Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Ngày 1/2/2025 sẽ đánh dấu tròn 4 năm kể từ khi quân đội tiếp quản Myanmar do Tướng Ming Aung Hlaing lãnh đạo. Người ta đã nói rất nhiều về các Tổ chức vũ trang dân tộc (EAOs) khác nhau và thành công của họ trước Tatmadaw (Quân đội Myanmar). Theo hầu hết các báo cáo, EAOs hiện kiểm soát khoảng 60% lãnh thổ. Tuy nhiên, phần lớn dân số vẫn ở lại các lãnh thổ do Tatmadaw kiểm soát.
Một trong những bước ngoặt trong cuộc xung đột là khi Chiến dịch 1027 được phát động. Chiến dịch này được phát động chống lại chính quyền quân sự bởi các thành viên của Liên minh Ba Anh em, bao gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) từ Vùng Kokang của bang Shan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TLNA), cũng từ bang Shan và Quân đội Arakan (AA), có trụ sở tại Bang Rakhine. Thành công của chiến dịch, tiếp theo là các cuộc tấn công phối hợp khác, đã làm sáng tỏ vai trò của Trung Quốc trong việc tạm thời hỗ trợ EAOs. Điều này dễ hình dung, vì người đứng đầu MNDAA từng là lãnh chúa Laukkaing ở phía Bắc bang Shan, Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng), còn được gọi là "Vua xứ Kokang".
Một Chiến dịch 1027 thứ 2 đã được phát động vào tháng 6/2024. Mặc dù người ta biết rằng Trung Quốc đã hỗ trợ Chiến dịch 1027 đầu tiên và sau đó làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Liên minh Ba Anh em và chính quyền quân sự, nhưng có những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc phản đối một Chiến dịch khác. Tuy nhiên, thực tế là một Chiến dịch thứ 2 được phát động cho thấy EAOs không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Ngay từ đầu cuộc đảo chính quân sự năm 2021, Trung Quốc đã mơ hồ về việc chấp nhận chế độ chính quyền quân sự, ủng hộ Liên minh Ba Anh em chống Tatmadaw. Nhưng một khi cuộc đụng độ giữa EAOs và Tatmadaw trở nên không thể kiểm soát, ngay cả đối với Trung Quốc, lập trường của Trung Quốc đối với chính quyền quân sự đã thay đổi đáng kể. Thay vì phản đối chính quyền quân sự, Trung Quốc bắt đầu ủng hộ cuộc tấn công của chính quyền này vào EAO. Trung Quốc lo ngại các khoản đầu tư của mình ở Myanmar bị đe dọa với các đường ống dẫn dầu và khí đốt, cảng Kyapkhyu và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) (giống như tuyến đường sắt đề xuất kết nối Côn Minh với Vịnh Bengal) do Tatmadaw không có khả năng bảo vệ tài sản của Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc đã cử đặc phái viên Đặng Tích Quân đến đàm phán với TNLA, MNDAA, Quân đội bang Wa Thống nhất (UWSA) và Quân đội Độc lập Kachin (KIA). Điều này xảy ra sau khi KIA, bất chấp lệnh ngừng chiến từ Trung Quốc, đã chiếm được Kanpiketi ở bang Kachin, đồng thời nắm quyền kiểm soát các mỏ đất hiếm gần biên giới Trung Quốc. Tuy nhiên, áp lực của Trung Quốc đã mang lại kết quả sau khi MNDAA tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) và sẽ ngừng chiến đấu với chính quyền quân sự.
Trong khi chế độ quân sự ngừng cung cấp nhiên liệu cho các bang Kachin, Shan, Rakhine và Chin, cũng như 26 thị trấn ở khu vực Sagaing, Bắc Kinh đã đóng cửa các cửa khẩu biên giới của tất cả các vùng lãnh thổ do KIA kiểm soát. Hiện tại, bang Chin phụ thuộc vào Ấn Độ về nhiên liệu. Trung Quốc cũng đã cho trú ẩn và sau đó trao trả 300 binh lính Lực lượng Biên phòng (BGF) liên kết với chính quyền quân sự, những người đã vượt biên sang Trung Quốc sau cuộc giao tranh dữ dội ở Kanpiketi.
Tuy nhiên, trong thời kỳ hỗn loạn này, AA đã nổi lên như một trong những thế lực lớn hơn, với hơn 6.000 binh lính được triển khai ở phía Bắc bang Shan và 50.000 binh lính khác đồn trú tại Rakhine. Được khích lệ bởi những thành quả đạt được ở bang Shan, AA đã phát động một cuộc tấn công toàn diện chống lại Tatmadaw ở bang Rakhine vào tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, AA đã chiếm được 13 thị trấn ở Rakhine và thị trấn Paletwa ở bang Chin, với vụ chiếm giữ gần đây nhất là Ann, nơi có trụ sở chỉ huy phía Tây của quân đội Myanmar. Cùng với Ann, AA cũng chiếm được hầu hết trụ sở Cảnh sát Biên phòng. Ngay từ tháng 6 năm nay, AA đã chiếm được Taw Hein Taung, căn cứ chỉ huy tác chiến bảo vệ Ann, nhưng sau một thời gian ngừng bắn ngắn, họ đã tiếp tục tấn công. Hơn nữa, họ đã kiểm soát được xa lộ Ann-Pandan, tuyến đường quan trọng cho việc vận chuyển quân đội cũng như tạo ra thu nhập bất hợp pháp.
Mặc dù các khu vực chiến lược lớn và thủ phủ của bang Rakhine, Sittwe, đóng vai trò then chốt trong Dự án Vận tải Đa phương thức Kaladan (KMTTP) đầy tham vọng của Ấn Độ và là nơi cảng Sittwe được khánh thành vào năm 2023, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự. Đặc khu kinh tế Kyaukphyu, vốn có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự. Nhiều nhà phân tích đã suy đoán rằng các bang Chin và Shan sẽ thoát khỏi sự kiểm soát ngay từ đầu của cuộc xung đột, nhưng với thành công liên tục của AA ở Rakhine và cuộc tấn công của họ kéo dài đến tận Sông Teknaf phân định ranh giới Myanmar với Bangladesh, điều này đã khơi dậy sự quan tâm của những người quan sát đối với AA.
Hiện tại, người ta suy đoán rằng Rakhine có thể là bang đầu tiên thoát khỏi sự kiểm soát của Tatmadaw. Mặc dù một số bản tin đã gây hiểu lầm, đưa tin rằng AA xâm nhập vào lãnh thổ Bangladesh, nhưng thực tế vẫn là AA không công bố diễn biến này cũng như việc tiến vào lãnh thổ Bangladesh, đặc biệt là những khu vực có người Rohingya định cư, không phục vụ mục đích gì cho AA. Có nhiều khả năng AA sẽ tràn sang các khu vực Chin, dẫn đến các cuộc đụng độ không thường xuyên với các EAOs khác đang đấu tranh để thống nhất, điều này vẫn chưa có kết quả cho đến nay.
Tuy nhiên, một số nước phương Tây được cho là đã cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các nhóm Chin khác nhau. Các cuộc họp giữa các nhóm cách mạng Chin như Hội đồng Chinland và Hội đồng tư vấn quốc gia lâm thời Chin đã được Sáng kiến quản lý khủng hoảng (CMI) ở Helsinki (Phần Lan) làm trung gian. Năm 2023, Hội nghị Chinland đầu tiên được tổ chức tại Trại Victoria bên kia biên giới Mizoram tại hợp lưu của sông Tiau và Harhva, nơi 325 đại diện từ bang Chin đã phê chuẩn hiến pháp Chinland mới để thành lập chính quyền Chin bao gồm cơ quan lập pháp, nhánh hành pháp và cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, 6 nhóm kháng chiến Chin đã ly khai và thành lập Hội anh em Chin. AA ủng hộ Hội anh em Chinland ở thị trấn Matupi, buộc liên minh Hội đồng Chinland phải nhượng bộ quyền kiểm soát.
Trong khi AA giành được nhiều đất hơn và có nhiều đồn đoán về lợi ích của họ trên khắp Sông Teknaf, thì câu hỏi quan trọng cần xem xét là năng lực hành chính của AA trong việc cung cấp dịch vụ và nhu yếu phẩm cơ bản cho các khu vực do họ kiểm soát. Việc tách khỏi Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC), đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cho chính quyền quân sự, không chỉ có nghĩa là phải đối mặt với những thách thức về kinh tế mà còn là mối đe dọa sắp xảy ra từ các nhóm Rohingya như Quân đội Cứu thế Rohingya Arakan (ARSA) xung đột với AA, tạo ra thêm bất ổn trong khu vực.
Do đó, lợi ích của Ấn Độ nằm ở việc thiết lập liên lạc với tất cả các bên tham gia tích cực, bao gồm cả EAOs, đặc biệt là trong các dự án kết nối chiến lược dài hạn và cơ sở hạ tầng đã quá hạn hoàn thành từ lâu. Quan trọng hơn, điều bắt buộc là phải học hỏi từ vai trò của Trung Quốc trong việc bảo vệ tài sản của Trung Quốc tại Myanmar. Ngoài ra, nếu các tổ chức quốc tế có ít kinh nghiệm trong khu vực, chẳng hạn như CMI, có thể làm trung gian giữa các bên liên quan có quyền lợi, Ấn Độ cần xây dựng và thúc đẩy một cách tiếp cận chủ động trong việc phối hợp với các quốc gia có cùng chí hướng đang nỗ lực hướng tới sự ổn định trong khu vực./.
Trang mạng firstpost.com (Ngày 23/12)