Kỷ niệm 3 năm chiến tranh Nga-Ukraine đang đến gần. Các cuộc ném bom, pháo kích và bắn phá dữ dội vẫn đang diễn ra trên các chiến trường và có vẻ như cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt giao tranh trong vòng 24 giờ nếu ông được bầu và cam kết sẽ giải quyết vĩnh viễn trong vòng 100 ngày kể từ ngày nhậm chức. Việc chấm dứt chiến tranh trong vòng 100 ngày sẽ là tin tốt cho Ukraine, Nga và thế giới. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Trump không tiết lộ một lời nào.
Tờ báo Anh “The Times” đã đưa ra 4 kịch bản về cách chiến tranh có thể kết thúc: Ukraine bị đánh bại vì lệnh đình chỉ viện trợ an ninh nước ngoài; Ukraine không bị đánh bại nhưng chấp nhận một "thỏa thuận hòa bình tồi"; Nga và Ukraine đồng ý ngừng bắn và đàm phán với sự hòa giải của Mỹ; Ukraine có lập trường cứng rắn trong đàm phán nhưng thừa nhận những lợi ích của Nga trên chiến trường và ký một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, các cố vấn của Trump đã đưa ra 3 kịch bản: Đóng băng các tuyến hoạt động quân sự hiện tại; thiết lập các khu vực phi quân sự; thiết lập một khu vực tự trị ở miền Đông Ukraine.
Để thúc đẩy quá trình chấm dứt chiến tranh, Fan Gaoyue - Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tứ Xuyên, nguyên chuyên gia trưởng tại Học viện Khoa học Quân sự Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - đã đề xuất xây dựng 3 nguyên tắc để hướng tới một cách khả thi, bắt đầu bằng việc thành lập một nhóm công tác đặc biệt để thực hiện các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Nguyên tắc thứ nhất: HĐBA LHQ đóng vai trò chủ chốt trong việc chấm dứt chiến tranh, không chỉ liên quan đến lợi ích của Nga và Ukraine mà còn liên quan đến lợi ích của các bên khác, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia thành viên NATO, Trung Quốc, Ấn Độ và các bên khác. Chỉ có HĐBA LHQ mới có thẩm quyền làm trung gian hòa giải xung đột và điều phối lợi ích của tất cả các bên liên quan. Không quốc gia nào có thể đơn phương chấm dứt chiến tranh, bất kể quốc gia đó có hùng mạnh đến đâu. Điều này đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. 5 thành viên thường trực của HĐBA, đặc biệt là Mỹ, nên đóng vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng kế hoạch hòa bình và hành động khả thi.
Nguyên tắc thứ hai: Giải quyết các mối quan ngại về an ninh của cả hai bên. Sau Chiến tranh Lạnh, NATO đã phá vỡ cam kết không mở rộng "một tấc đất" về phía Đông. Thay vào đó, họ đã mở rộng về phía Đông 5 lần trong vòng chưa đầy 20 năm, đưa số lượng thành viên từ 16 lên 30 quốc gia. NATO cũng xây dựng các căn cứ quân sự và triển khai lực lượng trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên mới nhằm mục đích thu hẹp không gian của Nga càng nhiều càng tốt, những động thái trực tiếp gây ra chiến tranh. Mặt khác, Ukraine cảm thấy bị đe dọa bởi một nước Nga hùng mạnh và đã nộp đơn xin gia nhập NATO để được bảo vệ. Do đó, cả mối lo ngại về an ninh của Ukraine và Nga đều cần được hiểu và cân nhắc.
Nguyên tắc thứ ba: Cả Nga và Ukraine đều phải nhượng bộ. Với những mất mát, đau khổ và tình hình hiện tại của chiến trường, không bên nào có thể đánh bại bên kia trong thời gian ngắn. Để cứu mạng người, tránh mất mát và thêm đau khổ, cả Nga và Ukraine đều phải thừa nhận thực tế của chiến trường và ngồi lại đàm phán một thỏa thuận đình chiến.
Nhóm công tác đặc biệt của LHQ nên được thành lập để xây dựng một kế hoạch hòa bình và khôi phục hòa bình ở Ukraine, thực hiện công tác hòa giải và phối hợp thường lệ, thực hiện các quyết định của HĐBA và giám sát việc thực hiện các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.
Theo các nguyên tắc nêu trên, Giáo sư Fan Gaoyue đề xuất 3 kịch bản kết thúc chiến tranh:
Kịch bản thứ nhất: Cho phép Ukraine gia nhập NATO và chấp nhận việc Nga sáp nhập Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhya và Kherson. Nga đồng ý để Ukraine gia nhập NATO. Ukraine chấp nhận việc Nga sáp nhập 4 khu vực và rút khỏi Kursk như một sự đánh đổi. Điều kiện đầu tiên thỏa mãn mong muốn gia nhập NATO của Ukraine và giải tỏa nỗi sợ hãi của nước này về một nước Nga hùng mạnh; thứ hai là giải thoát Nga khỏi nỗi lo về sự bành trướng về phía Đông của NATO vì 4 khu vực được sáp nhập có thể đóng vai trò là vùng đệm giữa Nga và NATO. Đây có thể là điều mà cả hai bên đều có thể chấp nhận.
Kịch bản thứ hai: Ukraine gia nhập NATO với các điều kiện và 4 khu vực này trở nên có tính tự chủ cao. Ukraine gia nhập NATO với các điều kiện như hạn chế quy mô quân đội, không có lực lượng NATO nào khác được đồn trú tại Ukraine. Để đổi lại, Nga đồng ý rằng 4 khu vực được sáp nhập sẽ trở nên tự chủ để đóng vai trò là vùng đệm giữa Nga và Ukraine. Ukraine cũng rút khỏi Kursk.
Kịch bản thứ ba: Ukraine rút khỏi Kursk và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Nước này trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn và Nga trả lại 4 khu vực được sáp nhập cho Ukraine. Nếu Ukraine cam kết không gia nhập NATO và duy trì sự trung lập, thì đó chính xác là điều mà Nga muốn. Nga nên vui vẻ đổi các khu vực được sáp nhập để lấy quan hệ bình thường.
Nhóm công tác đặc biệt của LHQ nên bao gồm đại diện từ tất cả các quốc gia thành viên HĐBA, Ukraine và một đặc phái viên do Tổng thư ký LHQ bổ nhiệm. Cấu trúc này sẽ làm tăng thêm uy tín của nhóm. Nhóm này nên được giao trách nhiệm lập kế hoạch hòa bình bao gồm lệnh ngừng bắn, đàm phán theo từng giai đoạn và một trạng thái kết thúc có thể được Ukraine, Nga và các bên khác chấp nhận.
Theo Giáo sư Fan Gaoyue, các đề xuất và kịch bản ở trên sẽ có lợi cho việc chấm dứt chiến tranh. Bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho cuộc xung đột sẽ đòi hỏi phải tham vấn với tất cả các bên liên quan và sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với việc đưa ra các kịch bản giả định.
Ý tưởng của Trump về việc chấm dứt Chiến tranh Nga-Ukraine trong 100 ngày nên được đánh giá cao, khuyến khích và ủng hộ. Nhưng việc thực hiện ý tưởng đó không phải là một công việc dễ dàng. Mỗi quốc gia nên đóng góp phần của mình vào việc chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình./.