực quốc phòng của nước này sẽ được tăng cường thông qua việc trang bị máy bay tấn công hiện đại, tàu ngầm, tên lửa chống hạm và hệ thống phòng không. Trong số các nhà sản xuất vũ khí thuộc các phân khúc này, Manila đặc biệt quan tâm đến Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Ba Lan. Tuy nhiên, các kế hoạch này hiện đang gây ra nhiều vấn đề hơn là mang lại lợi ích thực tế.
Kinh doanh trên những mâu thuẫn
Theo các kế hoạch xây dựng Hải quân Philippines được công bố hơn 10 năm trước (“Strategic Sail Plan”[1] và “Philippine Fleet Desired Force Mix proposal”[2]), đến năm 2027, lực lượng Hải quân nước này dự kiến sẽ được biên chế 03 tàu ngầm, 06 tàu khu trục có khả năng phòng không, 12 tàu chống ngầm thuộc lớp corvette và 04 tàu hỗ trợ vận chuyển chiến lược đường biển.
Trong khuôn khổ chương trình này, vào năm 2020, Hải quân Philippines lần đầu tiên nhận được tàu chiến trang bị vũ khí tên lửa có điều khiển và hệ thống điện tử hiện đại. Tàu khu trục “José Rizal”, do công ty Hyundai đóng tại Ulsan, Hàn Quốc, đã được đưa vào hoạt động. Một năm sau, tàu tương tự mang tên “Antonio Luna” cũng được biên chế. Hai chiếc lớn hơn với hệ thống vũ khí và trang thiết bị hiện đại hóa dự kiến sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2025-2026.
Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã cung cấp cho Philippines 02 tàu hộ vệ (corvette) cũ thuộc lớp “Pohang”. Không loại trừ khả năng các tàu chiến và tuần tra hiện đại hơn sẽ được chế tạo cho Philippines trước năm 2028.
Trong bối cảnh Philippines đang xem xét việc mua sắm tàu ngầm hiện đại từ nước ngoài, công ty Pháp Naval Group đề xuất 02 tàu lớp “Scorpène”[3] với giá 1,8 tỷ USD, trong khi tàu S-80 của Tây Ban Nha được chào bán với giá 1,7 tỷ USD. Mức giá cao này là nguyên nhân chính khiến Manila do dự, đặc biệt khi trước đây Hải quân đã hoạt động mà không cần đến “tàu ngầm”. Một lựa chọn thay thế đang được xem xét là tàu “Chang Bogo” của Hàn Quốc, đã được lắp ráp tại Indonesia. Dự kiến, Philippines chi khoảng 5,3 tỷ USD cho tất cả các kế hoạch đóng tàu trong 10 năm[4], tuy nhiên chính quyền vẫn chưa thể phân bổ đủ số tiền này.
Hiện nay, chiến lược sử dụng Hải quân Philippines tập trung vào việc ngăn chặn tiếp cận các khu vực biển nhất định, đặc biệt là ở Biển Đông. Đáng chú ý, khả năng phản ứng nhanh của các đơn vị lính thủy đánh bộ trong các tình huống khủng hoảng, bao gồm việc chiếm giữ và bảo vệ các rạn san hô và đảo, đang được tăng cường. Một giải pháp hợp lý cho quốc gia quần đảo này là triển khai bí mật “hạm đội muỗi” được trang bị tên lửa chống hạm hiện đại. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 10 tàu cao tốc của Philippines được trang bị các tên lửa “Spike” cỡ nhỏ.
Một điểm yếu lớn là lực lượng Không quân của Philippines không đủ khả năng hỗ trợ Hải quân do quân số ít và công nghệ lạc hậu. Các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của họ là 12 chiếc FA-50PH của Hàn Quốc, có khả năng mang bom dẫn đường và tên lửa “Maverick” để tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển. Hiện Philippines đang xem xét việc mua thêm một lô tương tự, đồng thời mở rộng danh mục vũ khí với các loại tên lửa chống hạm đầy đủ và tên lửa không đối không để đánh chặn ngoài tầm nhìn.
Trong kế hoạch sắp[5] tới, Philippines dự định nhập khẩu tới 40 máy bay đa năng, có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển và kiểm soát không phận trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ứng viên hàng đầu[6] là dòng máy bay “Gripen” của Thụy Điển. Đề xuất từ Mỹ về việc cung cấp 12 máy bay chiến đấu F-16C theo hình thức trả góp với giá 2,43 tỷ USD đã bị hoãn lại do không khả thi về mặt tài chính, đặc biệt khi Chính phủ Philippines dự kiến chỉ chi tối đa 1,1 tỷ USD cho Không quân trong thời gian tới.
Các cố vấn Mỹ đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Philippines giải pháp bù đắp năng lực chiến đấu hạn chế của Hải quân và Không quân nước này bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không di động trên các đảo quan trọng nhất ở Biển Đông. Ban đầu, Tổng thống Rodrigo Duterte đã bác bỏ ý tưởng này vì lo ngại các biện pháp trả đũa quân sự và kinh tế từ phía Trung Quốc, cũng như chi phí cao của loại vũ khí này, vốn không phù hợp với nền kinh tế đang phát triển của Philippines. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Philippines hiện đã triển khai các tên lửa chống hạm “BrahMos” mua từ Ấn Độ với tầm bắn lên đến 300 km và hệ thống tên lửa phòng không “Spyder” của Israel, có khả năng bắn hạ mục tiêu trên không ở khoảng cách 35 km và độ cao 16 km. Dự kiến, công nghệ robot cũng sẽ được phát triển, bao gồm các tàu không người lái trinh sát và tấn công, thiết bị ngầm và máy bay không người lái.
Do thiếu kinh nghiệm vận hành các thiết bị công nghệ hiện đại, các thủy thủ và phi công Philippines sẽ cần ít nhất 10 năm để đáp ứng các nhiệm vụ mà chính phủ đặt ra. Chẳng hạn, sau khi loại biên dòng máy bay F-5 vào năm 2005, Không quân Philippines không còn bất kỳ máy bay phản lực nào, tàu ngầm đến nay vẫn chưa có, và phần lớn tàu chiến của Hải quân Philippines cho đến gần đây vẫn thuộc thời kỳ “Học thuyết Truman”. Bên cạnh đó, nước này cũng cần chi tiêu đáng kể cho cơ sở hạ tầng, đào tạo, thành lập các đơn vị tìm kiếm và cứu nạn, cũng như xây dựng chiến thuật sử dụng các loại vũ khí mới. Với vị trí thứ 127 trên thế giới về GDP bình quân đầu người, ở mức 4.154 USD/năm, Philippines rõ ràng cần xem xét lại các ưu tiên của mình.
Một mục tiêu khả thi và thực tế đối với Philippines hiện nay là bảo vệ các mỏ khai thác hydrocarbon trên biển, đặc biệt tại khu vực dự án khí đốt Malampaya-Camago, nơi đã cung cấp hơn một nửa tổng nhu cầu năng lượng của nước này. Tuy nhiên, việc phòng thủ độc lập toàn bộ quần đảo, ngay cả khi các kế hoạch đề ra được thực hiện thành công và nhận được nguồn tài chính đầy đủ, khó có thể khả thi do chiều dài đường bờ biển và diện tích vùng biển rộng lớn. Hơn nữa, trong thời gian tới, các lực lượng và nguồn lực sẽ không thể không tập trung cho cuộc chiến chống bất ổn nội bộ, chủ nghĩa ly khai, cực đoan, buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác.
Tuy nhiên, đối với các nhà sản xuất vũ khí toàn cầu, việc kích động tâm lý bài Trung Quốc lại mang đến cơ hội thúc đẩy doanh số bán các thiết bị đắt tiền, mặc cho nền kinh tế và dân cư Philippines đang gặp khó khăn. Chính sách quốc gia hiện tại cho thấy, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. rõ ràng đang đặt niềm tin vào lực lượng vũ trang quốc gia như một công cụ răn đe tối thiểu, đồng thời tích cực phát triển quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ, Australia, Nhật Bản và các thành viên NATO châu Âu.
Thay đổi ưu tiên
Manila đang nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia tại vùng biển của mình. Vào cuối năm 2019, các tư lệnh Hải quân Philippines và Việt Nam đã tổ chức đàm phán về hợp tác hàng hải, bày tỏ lo ngại trước số lượng ngày càng tăng các vụ việc liên quan đến “vi phạm ranh giới biển và vùng đặc quyền kinh tế” do tàu thương mại, tàu cá và tàu chiến của Trung Quốc gây ra. Trong khuôn khổ tham vấn song phương, hai bên đã thống nhất tránh làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác thực tiễn tại Biển Đông. Hy vọng cải thiện tình hình khu vực và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh, cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã tạm dừng các cuộc tập trận chung “Balikatan” với Mỹ vào năm 2020.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang dần từ bỏ cách tiếp cận mang tính xây dựng trên. Đáng chú ý, Chính phủ Philippines ngày càng sử dụng thuật ngữ “Biển Tây Philippines” để ám chỉ vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoài ra, trong nửa năm qua, truyền thông địa phương liên tục đưa tin về sự hiện diện thường xuyên của các tàu Trung Quốc trong vùng biển mà họ cho là của Philippines, kèm theo các hành động được cho là mang tính chất “hung hăng,” như sử dụng vòi rồng, tia laser và bức xạ hạ âm. Những thông tin này đã gây phản ứng tiêu cực trong dư luận và làm gia tăng tâm lý bài Trung Quốc.
Vào tháng 04 năm 2024, tại quần đảo Philippines đã diễn ra cuộc tập trận “Balikatan[7],” ngày càng quy mô và ấn tượng hơn qua từng năm. Trong năm 2024[8], số lượng binh sĩ từ lực lượng liên hợp Philippines - Mỹ - Australia đã vượt hơn 11.000 người. Các kịch bản tập trận bao gồm chiếm đảo, phong tỏa các vùng biển và không phận, bắn đạn thật trên biển, với khu vực tập trận kéo dài hơn 300 hải lý. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hải quân Philippines thực hiện thành công cuộc tấn công vào mục tiêu trên biển bằng tên lửa chống hạm được phóng từ tàu khu trục.
Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Mỹ tại Thái Bình Dương, Tướng Charles Flynn, nhấn mạnh rằng[9], “Philippines tập trung vào các hoạt động bảo vệ lãnh thổ quốc gia, do đó cần sự hỗ trợ của chúng tôi để bảo vệ toàn vẹn và chủ quyền một cách phù hợp.” Tổng thống Joe Biden trước đó đã nhiều lần khẳng định[10] ý định hỗ trợ Manila trong trường hợp xảy ra hành động gây hấn từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, mặc dù cam kết liên minh được xem là “vững chắc như thép” (ironclad), vẫn chưa rõ liệu những cam kết này có áp dụng cho các thực thể trên quần đảo Trường Sa, nơi chính quyền Philippines coi là “thuộc về mình” hay không. Đặc biệt, phía Mỹ chỉ xem[11] các đối tượng được bảo vệ theo hiệp ước bao gồm “máy bay, tàu thuyền và lực lượng vũ trang của Philippines tại Biển Đông.” Việc liệu lực lượng bảo vệ bờ biển, vốn không thuộc quân đội chính thức, có được bảo vệ hay không vẫn chưa rõ ràng.
Một cách tình cờ, sự gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines lại trùng hợp với kế hoạch của Washington trong việc củng cố mạng lưới đối tác trên khu vực Thái Bình Dương nhằm kiềm chế “những mối đe dọa chính đối với sự ổn định khu vực.” Cấu trúc và khả năng của Lực lượng Vũ trang Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ATR) khác biệt đáng kể so với tại châu Âu. Đặc biệt, Mỹ không có biên giới trên đất liền với một trong những đối thủ chính là Trung Quốc, và vai trò của các đồng minh khu vực, đặc biệt là những quốc gia sẵn sàng cho phép đặt căn cứ quân sự Mỹ, trở nên quan trọng hơn.
Chẳng hạn, Biệt đội Tác chiến Đặc biệt số 1 của Mỹ đã triển khai[12] một sở chỉ huy trên đảo Basco của Philippines, nằm giữa eo biển Luzon và cách Đài Loan khoảng 100 hải lý về phía nam. Kế hoạch bao gồm[13] việc xây dựng các cảng và cầu cảng để tiếp nhận tàu chiến và tàu hỗ trợ. Trên đảo Itbayat lân cận, Bộ chỉ huy Hậu cần tiền phương số 8 đã xây dựng một kho lưu trữ “cho hàng hóa nhân đạo.” Đồng thời[14], các cuộc tập trận đã diễn ra với việc vận chuyển hệ thống pháo phản lực HIMARS đến phía Bắc đảo Luzon, có khả năng phóng các tên lửa dẫn đường ở khoảng cách hơn 80 km và các tên lửa ATACMS và PrSM ở tầm 300 và 500 km tương ứng. Lần đầu tiên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một hệ thống tên lửa tầm trung “Typhon” với khả năng bắn tên lửa hành trình ở tầm khoảng 2.000 km cũng đã được triển khai[15] trên lãnh thổ Philippines.
Vào tháng 7 năm 2024, các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Philippines đã tổ chức cuộc gặp theo định dạng “2+2”, trong đó Mỹ công bố chương trình hỗ trợ mới nhằm tăng cường lực lượng vũ trang và lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines, với khoản viện trợ trực tiếp trị giá 500 triệu USD. Để giám sát việc sử dụng nguồn tài trợ theo “lộ trình” đã được phê duyệt, một ủy ban đặc biệt đã được thành lập. Đáng chú ý, phần lớn số tiền này được dành cho việc trang bị 09 địa điểm triển khai quân đội Mỹ, chủ yếu là căn cứ không quân Basa[16].
Tại Manila, người ta có cơ sở để tin rằng, Trung Quốc sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ các tuyến đường thương mại ở Biển Đông, nơi có khối lượng hàng hóa trị giá hơn 3 tỷ USD lưu thông mỗi năm. Tuy nhiên, Trung Quốc ưu tiên áp dụng chiến lược “vùng xám” trong khu vực, không triển khai cơ sở quân sự hay lực lượng cố định, đồng thời ngăn cản các bên tranh chấp khác khai thác khu vực này. Ngoài ra, Bắc Kinh chưa bao giờ từ chối đối thoại. Chẳng hạn, các đại diện chính thức của Trung Quốc tuyên bố rằng, họ đã đạt được thỏa thuận với phía Philippines về việc tránh làm leo thang căng thẳng tại khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal/Ayungin Shoal). Cụ thể, hai bên đã tìm được sự thỏa hiệp liên quan đến việc tiếp tế và luân chuyển lực lượng nhỏ của Thủy quân Lục chiến Philippines trên con tàu “Sierra Madre” bị mắc cạn từ năm 1999, vốn được sử dụng làm tiền đồn của Philippines. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ thỏa thuận, dù bằng lời nói hay bằng văn bản, nhấn mạnh rằng, bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Philippines, do đó không cần sự cho phép từ phía Trung Quốc.
Quan điểm này không giúp thiết lập một bầu không khí hòa bình ở Biển Đông, đồng thời phản ánh sự tham gia của Manila vào làn sóng “bài Trung Quốc” - có lẽ trái với ý chí của phần lớn dân cư. Trung Quốc, bao gồm cả Đặc khu Hành chính Hong Kong, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Philippines, với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 80 tỷ USD. Tuy nhiên, do căng thẳng gia tăng, dự kiến thương mại giữa hai nước trong năm 2024 có thể giảm từ 5-8%.
Trong bối cảnh những vấn đề xã hội và kinh tế nội bộ như trên, rõ ràng, phương án tốt nhất để bảo vệ lợi ích an ninh và phát triển quốc gia của Manila không phải là mua sắm vũ khí bằng các khoản vay hay triển khai quân đội nước ngoài, mà là giảm căng thẳng thông qua việc tìm kiếm thỏa hiệp và phát triển quan hệ toàn diện với Bắc Kinh. Việc sử dụng các cơ chế chức năng đã được xây dựng trong khuôn khổ ASEAN và kinh nghiệm của các quốc gia láng giềng trong việc duy trì cân bằng lợi ích và tránh phụ thuộc vào bất kỳ trung tâm quyền lực nào sẽ là một lựa chọn hợp lý.
Tác giả: Andrey Gubin, Ứng viên Khoa học Chính trị, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông/Nga, Giáo sư phụ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á của Đại học Cát Lâm/Trung Quốc.
Người dịch: Đức Minh
[1] https://www.semanticscholar.org/paper/The-Philippine-Navy%27s-Strategic-Sail-Plan-2020%3A-A-Luna/12e04ff6252650ce56e3bda55ee2f6ca7e20f0ef
[2] https://www.globalsecurity.org/military/world/philippines/navy-modernization.htm
[3] https://www.navalnews.com/naval-news/2023/06/a-look-at-naval-groups-philippine-navy-submarine-offer/
[4] https://www.reuters.com/world/asia-pacific/philippines-submarine-purchase-still-under-consideration-armed-forces-2024-01-18/
[5] https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/philippines-seeks-offers-procurement-40-multi-role-fighter-jets-2024-08-29/
[6] https://www.defensenews.com/air/2024/02/22/philippines-hints-at-fresh-fighter-fleet-amid-negotiations-with-sweden/
[7] https://asiatimes.com/2024/04/philippines-arms-up-a-two-front-pushback-on-china/
[8] https://www.defensenews.com/training-sim/2024/06/04/us-philippines-expand-exercise-to-territorial-edges-amid-tension-with-china/
[9] https://www.defensenews.com/global/asia-pacific/2023/10/23/philippines-rethinks-military-modernization-plan-after-china-clashes/
[10] https://globalnation.inquirer.net/231538/biden-reiterates-any-attack-on-ph-aircraft-ship-in-scs-will-invoke-mdt
[11] https://asiatimes.com/2024/05/when-will-us-come-to-the-philippines-defense/
[12] https://www.defensenews.com/air/2024/05/13/us-army-experiments-with-long-endurance-drones-balloons-in-philippines/
[13] https://www.wsj.com/articles/on-basco-island-south-of-taiwan-u-s-military-prepares-for-conflict-with-china-f7c5c8bc
[14] https://www.defensenews.com/land/2024/05/10/us-army-sends-himars-rocket-launcher-island-hopping-in-the-philippines/
[15] https://www.defensenews.com/land/2024/04/16/us-army-deploys-midrange-missile-for-first-time-in-philippines/
[16] https://news.usni.org/2024/01/29/philippine-air-base-gets-u-s-funded-upgrade-under-china-deterrence-plan