TÓM LƯỢC
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân đội toàn diện, lâu dài được xây dựng nhằm nâng cao năng lực tác chiến cho quân đội Trung Quốc trong các cuộc xung đột khu vực trong thời gian ngắn và cường độ cao. Việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan vẫn là trọng tâm và là động lực chủ đạo trong đầu tư về quân sự của Trung Quốc, tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày một chú trọng hơn đến việc chuẩn bị cho các cuộc chiến khác, chẳng hạn như các cuộc xung đột trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bên cạnh đó, khi vị thế và lợi ích quốc tế của Trung Quốc gia tăng, chương trình hiện đại hóa quân đội của nước này đã chú trọng hơn đến việc đầu tư cho các sứ mệnh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm triển khai sức mạnh, bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển, chống cướp biển, gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR)
Trung Quốc coi việc hiện đại hóa Quân giải phòng nhân dân Trung Quốc là cần thiết để đạt được vị thế cường quốc và là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” của tiến trình chấn hưng dân tộc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi một quân đội mạnh là yếu tố thiết yếu để ngăn chặn các quốc gia khác có những bước đi có thể làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc và bảo đảm cho Trung Quốc có thể tự bảo vệ một khi biện pháp răn đe thất bại. Trung Quốc tìm cách bảo đảm sự ổn định cơ bản ở các vùng ngoại vi của họ và tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ nhằm tập trung vào phát triển trong nước và bảo đảm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù vậy, trong năm 2014, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng nhượng bộ ở cấp cao hơn đối với căng thẳng khu vực khi Bắc Kinh tìm cách thúc đẩy các lợi ích của mình, chẳng hạn như các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có nguy cơ làm giảm những lợi thế về công nghệ quân sự trọng yếu của Mỹ. Trung Quốc đã chính thức công khai ngân sách quốc phòng tăng trung bình 9,5% mỗi năm trong giai đoạn điều chỉnh lạm phát từ 2005- 2014, và Bắc Kinh cũng sẽ duy trì việc tăng ngân sách quốc phòng ở mức tương tự trong những năm tới. Hơn nữa, Trung Quốc đang đầu tư vào các khả năng nhằm đánh bại việc tung phóng sức mạnh của kẻ thù và chống lại bên thứ ba – bao gồm Mỹ - can thiệp trong một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.
Năm 2014, Quân đội Trung Quốc tiếp tục củng cố các khả năng để chuẩn bị cho các cuộc xung đột, bao gồm: tên lửa hành trình; tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn; máy bay hiện đại; phòng không tích hợp; chiến dịch thông tin; tiến công đổ bộ và tiến công đường không. Quân đội Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm các tên lửa đường đạn thông thường tầm trung mới, cũng như các tên lửa hành trình chống hạm, tiến công trên bộ tầm xa nhằm mở rộng tầm với của Trung Quốc, để nỗ lực đẩy lực lượng của đối phương – bao gồm của Mỹ - ra xa các cuộc xung đột khu vực tiềm tàng. Trung Quốc cũng đang tập trung vào các hoạt động chống vũ trụ, tiến công mạng và năng lực tác chiến điện tử nhằm đánh bại những lợi thế của đối phương trong tác chiến thông tin hóa hiện đại. Năm 2014, Trung Quốc cũng bắt đầu lấn biển và xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đá mà quốc gia này chiếm giữ trong Quần đảo Trường Sa. Trung Quốc sẽ có thể sử dụng chúng như những căn cứ quân-dân sự kiên cố nhằm tăng đáng kể sự hiện diện của họ ở các vùng tranh chấp.
Các chiến dịch trên toàn cầu của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc trong năm 2014 bao gồm tuần tra chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, diễn tập và bảo đảm an ninh hàng hải. Đáng chú ý là việc triển khai Lực lượng Đặc nhiệm Hộ tống Hải quân số 17 và 18 tới Vịnh Ađen, các tàu frigát của Hải quân Trung Quốc đã hộ tống các tàu hàng chở nguyên liệu vũ khí hóa học ra khỏi Syria, hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ máy bay MH370 của Hãng Hàng không Malaysia Airlines, tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ), đi vòng quanh lục địa châu Phi, và lần đầu tiên triển khai một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) lớp Thương và một tàu ngầm diezen (SS) lớp Tống tới Ấn Độ Dương.
Cách tiếp cận của BQP Mỹ đối với Trung Quốc là một phần trong chiến lược lớn hơn của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (TBD) theo đó sẽ tập trung vào xây dựng một trật tự an ninh ổn định và đa dạng, một trật tự kinh tế mở và minh bạch, và một trật tự chính trị tự do. Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên tiền đề rằng cả hai quốc gia đều có lợi ích trong việc mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực mà hai nước có chung lợi ích, và quản lý các bất đồng mang tính xây dựng.
Việc duy trì động lực tích cực trong quan hệ quân đội - quân đội sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu chính sách của Mỹ nhằm khuyến khích Trung Quốc tuân thủ các qui định và chuẩn mực quốc tế nhằm góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. BQP Mỹ tìm cách tiếp tục xây dựng mối quan hệ quân đội - quân đội bền vững với Trung Quốc, trong khi khuyến khích Trung Quốc đóng góp mang tính xây dựng cho các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định với Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ và với cộng đồng quốc tế.
Trong khi Mỹ xây dựng nền tảng vững hơn cho mối quan hệ quân đội - quân đội với Trung Quốc, Mỹ cũng sẽ tiếp tục theo dõi chiến lược, học thuyết quân sự và sự phát triển lực lượng của Trung Quốc và khuyến khích nước này minh bạch hơn trong các chương trình hiện đại hóa quốc phòng. Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, Mỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh lực lượng, vị thế và các khái niệm tác chiến nhằm duy trì một môi trường an ninh châu Á – TBD ổn định và an toàn.
CHƯƠNG I: CẬP NHẬT THƯỜNG NIÊN
Chương này sẽ nêu khái quát những phát triển quan trọng trong Quân đội Trung Quốc và các hoạt động an ninh trong suốt năm qua, với trọng tâm là những phát triển được đặc biệt nhấn mạnh trong điều 1246 của Luật Thể chế Quốc phòng cho năm tài chính 2010 (P.L. 111-84)
Những phát triển trong huấn luyện và học thuyết quân sự của Trung Quốc: Quân đội Trung Quốc đang cân nhắc những cải cách thiết thực
Trong kết luận của Kỳ họp thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (TƯ) Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, tháng 11/2013, ĐCS Trung Quốc đã chỉ đạo quân đội nước này tiến hành một loạt cải cách quan trọng. Trong những tháng sau đó, Quân đội Trung Quốc đã có những bước đi thực thi những cải cách này. Bao gồm, việc thành lập một Ban Chỉ đạo Cải cách sâu rộng Quân sự và Quốc phòng, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm trưởng ban, hai Phó Chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc là Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng làm phó ban, và có một loạt bài viết trên các phương tiện truyền thông do Đảng và nhà nước kiểm soát nhằm kêu gọi các sĩ quan và binh sĩ quân đội tham gia cải cách chứ không nên chống lại.
Những cải cách này có thể bao gồm nhưng không bị giới hạn ở: giảm số lượng lực lượng không chiến đấu, chẳng hạn như Cục Nghệ thuật và Văn hóa, Cục Văn hóa và Thể thao thuộc Tổng cục Chính trị; tăng quân số của Hải quân, Không quân, và Lực lượng Pháo binh số 2 lên tương đương quân số của Lục quân; đặc biệt “các lực lượng chiến đấu kiểu mới” như không quân của hải quân, lực lượng tác chiến mạng (tác chiến điều khiển học) và lực lượng tác chiến đặc biệt; tăng tỷ lệ binh sĩ so với sĩ quan; thành lập một hệ thống chỉ huy liên quân chiến trường; và giảm 2 quân khu. Quân đội Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn “nghiên cứu và thẩm định” của tiến tình và có thể sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức về những cải cách đặc thù một khi đã quyết định, có thể là trong năm 2015. Những cải cách này có lẽ sẽ được thực thi đầy đủ vào năm 2020.
Quân đội Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi các sư đoàn sang các lữ đoàn với ý tưởng rằng việc này sẽ giúp tăng hiệu quả qua việc nâng cao tổng thể các khả năng tác chiến. Đây là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa toàn diện nhằm sắp xếp lại lực lượng và giảm những vị trí không chiến đấu như các đơn vị giải trí thuộc Tổng cục Chính trị hay nhân viên các sở chỉ huy. Một yếu tố đáng chú ý nữa là việc để quân nhân chuyên nghiệp đảm đương các vị trí mà trước đó thường do sĩ quan đảm nhiệm hoặc để các nhân viên dân sự đảm nhiệm những chức vụ này.
Việc tiếp tục phát triển các đơn vị không quân lục quân, lực lượng tác chiến đặc biệt, và cơ động không-bộ cũng giúp nâng cao tính linh hoạt của lực lượng và xây dựng khả năng viễn chinh ban đầu. Sự thay đổi này trong cách Quân đội Trung Quốc huấn luyện chiến đấu và có thể chiến đấu trong một cuộc xung đột đã đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản về học thuyết của Quân đội Trung Quốc. Sẽ cần phải mất thời gian để xem xét lại học thuyết, nhưng nó sẽ giúp Quân đội Trung Quốc đạt được các mục tiêu hiện đại hóa vào năm 2020.
Bên cạnh đó, giới lãnh đạo cấp cao Quân đội Trung Quốc đã thảo luận việc thành lập sở chỉ huy lực lượng trên bộ (chỉ dành cho Lục quân), có thể là ở cấp tương đương như những sở chỉ huy các quân chủng khác. Theo truyền thống, các vị trí chủ chốt trong Quân đội Trung Quốc do các sĩ quan lục quân đảm trách. Việc tách sở chỉ huy lục quân ra khỏi Bộ Tổng Tham mưu sẽ cho phép Quân đội Trung Quốc nâng cao khả năng phối hợp và phát huy sức mạnh chiến đấu của các quân binh chủng khác.
Năm 2014, Quân đội Trung Quốc tiếp tục tập trung vào hoạt động diễn tập nhằm phát triển các khả năng liên kết và năng lực của các quân chủng chủ chốt, chú trọng hơn tới thực tiễn chiến đấu và môi trường điện từ ngày càng phức tạp. Trong khi tiếp tục huấn luyện cơ động, di chuyển cự ly xa, hậu cần và chỉ huy và kiểm soát (C2) liên quân (được đề cao trong các cuộc diễn tập năm 2013 như cuộc diễn tập Hành động Sứ mệnh), một số cuộc diễn tập qui mô lớn của Quân đội Trung Quốc trong mùa hè và mùa thu năm 2014 cũng cho thấy sự chú trọng mới vào việc huấn luyện tổng thể toàn quân. Trong cuộc diễn tập Bước Tiến (KUAYUE) 2014, các lữ đoàn binh chủng hợp thành từ tất cả 7 quân khu đã được triển khai tại 2 trung tâm huấn luyện. Mỗi đơn vị được đánh giá dựa trên các hoạt động cơ động và chiến đấu chống lại lực lượng đối địch. Tương tự như vậy, trong cuộc diễn tập “Hành động Liên quân” (LIANHE XINGDONG) 2014 bao gồm 7 tình huống khác nhau được tiến hành ở nhiều quân khu với sự tham gia của Lục quân, Hải quân, Không quân, Lực lượng Pháo binh số 2, Cảnh sát vũ trang, bộ đội địa phương và lực lượng dự bị, tất cả đều chú trọng vào C2 sử dụng hệ thống chỉ huy tích hợp trong tác chiến liên quân và bắn đạn thật. Cuối cùng, cuộc diễn tập có tên gọi “Sức mạnh Hỏa lực” (HOULI) 2014 với 10 tình huống qui mô lớn và có sự tham gia của các lữ đoàn pháo binh và phòng không từ ít nhất 6 quân khu cùng các học viện quân sự. Các mục tiêu chủ yếu bao gồm xây dựng kế hoạch liên quân, hỗ trợ tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) và chỉ huy và điều khiển hỏa lực liên quân tích hợp chống lại các lực lượng đối địch.
Quân đội Trung Quốc rất ít khi tổ chức diễn tập liên quân trên tất cả các quân khu; nỗ lực tổ chức ba cuộc diễn tập qui mô lớn, tất cả đều tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa học thuyết, huấn luyện và phương thức đánh giá, là một dấu mốc quan trọng trong mục tiêu lâu dài của Quân đội Trung Quốc nhằm phát triển thành một lực lượng quân đội hiện đại, nhà nghề và có khả năng tác chiến.
Trong năm 2014, việc tiêu chuẩn hóa hệ thống hậu cần đạt được nhiều tiến bộ, cho phép Quân đội Trung Quốc cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu. Việc này, kết hợp với sự phối hợp hiệu quả hơn với các cấp chính quyền địa phương, đã giúp giảm thời gian cần để huy động các đơn vị.
Chống tham nhũng
Chiến dịch chống tham nhũng toàn quốc đang được triển khai với nỗ lực nhằm loại bỏ nạn tham nhũng có hệ thống trong ĐCS Trung Quốc. Năm 2014, các cuộc điều tra nhằm vào hai cựu lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã được công khai; Phó Chủ tịch Quân ủy TƯ Trung Quốc Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi Đảng hồi tháng 6 – đây là quan chức cao nhất của Quân đội Trung Quốc bị khai trừ vì tham nhũng kể từ năm 1978 – và cựu Bộ trưởng Công an cũng là Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang đang bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCS Trung Quốc điều tra.
Trung Quốc sử dụng cưỡng ép cường độ thấp trong tranh chấp trên biển và tranh chấp lãnh thổ
Trung Quốc đã sử dụng hành động cưỡng ép cường độ thấp để thúc đẩy quyền tài phán trên biển đối với các vùng biển đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong những giai đoạn căng thẳng, các thông báo chính thức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tìm cách phác họa hành động của nước này là nhằm đối phó với những mối đe dọa đến lợi ích quốc gia hoặc các hành động gây hấn từ bên ngoài. Trung Quốc thường sử dụng các bước lấn nhỏ, phân tán nhằm tăng sự kiểm soát hiệu quả đối với những vùng lãnh thổ tranh chấp và tránh leo thang thành xung đột quân sự. Trung Quốc cũng đã sử dụng các chính sách thương mại trừng phạt như là công cụ gây sức ép trong thời gian căng thẳng, và có thể sẽ làm như vậy trong các tranh chấp trong tương lai. Chẳng hạn như, thông qua thuế quan thương mại, hạn chế du lịch và hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm 2012, Trung Quốc đã hạn chế nhập trái cây từ Philippin trong thời gian căng thẳng lên cao liên quan tới Bãi cạn Scarborough, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tránh sử dụng những hành động kinh tế lớn khi có những rạn nứt với Việt Nam và Philippin trong năm 2014.
Năm 2012, Trung Quốc đã có một số bước đi khó lường nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với tuyên bố trên Biển Hoa Đông, bao gồm đệ trình những tuyên bố này thông qua các kênh hợp pháp lên LHQ, công bố sách trắng bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình, và đăng quảng cáo trên các báo quốc tế uy tín.
Năm 2010, Trung Quốc đã sử dụng vị thế áp đảo trên thị trường ngành công nghiệp đất hiếm như là công cụ chính trị và ngoại giao, hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi xảy ra căng thẳng vì vụ đụng độ giữa một tàu cá của Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản. Các quan chức Trung Quốc nói rằng hành động đó là nhằm bảo vệ môi trường, nhưng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2014 đã xác định những hạn chế xuất khẩu đó của Trung Quốc là phân biệt đối xử và vi phạm các qui định của WTO.
Việc triển khai các tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, và hạm đội tàu cá thương mại là công cụ mà Trung Quốc sử dụng khi tiến hành “cưỡng ép cường độ thấp” nhằm củng cố vị thế của mình đối với các tranh chấp trên biển. Các tàu của Lực lượng Cảnh sát biển vẫn là lực lượng đầu tiên ứng phó với những điều được cho là thách thức đối với các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc khi quốc gia này tìm cách tránh cuộc đối đầu quân sự. Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện gần như liên tục các tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển ở tất cả các khu vực tranh chấp trong nỗ lực nhằm chứng tỏ khả năng hoạt động ở những nơi và những khi họ muốn. Trong thời gian căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc sử dụng số lượng và khả năng vượt trội của các tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển nước này để lấn lướt và răn đe các quốc gia yêu sách chủ quyền trên Biển Đông khác với mục tiêu cuối cùng là buộc khu vực phải chấp thuận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Hoạt động tôn tạo các đá hiện nay sẽ hỗ trợ khả năng duy trì các cuộc tuần tra lâu dài hơn ở Biển Đông của Trung Quốc.
Việc triển khai Vùng nhận diện Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông chống các máy bay của Nhật Bản và ứng phó với hoạt động trên biển của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku đã phản ánh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bình thường hóa sự hiện diện của họ gần các đảo và cho thấy ý định bảo vệ các yêu sách của mình trong khi tránh tính toán sai lầm nghiêm trọng với Nhật Bản. Mặc dù Hải quân Trung Quốc vẫn còn yếu kém, nhưng các tàu chiến mặt nước được triển khai của họ sẵn sàng để ứng phó với một môi trường an ninh đang xấu đi.
Tranh chấp lãnh thổ trên biển năm 2014
Các quan chức cao cấp Trung Quốc đã xác định việc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, và nhấn mạnh sự phản đối chính thức của Trung Quốc đối với các hành động mà Bắc Kinh cho là thách thức đối với lợi ích cốt lõi này. Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng các quyền hàng hải của họ mở rộng ra gần như toàn bộ Biển Đông và thường minh họa yêu sách của mình bằng “đường 9 đoạn” bao trùm hầu như toàn bộ khu vực. Đồng thời, Trung Quốc rất mập mờ với ý nghĩa đúng của đường 9 đoạn; cho tới bây giờ, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ được ý nghĩa của đường này hay đưa ra các căn cứ pháp lý.
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc trên các điểm mà họ chiếm đóng ở Quần đảo Trường Sa. Khi hoàn thành, những công trình này có thể gồm bến cảng, các hệ thống thông tin liên lạc và giám sát, bảo đảm hậu cần, và ít nhất là một đường băng. Tuy nhiên, những khu vực được cải tạo này không mang lại thêm cho Trung Quốc bất kỳ quyền nào để tuyên bố chủ quyền địa lý trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ chỉ có thể sử dụng chúng như những căn cứ quân-dân sự kiên cố để phục vụ cho các hoạt động nhằm tăng cường sự hiện diện của họ trên vùng biển tranh chấp.
Trong suốt năm 2014, các tàu của Trung Quốc duy trì sự hiện diện ở Bãi cạn Scarborough, tiếp tục đối đầu với lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippin. Các quan chức của Trung Quốc nói rằng những cuộc tuần tra này là bình thường và hợp pháp, rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với rất nhiều đảo trong Biển Đông và các vùng nước phụ cận. Tháng 5/2013, Trung Quốc phái các tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển tới những vùng nước gần Bãi Cỏ Mây thuộc Quần đảo Trường Sa. Binh sĩ Philippin đang đồn trú tại Bãi Cỏ Mây, trên một chiếc tàu đổ bộ chở xe tăng được đưa tới và mắc cạn ở đó từ năm 1999. Một học giả Trung Quốc tuyên bố rằng các cuộc tuần tra của Trung Quốc gần Bãi Cỏ Mây là “hợp pháp”. Tháng 3/2014, các tàu của Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã lần đầu tiên chặn một tàu tiếp tế của Philippin tại Bãi Cỏ Mây. Thêm một nỗ lực ngăn cản một tàu tiếp tế nữa vào cuối tháng đó, nhưng thất bại. Cả hai phía tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough và quyền trên biển liên quan đến Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc tiếp tục duy trì liên tục sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát biển ở cả hai địa điểm này.
Tháng 1/2013, Philippin đã đệ trình đơn kiện yêu cầu Tòa trọng tài Quốc tế căn cứ vào Chương XV của Công ước LHQ về Luật Biển quyết định rằng rất nhiều hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả tuyên bố “đường 9 đoạn”, là không nhất quán với những trách nhiệm của Trung Quốc theo Công ước. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Tháng 3/2014, Philippin bổ sung thêm tài liệu lên Tòa trọng tài nhằm khẳng định quyền tài phán của mình và tính chính đáng của vụ kiện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai phản đối đệ trình và bác bỏ cơ hội phản biện, tiếp tục cho rằng Philippin đã đồng ý giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao chứ không phải thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp bên thứ ba. Việc Trung Quốc không tham gia cũng không làm cho tiến trình vụ kiện bị dừng lại và tòa trọng tài có thể sẽ lên kế hoạch cho một phiên điều trần trong năm 2015 và đưa ra quyết định vài tháng sau đó. Cách thức Trung Quốc phản ứng với phán quyết tiềm tàng của tòa trọng tài sẽ phản ánh cách tiếp cận hiện nay của nước này đối với luật biển quốc tế.
Các khu vực quan ngại khác bao gồm Cụm bãi cạn Luconia, cách phía Bắc Borneo, và Bãi Cỏ rong khoảng 60 hải lý trên Biển Đông. Cụm bãi cạn Luconia đang bịTrung Quốc và Malaixia tranh chấp và ở khu vực này có thể có dầu khí, cũng đồng thời là ngư trường nhiều cá. Cả Trung Quốc và Philippin đều tuyên bố chủ quyền với Bãi Cỏ rong, và tháng 8/2014, Trung Quốc đã phái các tàu nghiên cứu thủy văn đến khảo sát khu vực này. Mùa xuân 2014, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam lên cao khi Trung Quốc triển khai và vận hành một dàn khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam gần Quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với Quần đảo Senkaku (Đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông; Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này, nhưng hiện đang thuộc quyền quản lý của Nhật Bản. Tháng 4/2012, Thị trưởng Tokyo tuyên bố kế hoạch mua lại 3 trong số 5 đảo đá này từ những chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Đáp lại, tháng 9/2012, Chính phủ Nhật Bản đã mua lại 3 đảo này. Trung Quốc phản đối động thái này và kể từ đó đã thường xuyên cử các tàu thực thi luật pháp trên biển (đôi khi cả máy bay) tới tuần tra gần Quần đảo Senkaku để thách thức khả năng kiểm soát độc quyền của Nhật Bản. Việc này bao gồm các hoạt động trên biển của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý từ các đảo. Tháng 9/2013, Trung Quốc công bố sách trắng có tiêu đề “Điều Ngư Đài, một ‘vùng lãnh thổ cố hữu’ của Trung Quốc” và đệ trình thông tin lên Ủy ban về Giới hạn thềm Lục địa của LHQ liên quan tới vùng thềm lục địa kéo dài của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, bao gồm những vùng nước gần quần đảo này. Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố việc thiết lập Vùng nhận diện Phòng không trên Biển Hoa Đông với vùng bao phủ cả bên trên quần đảo Senkaku và những vùng chồng lấn với Vùng nhận diện Phòng không mà trước đó Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã thiết lập. Các quan chức của Trung Quốc tiếp tục công khai khẳng định tuyên bố rằng quần đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và rằng Trung Quốc sẽ phản ứng kiên quyết với hành động gây hấn nào từ bên ngoài. Trong các ngày từ 10-12/11/2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã gặp gỡ song phương và tuyên bố một thỏa thuận 4 điểm nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Tình hình an ninh ở Eo biển Đài Loan
Việc đối phó với một cuộc chiến tiềm năng trên Eo biển Đài Loan vẫn là sứ mệnh chủ đạo của Quân đội Trung Quốc dù căng thẳng đã giảm đáng kể - một xu hướng được tiếp tục sau việc Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tái đắc cử vào năm 2012. Nếu tình hình thay đổi, Quân đội Trung Quốc có thể được huy động để chống lại Đài Loan nhằm ngăn chặn những động thái hướng tới độc lập, hoặc nhằm tái thống nhất Đài Loan với lục địa bằng sức mạnh trong khi răn đe, ngăn chặn hoặc đánh bại sự can thiệp của bên thứ ba muốn đại diện cho Đài Loan.
Kể từ khi chuyển giao sự lãnh đạo năm 2012-2013, Trung Quốc dường như không có thay đổi cơ bản nào trong cách tiếp cận với Đài Loan. Trung Quốc và Đài Loan tiếp tục tìm cách để đạt được những tiến bộ trong các vấn đề bất đồng. Năm 2014, quan chức chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm vấn đề Đài Loan đã có chuyến thăm lịch sử tới Đài Loan để thảo luận các vấn đề kinh tế và sự cần thiết phải tiếp tục các cuộc tham vấn cấp chính phủ-chính phủ. Tuy nhiên, căng thẳng tăng cao khi Trung Quốc xử lý vấn đề người phản đối ở Hồng Kông về việc bỏ phiếu phổ thông khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh “quan điểm nhất quán” của ông về việc thống nhất như là nền tàng để giải quyết mối quan hệ hai bờ Eo biển. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đáp lại rằng ông Tập phải “rất thận trọng” trong xử lý quan điểm bất đồng ở Hồng Kông và bài diễn văn nhân ngày Quốc khách hồi tháng 10/2014 đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những người biểu tình đòi dân chủ. Ngoài ra, các cuộc phản đối hồi tháng 3/2014 chống lại việc phê chuẩn của Đài Loan đối với thỏa thuận Thương mại trong các Dịch vụ - một thỏa thuận với lục địa nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - cũng đã làm quan hệ hai bờ Eo biển trở nên căng thẳng.
Sử dụng dàn khoan dầu khi làm mốc giới chủ quyền
Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã đưa một dàn khoan thăm dò dầu khí HD-981 do Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vận hành từ vùng giáp đảo Hải Nam tới vùng biển cách đảo gần nhất trong quần đảo Hoàng Sa 12 hải lý – kết thúc một giai đoạn căng thẳng cường độ thấp với Việt Nam về vấn đề Biển Đông kể từ đầu năm 2013. Dàn khoan ở vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông và cách Đảo Hải Nam, Trung Quốc 180 hải lý về phía Nam. Trung Quốc tuyên bố một vùng an toàn 3 hải lý quanh dàn khoan HD-981 dù sự thực rằng UNCLOS chỉ cho phép một khu vực an toàn 500 mét- và nói rằng họ sẽ tiến hành khoan từ ngày 4/5-15/8/2014.
Trung Quốc thiết lập ba vành đai an ninh xung quanh dàn khoan khi sử dụng rất nhiều tàu cá, tàu thương mại và tàu thuộc Lực lượng Cảnh sát biển, bắt đầu một cuộc đối đầu với các tàu của Việt Nam, vốn liên tục cố gắng vượt qua các vành đai này. Cả hai bên chủ yếu dựa vào các trang bị hàng hải phi quân sự để khẳng định chủ quyền của mình gần dàn khoan. Các tàu của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cảnh giới để hỗ trợ cho chiến dịch này. Các máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay trinh sát cũng được triển khai bay tuần tra trên khu vực giàn khoan. Các tàu bán vũ trang của Trung Quốc thường xuyên chủ động đâm, va và dùng vòi rồng để ngăn chặn các tàu của Việt Nam và củng cố các vành đai an ninh quanh giàn khoan. Giữa tháng 5, một số cuộc biểu tình phản đối việc hạ đặt dàn khoan của Trung Quốc đã nổ ra ở Việt Nam dẫn tới việc ít nhất 2 công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương, sau đó hơn 3.000 công dân Trung Quốc đã được sơ tán khỏi Việt Nam. Trung Quốc cũng đã trì hoãn một số kế hoạch trao đổi ngoại giao song phương với Việt Nam.
Trong suốt thời gian căng thẳng, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng những nỗ lực của Việt Nam nhằm gây gián đoạn hoạt động khoan thăm dò của Trung Quốc là sự vi phạm đối với chủ quyền của Trung Quốc và rằng các yêu sách chủ quyền của hị với Quần đảo Hoàng Sa là không thể tranh cãi. Ngày 15/7/2015, tức 1 tháng sớm hơn kế hoạch, Trung Quốc tuyên bố giàn khoan HD-981 đã hoàn tất các hoạt động thăm dò ban đầu, và rằng những hoạt động tiếp theo vẫn chưa được lên kế hoạch do mùa mưa bão đang đến. Giàn khoan của Trung Quốc có thể sẽ được tái triển khai tới các vùng biển tranh chấp ngoài khơi Việt Nam hoặc hoạt động ở những vùng tranh chấp khác trên Biển Đông trong tương lai.
Tóm lược theo thời gian:
Ngày 3/5: Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố rằng dàn khoan HD-981 sẽ tiến hành hoạt động khoan ngoài khơi Quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 4/5: Trung Quốc tuyên bố bắt đầu hoạt động khoan thăm dò: Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối hành động của Trung Quốc.
Từ 3/5-15/7: Đã xảy ra các vụ đâm va, ngăn cản của tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam gần dàn khoan HD-981.
Từ 11-14/5: Đã nổ ra các vụ phản đối Trung Quốc ở Việt Nam về vấn đề dàn khoan; một số doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài bị đập phá.
Từ 17-19/5: Trung Quốc sơ tán công dân khỏi Việt Nam sau khi hai công dân thiệt mạng trong các vụ phản đối Trung Quốc.
Ngày 26/5: Một tàu cá của Việt Nam đã bị chìm sau khi xảy ra va chạm với tàu cá Trung Quốc.
Ngày 27/5: Bộ Ngoại giao Trung Quốc báo cáo rằng HD-981 đã hoàn thành giai đoạn khoan thăm dò đầu tiên và đang chuyển sang giai đoạn thứ hai.
Ngày 18/6: Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội; đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng bắt đầu; không có tiến bộ nào nhằm giảm căng thẳng.
Ngày 15/7: Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hoạt động khoan thăm dò của HD-981, một tháng trước kế hoạch; rút dàn khoan.
Khả năng hiện nay của Quân đội Trung Quốc
Lực lượng Pháo binh số 2. Lực lượng Pháo binh số 2 kiểm soát các tên lửa đường đạn thông thường và tên lửa đường đạn hạt nhân bố trí trên bộ của Trung Quốc. Lực lượng này đang phát triển và thử nghiệm một số loại và phiên bản mới của tên lửa tiến công, bao gồm phương tiện phóng siêu thanh; thành lập thêm các đơn vị tên lửa; nâng cấp các hệ thống tên lửa cũ; và phát triển những phương thức chống phòng thủ tên lửa đường đạn mới. Lực lượng Pháo binh số 2 sở hữu ít nhất 1.200 tên lửa đường đạn tầm ngắn (SRBM) trong kho vũ khí của mình. Trung Quốc đang tăng cường khả năng sát thương của lực lượng tên lửa thông thường bằng cách trang bị một loại tên lửa đường đạn mới, CSS-11 (DF-16), với tầm bắn từ 800-1.000 km. CSS-11, cùng với phiên bản thông thường của tên lửa đường đạn tầm trung (MRBM) CSS-5 (DF-21), sẽ cải thiện năng lực tiến công của Trung Quốc không chỉ vào Đài Loan mà còn vào các nơi khác trong khu vực.
Trung Quốc đang trang bị ngày càng nhiều MRBM thông thường, bao gồm tên lửa đường đạn chống hạm (ASBM) CSS-5 biến thể 5 (DF-21D). CSS-5 biến thể 5 có tầm bắn 1.500 km và đầu đạn có thể cơ động, giúp cho Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến công các tàu ở Tây TBD. Lực lượng Pháo binh số 2 tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân bằng cách tăng số lượng tên lửa đường đạn liên lục địa (ICBM) đặt trong các hầm phóng và có thêm các hệ thống phóng cơ động với khả năng sống còn cao hơn. Kho ICBM của Trung Quốc hiện có từ 50-60 ICBM, bao gồm CSS-4 phiên bản 2 đặt trong hầm phóng và khoang trở về khí quyển mang nhiều đầu đạn có thể tiến công độc lập (MIRV) được trang bị trên Phiên bản 3 (DF-5); CSS-10 phiên bản 1 và 2 (DF-31 và DF-31A) sử dụng nhiên liệu rắn; và CSS-3 (DF-4) tầm ngắn hơn. Các tên lửa CSS-10 phiên bản 2, với tầm bắn trên 11.200 km, có thể vươn tới hầu hết các địa điểm trên lục địa Mỹ. Trung Quốc cũng đang phát triển một loại ICBM cơ động trên đường mới với tên gọi CSS-X-20 (DF-41) có thể có khả năng mang các MIRV.
Hải quân Trung Quốc. Trong 15 năm qua, chương trình hiện đại hóa hải quân đầy tham vọng của Trung Quốc đã tạo ra được một lực lượng linh hoạt và có công nghệ hiện đại hơn. Hiện nay Hải quân Trung Quốc sở hữu số lượng tàu lớn nhất ở châu Á, với hơn 300 tàu nổi, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra. Trung Quốc đang nhanh chóng cho các tàu chiến cũ nghỉ hưu để sử dụng các tàu lớn hơn, đa năng hơn, được trang bị các loại vũ khí và xenxơ chống hạm, phòng không và chống tàu ngầm hiện đại. Dù, “phòng thủ biển gần” vẫn là trọng tâm chủ yếu của Hải quân Trung Quốc, nhưng việc dần chuyển đổi sang “biển xa” của Trung Quốc đòi hỏi năng lực chi viện hải quân cho các nhiệm vụ tác chiến bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất với các tàu hải quân đa năng, tầm xa và ổn định với khả năng phòng vệ tốt.
Hải quân Trung Quốc đặt ưu tiên cao cho việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm và hiện sở hữu 5 tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN), 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN), và 53 tàu ngầm tiến công chạy bằng động cơ diesel (SS/SSP). Tới năm 2020, lực lượng này nhiều khả năng sẽ phát triển tới từ 69 đến 78 tàu ngầm. Bên cạnh 12 tàu ngầm SS lớp Kilo mua của Nga trong những năm 1990 và 2000, Trung Quốc đã đóng 13 tàu lớp Tống và 13 tàu ngầm tiến công động cơ đẩy độc lập không khí (AIP) lớp Tống (SSP-Type 039A) với tổng số 20 tàu lớp Tống được lên kế hoạch đóng. Trung Quốc tiếp tục củng cố lực lượng SSN của mình, và thêm 4 SSN lớp Thương (Type 093) nữa sẽ được bổ sung cùng 2 chiếc hiện đang được biên chế. Các SSN lớp Thương sẽ thay thế cho các SSN lớp Hán (type 091). Trong thập niên tới, Trung Quốc có thể đóng một loại tàu ngầm tiến công mang tên lửa dẫn đường, chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) Type 095 mới. Loại tàu này sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực chống tàu nổi của Hải quân Trung Quốc, mà có thể sẽ tạo ra thêm lựa chọn tiến công trên bộ. Cuối cùng, Trung Quốc tiếp tục đóng SSBN lớp Tấn (Type 094) trang bị tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm (SLBM) CSS-NX-14 (JL-2) có tầm bắn khoảng 7.400 km. Khả năng này cho thấy năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy từ biển đầu tiên của Trung Quốc. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành đợt tuần tra răn đe hạt nhân SSBN đầu tiên trong năm 2015. 4 SSBN lớp Tấn hiện đang hoạt động, và có tới 5 chiếc nữa có thể được biên chế trước khi Trung Quốc bắt đầu phát triển và trang bị SSBN thế hệ tiếp theo, Type 096 trong thập niên tới.
Kể từ năm 2008, Hải quân Trung Quốc tiếp tục chương trình đóng tàu chiến nổi mới với nhiều lớp tàu, bao gồm các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) và tàu frigat mang tên lửa dẫn đường (FFG). Trong năm 2014, 2 tàu DDG lớp Lữ Giang II (Type 052C) cuối cùng đã được bổ sung vào biên chế, nâng tổng số tàu thuộc lớp này lên 6. Ngoài ra, DDG lớp Lữ Giang III (Type 052D) đầu tiên đã được biên chế trong năm 2014. Nó có hệ thống phóng thẳng đứng đa năng có thể phóng các tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tên lửa hành trình tiến công mặt đất (LACM), tên lửa hạm đối không (SAM) và tên lửa chống tàu ngầm. Trung Quốc nhiều khả năng cũng đóng một tàu khu trục Type 055 lớn hơn trong năm 2015. Đây được coi là tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường hơn là một DDG. Trung Quốc đã tiếp tục sản xuất FFG Giang Khải II (Type 054A), với 17 tàu hiện có trong hạm đội và 5 tàu nữa đang trong các giai đoạn đóng khác nhau. Những DDG và FFG mới này sẽ củng cố đáng kể khả năng phòng không diện của Hải quân Trung Quốc. Đây là năng lực vô cùng quan trọng khi lực lượng này mở rộng phạm vi hoạt động ra các vùng biển xa, ngoài tầm với của các hệ thống phòng không bố trí ven bờ.
Trang bị bổ sung thêm cho năng lực tác chiến ven bờ của Hải quân Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, là một loại tàu chiến cỡ nhỏ, mới. Hơn 20 tàu côvét lớp JIANGDAO (Type 056) hiện đang có trong biên chế và thêm 11 tàu nữa đã được hạ thủy năm 2014. Trung Quốc có thể đóng hơn 60 tàu lớp này, nhằm thay thế toàn bộ các tàu tuần tra đã cũ của Hải quân Trung Quốc, bao gồm 60 tàu tuần tra mang tên lửa (PTG) Type 022, lớp Hạ Bình, vốn được đóng cho các hoạt động tác chiến “biển gần” của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc tiếp tục coi tác chiến chống tàu chiến mặt nước (ASUW) là nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm việc hiện đại hóa các ASCM và các hệ thống rađa phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời (OTH-T). Các tàu chiến đấu mặt nước cũ hơn của Trung Quốc mang các biên thể của loại tên lửa YJ-8A ASCM (tầm bắn 65 hải lý), trong khi các tàu chiến đấu mặt nước mới hơn như DDG lớp Lữ Giang II được trang bị YJ-62 (tầm bắn 120 hải lý). DDG lớp Lữ Giang III Type 055 CG sẽ được trang bị một phiên bản ASCM mới nhất của Trung Quốc, YJ-18 (tầm bắn 290 hải lý), đây là bước tiến đáng kể về năng lực ASUW của Trung Quốc. 8 trong số 12 tàu ngầm lớp KILO của Trung Quốc trang bị tên lửa hành trình chống hạm SS-N-27 (tầm bắn 120 hải lý) mua Nga. Loại tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm nội địa mới nhất của Trung Quốc, phiên bản YJ-18, cho thấy sự cải tiến đáng kể so với SS-N-27, và sẽ được triển khai trên các tàu ngầm lớp Nguyên, Tấn, và Thương. Loại ASCM phóng từ tàu ngầm mà Trung Quốc sản xuất trước đó, YJ-82, là một biến thể của C-801, có tầm bắn ngắn hơn rất nhiều. Hải quân Trung Quốc nhận ra rằng các ASCM tầm xa đòi hỏi phải có khả năng phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời để phát huy hết tính năng của chúng, vì thế Trung Quốc đã đầu tư lớn vào các hệ thống trinh sát, giám sát, chỉ huy, điều khiển và thông tin liên lạc ở các cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược để cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu có độ phân giải cao cho các phương tiện phóng nổi và ngầm.
Lực lượng tàu đổ bộ của Trung Quốc vẫn tương đối ổn định trong những năm gần đâu sau chương trình hiện đại hóa mạnh mẽ hồi đầu thập niên 2000. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã đóng 3 tàu đốc vận tải đổ bộ cỡ lớn lớp YUZHAO (Type 071), các tàu này đã tạo ra năng lực tác chiến “biển xa” lớn hơn và linh hoạt hơn nhiều so với các tàu đổ bộ lớp cũ. Những khoản đầu tư này báo hiệu sự phát triển năng lực viễn chinh và đột kích đổ bộ ngoài đường chân trời cũng như năng lực triển khai hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa và chống cướp biển. YUZHAO có thể mang tới 4 xuồng đổ bộ đệm khí mới YUYI LCUA, cũng như từ 4 trực thăng trở lên, xe bọc thép và lực lượng để triển khai ở cự ly xa. Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ đóng thêm các tàu đổ bộ YUZHAO, và một tàu đột kích đổ bộ mới không chỉ lớn hơn, mà còn tích hợp một sàn hoàn chỉnh cho trực thăng. Ngoài ra, các tàu đổ bộ chở xe tăng lớp YUTINH cũng đang được đóng để thay thế các tàu này lớp cũ hơn vốn đang ở giai đoạn cuối của tuổi phục vụ, và để hỗ trợ các chiến dịch hậu cần, đặc biệt là trên Biển Đông.
Năm 2014, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc, tàu Liêu Ninh, đã trở lại xưởng Đại Liên và bắt đầu giai đoạn bảo dưỡng đầu tiên kể từ khi được đưa vào biên chế hồi tháng 9/2012. Sau 4 tháng bảo dưỡng, tàu Liêu Ninh đã trở lại cảng Yuchi và tiếp tục huấn luyện chiến đấu tích hợp trong suốt năm 2014. Phi đội máy bay được cho là sẽ chỉ được biên chế trên tàu trong năm 2015 hoặc sau đó. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình tàu sân bay nội địa và có thể đóng nhiều tàu sân bay trong 15 năm tới. Ngay cả khi phát huy hết tính năng, tàu Liêu Ninh cũng sẽ không thể tung phóng sức mạnh tầm xa như các tàu sân bay lớp NIMITZ của Mỹ. Kích thước nhỏ hơn của tàu Liêu Ninh đã hạn chế số lượng máy bay có thể triển khai trên tàu, trong khi thiết kế phóng kiểu cầu trượt tuyết (ski-jump) cũng hạn chế lượng nhiên liệu và vũ khí triển khai trên tàu. Vì thế tàu Liêu Ninh chỉ phù hợp nhất cho sứ mệnh phòng không hạm đội, mở rộng tầm tác chiến trên không cho một hạm đội hoạt động xa phạm vi bảo vệ của các hệ thống trên bờ. Mặc dù được trang bị đầy đủ các loại vũ khí và các hệ thống chiến đấu, nhưng tàu Liêu Ninh nhiều khả năng sẽ tiếp tục đảm trách vai trò huấn luyện các phi công, thủy thủ hoạt động trên tàu sân bay của Trung Quốc, và phát triển chiến thuật tàu sân bay, để sử dụng cho các tàu sân bay hiện đại hơn trong tương lai.
Không quân và không quân hải quân Trung Quốc. Không quân Trung Quốc là lực lượng không quân lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba trên thế giới với tổng số hơn 2.800 máy bay (không kể các phương tiện bay không người lái (UAV) và 2.100 máy bay chiến đấu (bao gồm máy bay tiêm kích, ném bom và cường kích)). Không quân Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với không quân các nước phương Tây ở một loạt khả năng từ tính năng kỹ chiến thuật của máy bay, C2, cho đến gây nhiễu, tác chiến điện tử (EW) và liên kết dữ liệu. Không quân Trung Quốc tiếp tục trang bị nhiều máy bay hiện đại (hiện có khoảng 600 chiếc). Mặc dù lực lượng này đang vận hành số lượng lớn máy bay tiêm kích thế hệ thứ hai và thứ ba cũ hơn, nhưng nhiều khả năng sẽ trở thành một lực lượng không quân có phần lớn các máy bay thế hệ thứ tư trong vài năm tới.
Trung Quốc đã phát triển loại máy bay J-10 B sau loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư được thiết kế đầu tiên ở trong nước và dự kiến sẽ đưa vào trang bị trong tương lai gần. Để phát triển hơn nữa lực lượng máy bay chiến thuật, Trung Quốc sẽ có thể mua sắm loại máy bay hiện đại Su-35 Flanker từ Nga và hệ thống rađa mạng quét điện tử thụ động IRBIS-E. Nếu Trung Quốc mua Su-35 thì loại máy bay này sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2018. Tháng 10/2014, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố rằng nhiều khả năng Nga sẽ ký một hợp đồng xuất khẩu 24 chiếc máy bay tiêm kích Su-35S với Trung Quốc.
Kể từ khoảng năm 2009, Trung Quốc đã theo đuổi các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm và là quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ hiện có hai chương trình máy bay chiến đấu tàng hình. Trung Quốc tìm cách phát triển các loại máy bay tiên tiến này nhằm nâng cao năng lực tung phóng sức mạnh và củng cố khả năng tiến công các căn cứ không quân và các công trình trong khu vực. Không quân Trung Quốc đã quan sát việc triển khai máy bay tàng hình của quân đội nước ngoài và coi công nghệ này là khả năng then chốt trong việc chuyển đổi từ một lực lượng không quân thiên về lãnh thổ quốc gia sang một lực lượng có khả năng tiến hành cả các chiến dịch tiến công và phòng thủ. Không quân Trung Quốc tin rằng máy bay tàng hình có thể tạo ra ưu thế tác chiến tiến công nhằm không cho đối thủ kịp huy động và tiến hành tác chiến phòng thủ. Các mẫu thứ ba và thứ tư của máy bay tàng hình J-20 đã tiến hành các chuyến bay đầu tiên hồi tháng 3 và 7/2014, và các chuyến bay thử nghiệm với mẫu thứ năm có thể diễn ra vào cuối năm 2015. Trong vòng 2 năm kể từ chuyến bay đầu tiên của máy bay tàng hình J-20, Trung Quốc đã thử nghiệm mẫu máy bay tàng hình thứ hai có tên gọi “J-31” có kích thước tương tự như máy bay F-35 và có vẻ như được tích hợp các tính năng tương tự như J-20. J-31 đã tiến hành chuyến bay đầu tiên ngày 31/10/2012. Hiện không rõ J-31 có được tiếp tục phát triển để trang bị cho Quân đội Trung Quốc hay là một biến thể xuất khẩu để cạnh tranh với F-35 của Mỹ trên thị trường vũ khí trang bị. J-31 được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế Chu Hải lần thứ 10 hồi tháng 11/2014. Bên cạnh các máy bay tiêm kích có người lái, Không quân Trung Quốc cũng đang xem xét tích hợp công nghệ tàng hình vào các UAV, đặc biệt là những máy bay đảm trách vai trò tiến công mặt đất, vì công nghệ này sẽ nâng cao khả năng tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trung Quốc tiếp tục nâng cấp phi đội máy bay ném bom H-6 (vốn được mô phỏng thiết kế máy bay Tu-16 của Liên Xô từ cuối thập niên 1950) nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến và khả năng sát thương thông qua tích hợp các loại vũ khí tầm xa mới. Trung Quốc cũng sử dụng một biến thể cải tiến của máy bay H-6 để tiến hành hoạt động tiếp dầu trên không cho một số máy bay sản xuất trong nước, nhằm tăng cự ly tác chiến của chúng, và đã nhận 3 chiếc máy bay tiếp dầu IL-78 từ Ucraina và đang đàm phán mua thêm loạt máy bay này để sử dụng làm máy bay tiếp dầu trên không. Biến thể H-6G, được đưa vào trang bị trong Hải quân Trung Quốc, có 4 giá treo vũ khí có thể phóng ASCM. Không quân Trung Quốc sử dụng biến thể của H-6K được trang bị động cơ cánh quạt mới để tăng cự ly hoạt động và có khả năng mang 6 LACM. Việc hiện đại hóa H-6 để chúng trở thành phương tiện mang tên lửa hành trình sẽ giúp Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến công đường không tầm xa bằng các loại đầu đạn dẫn đường chính xác.
Không quân Trung Quốc sở hữu một trong những lực lượng lớn nhất tên lửa đất đối không tầm xa hiện đại trên thế giới, bao gồm các tiểu đoàn tên lửa SA-20 (S-300PMU1/2) mua của Nga và các tiểu đoàn tên lửa được chế tạo trong nước CSA-9 (HQ-9). Trong nỗ lực cải thiện hơn nữa hệ thống phòng không chiến lược, Trung Quốc có kế hoạch nhập khẩu hệ thống SAM S-400/Triumf của Nga, và có thể đồng thời phát triển CSA-X-19 (HQ-19) trong nước nhằm tạo ra nền tảng cho năng lực phòng thủ tên lửa đường đạn.
Nền công nghiệp hàng không Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 để biên chế cho kho vũ khí của Trung Quốc nhằm bổ sung và tiến tới thay thế hạm đội máy bay vận tải chiến lược quy mô nhỏ, hiện gồm một số lượng không nhiều các máy bay IL-76 do Nga sản xuất. Máy bay Y-20 đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 1/2013 và sẽ được sử dụng loại động cơ như IL-76 của Nga. Báo chí Trung Quốc cho biết Y-20 có thể được biên chế vào năm 2016. Theo kế hoạch, loại máy bay vận tải cỡ lớn này sẽ tạo ra khả năng hỗ trợ cho các chiến dịch C2 đường không, hậu cần, nhảy dù, tiếp nhiên liệu trên không và trinh sát, cũng như các sứ mệnh HA/DR.
Lục quân Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc tiếp tục đầu tư dài hạn vào lực lượng lục quân, tập trung vào việc tạo ra khả năng chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến trên bộ với các đối thủ hiện đại, được trang bị và huấn luyện tốt. Năm 2014 tiếp tục chứng kiến việc chú trọng nâng cao khả năng cho Lục quân Trung Quốc nhằm nhanh chóng triển khai lực lượng tác chiến cấp chiến dịch tầm xa. Kế hoạch hiện đại hóa Lục quân Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc phát triển lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF); lực lượng không quân trực thăng Lục quân trang bị đạn dẫn đường chính xác (bao gồm cả tên lửa không đối không cho nhiệm vụ chiến đấu đường không giữa trực thăng với trực thăng); năng lực C2 trang bị mạng nâng cấp giúp chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực giữa các đơn vị. Việc sản xuất và trang bị các xe thiết giáp bánh hơi và bánh xích hiện đại hơn, các hệ thống phòng không tiên tiến và khả năng tác chiến điện tử cũng được tiếp tục. Các hệ thống pháo tầm xa hiện đại, cả pháo thông thường và rốc-két, cũng như các hệ thống phát hiện mục tiêu cũng tiếp tục được đưa vào biên chế, giúp các đơn vị cấp chiến thuật và chiến dịch của Lục quân Trung Quốc có khả năng tiến công tầm xa tầm thế giới.
Năng lực vũ trụ và chống vũ trụ. Trung Quốc sở hữu chương trình vũ trụ phát triển nhanh nhất thế giới và đang sử dụng các thiết bị trên vũ trụ và bố trí trên mặt đất để hỗ trợ cho các mục tiêu và mục đích dân sự, kinh tế, chính trị và quân sự. Trung Quốc đã đầu tư vào các khả năng vũ trụ hiện đại, đặc biệt chú trọng đến thông tin liên lạc vệ tinh (SATCOM), tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), dẫn đường bằng vệ tinh (SATNAV), và khí tượng học, cũng như việc thám hiểm vũ trụ liên hành tinh bằng các tàu vũ trụ có người lái, không người có lái. Bên cạnh các thiết bị trên quĩ đạo, chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng rộng lớn trên mặt đất hỗ trợ việc chế tạo các tàu vũ trụ và phương tiện phóng, hoạt động phóng, C2 và tải dữ liệu.
Đến cuối tháng 10/2014, Trung Quốc đã phóng 16 tàu vũ trụ, hoặc trong nước hoặc thông qua một nhà cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ thương mại. Những tàu vũ trụ này chủ yếu mở rông các khả năng SATCOM và ISR của Trung Quốc, trong khi một số tàu vũ trụ khác tiến hành thử nghiệm các công nghệ vũ trụ mới. Đáng chú ý thành tựu của chương trình vũ trụ hoàn thành năm 2014 của Trung Quốc gồm:
- Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên có thể xác định các vật có kích cỡ dưới 1 mét: Sau khi được phóng vào tháng 8, vệ tinh Gaofen-2 trở thành vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc có khả năng cung cấp hình ảnh rõ nét về các vật có kích thước dưới 1 mét. Theo các báo cáo, Trung Quốc có kế hoạch sử dụng vệ tinh này cho nhiều mục đích, bao gồm bán hình ảnh thương mại.
- Thử nghiệm công nghệ trở về từ Mặt Trăng: Cuối tháng 10, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ thử nghiệm Chang’e-5. Sứ mệnh này sẽ thử nghiệm các công nghệ liên quan tới việc thu thập và mang về Trái đất mẫu vật của Mặt trăng. Trung Quốc có kế hoạch phóng tàu Chang’e-5 thực sự vào năm 2017.
- Hoàn thành Trung tâm Phóng tàu vũ trụ thứ tư: Năm 2014, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương (Wenchang) trên đảo Hải Nam và có kế hoạch bắt đầu phóng các tên lửa đẩy Trường Chinh-5 và Trường Chinh-7 từ trung tâm này trước năm 2016.
Cùng với các chương trình vũ trụ, Trung Quốc cũng tiếp tục phát triển rất nhiều năng lực mới được thiết kế để hạn chế hoặc ngăn chặn việc sử dụng các thiết bị trên vũ trụ của đối phương khi xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột, bao gồm việc phát triển vũ khí năng lượng định hướng và thiết bị gây nhiễu vệ tinh. Ngày 23/7/2014, Trung Quốc thực hiện một vụ phóng tàu vũ trụ với sứ mệnh tương tự như vụ thử nghiệm hồi tháng 1/2007 và kết quả là phá hủy hoàn toàn một vệ tinh thời tiết không còn hoạt động, và tạo ra hàng trăm mảnh rác tồn tại rất lâu trong vũ trụ. Phần lớn những rác này sẽ tiếp tục ở trên quĩ đạo Trái Đất gây nguy hiểm cho hoạt động an toàn của vệ tinh của nhiều quốc gia khác. Vụ phóng lần này của Trung Quốc đã không phá hủy một vệ tinh hay một rác vũ trụ nào. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy rằng đây là lần phóng tiếp theo của vụ thử nghiệm năm 2007. Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục phát triển công nghệ phá hủy vũ trụ mà được cho là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia sử dụng vũ trụ vì mục đích hòa bình, và không nhất quán với các tuyên bố công khai của Trung Quốc về việc sử dụng vũ trụ cho các mục đích hòa bình.
Ngày 13/5/2013, Trung Quốc phóng một vật thể vào vũ trụ trên một tên lửa đường đạn với độ cao tới đa trên 30.000 km. Tên lửa này đã đưa vật thể tới gần quĩ đạo địa tĩnh nơi rất nhiều quốc gia có các vệ tinh thông tin liên lạc và nghiên cứu Trái Đất. Việc phân tích về vụ phóng xác định rằng thiết bị phóng đã không bay đúng quĩ đạo để đặt các vật thể vào quĩ đạo và không có một vệ tinh mới nào được phóng ra. Tên lửa đẩy tiếp tục quĩ đạo bay và trở về quĩ đạo trái đất sau khi phóng 9,5 giờ. Vụ phóng này không giống như các phương tiện phóng vũ trụ truyền thống, các tên lửa đẩy hoặc các vụ phóng phóng rốc-két hiện đại khác nhằm nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nó có thể là một vụ thử các công nghệ với sứ mệnh chống vũ trụ trong quĩ đạo địa tĩnh. Mỹ và một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ quan ngại đối với các đại diện của Trung Quốc và yêu cầu cung cấp thêm thông tin về mục đích của vụ phóng. Từ đó đến nay Trung Quốc vẫn chưa cung cấp thêm thông tin nào.
Mặc dù các bài viết về quốc phòng Trung Quốc thường đề cập đến công nghệ đe dọa chống vũ trụ, nhưng không một chương trình chống vệ tinh nào được công khai thừa nhận. Các bài viết của Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc “phá hủy, làm hư hại và can thiệp vào các vệ tinh trinh sát…, thông tin liên lạc của đối phương” và cho thấy rằng các hệ thống này, cũng như các vệ tinh định vị và cảnh báo sớm có thể là những mục tiêu của các cuộc tiến công nhằm làm “mù và làm điếc” đối phương. Các phân tích của Quân đội Trung Quốc về các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh cũng nói rằng “phá hủy hoặc bắt giữ vệ tinh và các xenxơ sẽ khiến cho đối phương không thể giành thế chủ động trên chiến trường và khiến đối phương khó có thể sử dụng các vũ khí dẫn đường chính xác”.
Sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề điều khiển học quốc tế
Trung Quốc đã tăng cường tiếp xúc ngoại giao và ủng hộ tích cực các diễn đàn đa phương và quốc tế nơi vấn đề về điều khiển học (mạng) được thảo luận và tranh cãi. Trung Quốc, cùng với các nước khác trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tiếp tục thúc đẩy soạn thảo Bộ Qui tắc Hành xử Quốc tế về An ninh Thông tin nhằm tìm kiếm sự kiểm soát liên chính phủ đối với không gian điều khiển học, thúc đẩy các nguyên tắc không can thiệp, và coi trọng nhận thức rộng rãi về quyền kiểm soát nội dung trên mạng của các quốc gia. Do có sự đồng thuận ngày một tăng về sự cần thiết phải minh bạch về điều khiển học và các biện pháp xây dựng lòng tin tại các diễn đàn quốc tế như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Diễn đàn khu vực ASEAN và Nhóm Chuyên gia Chính phủ về Phát triển trong lĩnh vực Công nghệ thống tin và Truyền thông trong Bối cảnh An ninh Quốc tế của LHQ (UN GGE), Trung Quốc đã có được vai trò có ảnh hưởng hơn trong các nỗ lực này. Sau các cuộc bầu cử Liên minh Truyền thông Quốc tế LHQ (ITU) hồi cuối tháng 10/2014, một đại diện của Trung Quốc được bầu làm Tổng Thư ký ITU.
Mua sắm công nghệ hiện đại
Chiến lược mua sắm công nghệ hiện đại của Trung Quốc tiếp tục tập trung vào chính sách kết hợp dân-quân sự như là một công cụ thúc đẩy các công nghệ lưỡng dụng nhằm cải thiện nền công nghiệp quốc phòng trong nước. Dù có những tiến bộ trong việc phát triển công nghệ nội địa và năng lực công nghiệp, Trung Quốc tiếp tục dựa vào việc mua sắm các công nghệ, trang thiết bị lưỡng dụng tiên tiến của phương Tây. Những hoạt động mua sắm này được thực hiện dưới hình thức các dự án liên doanh, liên kết và mua sắm và các đối tác kinh doanh tin cậy, và nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển cao chủ yếu là từ phương Tây vốn cho phép tiếp cận với các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Đáng chú ý là việc Nga do phải chịu áp lực từ những lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt vì hành động của họ ở Ucraina, nên Nga đã quay sang đầu tư ở Trung Quốc nhằm chống lại sự suy thoái và hiện đang cho phép Trung Quốc tiếp cận các hệ thống vũ khí hiện đại vốn một thời bị cấm.
Trung Quốc đã sử dụng sự hấp dẫn của việc tiếp cận thị trường trong nước để tiếp cận những nguồn sẵn có về công nghệ, nghiên cứu và phát triển, và đầu tư, có thể mang lại lợi ích cho các lĩnh vực dân sự trong nước và cao hơn là hiện đại hóa quân đội.
Rất khó để có thể phân biệt giữa mục đích sử dụng cho dân sự hay quân sự trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc do các thể chế phối hợp không rõ ràng, chủ sở hữu thiết bị giấu mặt và sự liên kết, huấn luyện lẫn nhau và trao đổi nhân viên thương mại và quân sự. Dù một số đã được tư nhân hóa, rất nhiều công ty thương mại có mối liên hệ với các viện nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc, hoặc có mối quan hệ và là đối tượng thuộc quyền quản lý của các cơ quan chính phủ trung ương như Ủy ban Hành chính và Giám sát Tài sản do Nhà nước quản lý, vì thế ranh giới giữa dân sự và quốc phòng không rõ ràng.
Nhìn chung, nền kinh tế dân sinh trong nước và lĩnh vực khoa học và công nghệ của Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành công nghiệp quốc phòng. Một lĩnh vực công nghệ đáng chú ý là ngành công nghiệp hàng không vũ trụ tiên tiến của Trung Quốc, với việc tiếp cận nhiều hơn đến công nghệ của nước ngoài qua việc chuyển giao các công nghệ lưỡng dụng quan trọng từ các quốc gia có trình độ cao cho Trung Quốc. Những ví dụ về các công nghệ quan trọng này bao gồm: các công nghệ trong các ngành chủ chốt; các vật liệu như sợi cácbon và vật liệu hấp thụ rađa, công cụ máy đa trục, điện tử hàng không, công nghệ liên kết dữ liệu, và kiểm soát động cơ/ hành trình bay. Mặc dù một vài trong những công nghệ tiên tiến này đã giúp ích cho ngành công nghiệp hàng không dân sự trong nước đang phát triển của Trung Quốc, nhưng chúng cũng có tiềm năng thúc đẩy lĩnh vực máy bay và vũ trụ quân sự.
Những phát triển trong can dự quân sự song phương và đa phương của Trung Quốc
Can dự quân sự của Trung Quốc với các quốc gia khác nhằm nỗ lực tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài bằng cách cải thiện mối quan hệ với quân đội các nước, cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới, làm giảm mối quan ngại của các quốc gia khác về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các hoạt động can dự của Quân đội Trung Quốc đã hỗ trợ việc hiện đại hóa lực lượng này thông qua việc mua sắm các hệ thống vũ khí và công nghệ tiên tiến, tích lũy kinh nghiệm hoạt động ở châu Á và xa hơn, và tiếp cận phương thức huấn luyện, học thuyết tác chiến và thực hành của quân đội nước ngoài.
Tháng 12/2014, Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tờ báo chính thức của quân đội, đã công bố 10 sự kiện nổi bật nhất trong ngoại giao quân sự của Trung Quốc năm 2014. Danh sách này tập trung vào các cuộc diễn tập quân sự và triển khai ở nước ngoài vốn giúp nâng cao vai trò an ninh toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc. Những nội dung đáng chú ý nhất bao gồm: Lần đầu tiên Trung Quốc tham gia tập trận hải quân Vành đai TBD (RIMPAC) do Mỹ đứng đầu; tập trận phối hợp trên biển với Nga; tập trận phối hợp Sứ mệnh Hòa bình do Tổ chức Hợp tác Thượng hải tổ chức (các quốc gia thành viên gồm: Trung Quốc, Cadắcxtan, Cơrơgưxtan, Nga, Tadikixtan, và Udơbêkixtan); triển khai một đơn vị cấp tiểu đoàn đầu tiên của Trung Quốc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; ký Biên bản Ghi nhớ với Mỹ về các biện pháp xây dựng lòng tin hồi tháng 11; đóng góp của Quân đội Trung Quốc đối với chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaixia; trợ giúp chống lại nạn dịch Ebola ở Tây Phi; chuyến hành trình thiện ý của lực lượng đặc nhiệm Hải quân Trung Quốc tới châu Phi; Quân đội Trung Quốc tham gia các cuộc thi đấu quốc tế AVIADARTS và TANK BIATHLON do Nga tổ chức; và lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Diễn đàn thường niên Hải quân Tây TBD. Tờ Nhật báo cũng nêu bật việc nâng cấp diễn đàn Hương Sơn từ việc trao đổi an ninh khu vực không chính thức lên bán chính thức.
Mặc dù quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, nhưng vẫn còn những vụ việc cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại nhằm giảm rủi ro của việc tính toán sai hoặc hiểu lầm. Tháng 8/2014, một máy bay tiêm kích của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành ngăn chặn không an toàn đối với máy bay tuần thám biển P-8 của Hải quân Mỹ khi máy bay tuần thám này đang thực hiện sứ mệnh thường xuyên trên vùng không phận quốc tế thuộc Biển Đông. Máy bay chiến đấu của Hải quân Trung Quốc đã tiếp cận ở cự ly khoảng 10 mét so với máy bay của Mỹ. Mỹ đã phản đối việc ngăn chặn nguy hiểm này. Kể từ đó tới nay chưa có hành động tương tự nào xảy ra.
Diễn tập phối hợp. Quân đội Trung Quốc tăng cường cả về quy mô và độ phức tạp tham gia vào các cuộc diễn tập song phương và đa phương. Năm 2014, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 4 cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội nước ngoài, nổi bật là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC do Mỹ lãnh đạo. Quân đội Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc diễn tập song phương với Nga, Tanzania, Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia, và Ấn Độ; chủ trì và điều hành cuộc diễn tập an ninh và chống khủng bố đa quốc gia với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải; tổ chức một cuộc diễn tập trên biển đa quốc gia qui mô lớn – diễn tập Hợp tác trên Biển 2014 – với Pakixtan, Brunei, Ấn Độ, Bănglađét, Xinhgapo, Malaixia, và Inđônêxia. Rất nhiều trong số các cuộc diễn tập này tập trung vào chống khủng bố, an ninh biên giới, và cứu trợ thảm họa; tuy nhiên, một số cuộc diễn tập cũng bao gồm huấn luyện tác chiến trên không, trên biển và trên bộ thông thường.
Hải quân Trung Quốc đã hoàn thành chuyến đi đầu tiên vòng quanh châu Phi bằng đường biển trong khoảng thời gian tháng 5-6/2014. Trong chuyến hành trình này, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện song phương với Nigêria, Camơrun, và Namibia. Các tàu của đội hộ tống số 17 trên Vịnh Aden cũng tiến hành một đợt huấn luyện tìm kiếm và cứu hộ liên kết với Hải quân Iran. Đội hộ tống số 17 đã dừng chân ở Abu Dhabi và Karachi, nơi Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân với Hải quân Pakixtan.
Các chiến dịch gìn giữ hòa bình. Trung Quốc tiếp tục tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, và duy trì khoảng 2.200 quân trong 9 chiến dịch, chủ yếu ở vùng Cận Saharan, châu Phi và Trung Đông. Con số này đã tăng từ 1.800 năm 2013, nhưng mức độ hỗ trợ tổng thể của Trung Quốc vẫn không thay đổi kể từ năm 2008 và nước có quân số tham gia đông nhất trong số các Ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Trung Quốc là quốc gia đóng góp tài chính nhiều thứ 6 cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ – nhiều thứ tư trong số các thành viên HĐBA LHQ – cam kết 6,64% trong tổng ngân sách 7,06 triệu USD cho giai đoạn từ tháng 7/2014-6/2015.
Việc tham gia gìn giữ hòa bình (GGHB) cũng phục vụ cho nhiều mục tiêu – bao gồm cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, tích lũy kinh nghiệm tác chiến cho Quân đội Trung Quốc, tạo cơ hội thu thập tình báo – và phản ánh “những sứ mệnh lịch sử mới” của Quân đội Trung Quốc trong việc đảm trách vai trò và tạo ra các khả năng cho các sứ mệnh bên ngoài biên giới Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp cảnh sát dân sự, quan sát viên quân sự, công binh, chi viện hậu cần và nhân viên y tế cho các sứ mệnh của LHQ. Trung Quốc lần đầu tiên triển khai lực lượng chiến đấu cho một sứ mệnh GGHB của LHQ năm 2012 để bảo đảm an ninh cho các binh sĩ công binh và quân y của Quân đội Trung Quốc.
Tháng 1/2014, Trung Quốc đã triển khai gần 400 quân đến Mali, bao gồm một đơn vị bảo vệ như là một phần của Sứ mệnh ổn định phối hợp toàn diện (MINUSMA). Đồng thời Bộ Ngoại giao và BQP Trung Quốc đưa binh sĩ Quân đội Trung Quốc tới Cyprus để hỗ trợ Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) của LHQ trong sứ mệnh chung di rời vũ khí hóa học của Syria, trong đó các tàu frigat của Hải quân Trung Quốc đã hộ tống các tàu chở hàng chở nguyên liệu sản xuất vũ khí hóa học của Xyria. Tháng 11/2014, Trung Quốc lên kế hoạch triển khai tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của mình gồm 700 binh sĩ cho Phái bộ LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) vào đầu năm 2015 – một bước tiến so với trước đây vốn chỉ chú trọng phái lực lượng chi viện. Mặc dù các cam kết đưa lực lượng chiến đấu của Trung Quốc tham gia hoạt động GGHB của LHQ vẫn hạn chế, nhưng dường như Trung Quốc sẽ cân nhắc tăng cường tham gia các đợt triển khai GGHB trong tương lai.
Bán vũ khí của Trung Quốc. Từ năm 2009-2013, tổng lượng vũ khí Trung Quốc bán ước đạt 14 tỷ USD. Khi báo cáo này được công bố, dữ liệu từ việc bán vũ khí trong năm 2014 vẫn chưa có. Trung Quốc chủ yếu bán vũ khí đi kèm với hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ phát triển để phục vụ cho các mục tiêu chính sách đối ngoại lớn hơn như tiếp cận an toàn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường xuất khẩu, tăng cường ảnh hưởng chính trị với giới tinh hoa của nước chủ nhà và gây dựng sự ủng hộ trong các diễn đàn quốc tế. Ở cấp độ thấp hơn, việc bán vũ khí cũng phản ánh các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận của các công ty buôn bán vũ khí tư nhân và các nỗ lực giảm chi phí nghiên cứu và phát triển liên quan tới quốc phòng.
Khách hàng mua vũ khí của Trung Quốc hầu hết là các quốc gia đang phát triển, vũ khí của Trung Quốc rẻ hơn những loại do các nhà cung cấp vũ khí quốc tế chào bán, mặc dù chúng thường có chất lượng thấp hơn và độ tin cậy kém hơn. Vũ khí của Trung Quốc cũng được bán mà không đi kèm nhiều ràng buộc chính trị, vì thế nó hấp dẫn các khách hàng không được tiếp cận với các nguồn vũ khí khác vì những lý do chính trị và kinh tế.
Nỗ lực chống cướp biển. Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực chống cướp biển ở Vịnh Ađen, một cam kết được bắt đầu từ tháng 12/2008.
Năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu ngầm tới Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho hoạt động tuần tra chống cướp biển. Một tàu ngầm tiến công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Thương đã thực hiện đợt triển khai kéo dài 2 tháng ở Ấn Độ Dương từ tháng 12/2013 đến tháng 02/2014, và một tàu ngầm tiến công diesel lớp Tống tuần tra ở Ấn Độ Dương trong tháng 9 và 10. Tàu ngầm lớp Tống cũng tiến hành chuyến thăm cảng nước ngoài đầu tiên với 2 lần dừng ở Côlômbô, Xri-Lanca. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cam kết với các quốc gia trong khu vực rằng các tàu ngầm được triển khai ở Ấn Độ Dương là nhằm hỗ trợ cho hoạt động tuần tra chống cướp biển của Trung Quốc; tuy nhiên, những tàu ngầm này có thể cũng tiến hành việc làm quen với khu vực, và cho thấy năng lực ngày một tăng cả trong việc bảo vệ các tuyến đường biển của Trung Quốc và tăng khả năng tung phóng sức mạnh của nước này ở Ấn Độ Dương.
CHƯƠNG II: HIỂU BIẾT CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC
Các ưu tiên và mục tiêu cấp quốc gia
Kể từ năm 2002, các nhà lãnh đạo Trung Quốc – bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình – đã xác định hai thập niên đầu của Thế kỷ 21 là “giai đoạn cơ hội chiến lược”. Họ đánh giá rằng trong thời gian này, các điều kiện quốc tế sẽ thuận lợi cho việc phát triển trong nước và củng cố “sức mạnh quốc gia toàn diện” một thuật ngữ khái quát toàn bộ các khía cạnh của sức mạnh quốc gia bao gồm năng lực kinh tế, sức mạnh quân sự và ngoại giao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lường trước rằng việc mở rộng thành công sức mạnh quốc gia toàn diện sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu chiến lược của ĐCS Trung Quốc, bao gồm:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc;
- Duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế;
- Duy trì sự ổn định chính trị trong nước;
- Bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia;
- Bảo đảm vị thế cường quốc lớn và ưu thế vượt trội trong khu vực của Trung Quốc.
Mặc dù đã có các cuộc thảo luận tại các học viện của Trung Quốc về việc liệu Trung Quốc có nên duy trì giai đoạn cơ hội chiến lược trong thập niên này hay không, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng của “giai đoạn này” để đạt được những mục tiêu chiến lược và đang tìm cách kéo dài nó.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thường xuyên nhấn mạnh mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn về kinh tế và quân sự quan trọng vào năm 2020. Những tiêu chuẩn này bao gồm việc tái cấu trúc thành công nền kinh tế để bảo đảm tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc nhằm củng cố sự ổn định; đạt được bước tiến lớn trong hiện đại hóa quân sự; có khả năng chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc xung đột khu vực tiềm tàng, bao gồm các cuộc xung đột liên quan tới Đài Loan, bảo vệ các tuyến giao thông đường biển chiến lược (SLOC), bảo vệ các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, và phòng thủ biên giới phía Tây. Các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rằng, theo quan điểm của họ, sự phát triển một quân đội hiện đại là cần thiết để Trung Quốc đạt được vị thế cường quốc lớn. Những tuyên bố này cũng cho thấy rằng giới lãnh đạo Trung Quốc coi việc hiện đại hóa quân đội là yếu tố răn đe chủ yếu nhằm ngăn chặn các hành động của các cường quốc bên ngoài vốn có thể ảnh hưởng tới các lợi ích của Trung Quốc, hoặc cho phép Trung Quốc tự phòng vệ chống lại những hành động đó một khi việc răn đe thất bại.
Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quan hệ quốc tế là nhằm tìm cách phát triển kinh tế, hiện đại hóa quân đội và củng cố sự quyền lực của ĐCS Trung Quốc. Những khát vọng quốc gia này được đề cập trong khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa” Của Tập Cận Bình, lần đầu tiên được nêu ra khi ông Tập đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc năm 2012. Trong một bài diễn văn trước Thường vụ BCT, ông Tập đã nhấn mạnh các mục tiêu của Trung Quốc trong việc xây dựng một quốc gia giàu mạnh, qua đó đạt được “sự phục hưng vĩ đại của người Trung Quốc”.
Trung Quốc tiếp tục coi mối quan hệ ổn định với Mỹ và các quốc gia láng giềng là chìa khóa cho sự phát triển. Trung Quốc coi Mỹ là nhân tố chủ đạo trong khu vực và trên thế giới có tiềm năng lớn nhất để vừa hỗ trợ vừa làm gián đoạn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, tiếp tục cam kết về một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ trong suốt năm 2014. Khái niệm loại hình quan hệ “kiểu mới” của Trung Quốc kêu gọi mối quan hệ đối tác hợp tác Mỹ - Trung Quốc dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Khuôn khổ này cũng phản ánh mong muốn được coi là một cường quốc lớn của Trung Quốc, nhấn mạnh việc tránh xung đột để duy trì “sự trỗi dậy hòa bình”. Là một phần trong mối quan hệ rộng hơn, trong năm 2014 Trung Quốc cũng thúc đẩy quan hệ quân sự song phương “kiểu mới”.
Trung Quốc vẫn lo ngại rằng nếu các quốc gia trong khu vực coi Trung Quốc là mối đe dọa chính, thì họ có thể hành động để cân bằng chống lại Trung Quốc, nhiều khả năng với Mỹ. Trung Quốc cân bằng giữa nỗ lực nhằm thuyết phục các quốc gia rằng sự trỗi dậy của mình là hòa bình với quyết tâm củng cố sự kiểm soát đối với chủ quyền và các tuyên bố chủ quyền hiện nay. Dù mong muốn của nước này là tạo dựng hình ảnh một quốc gia đang phát triển với chiến lược phát triển hòa bình, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ và thúc đẩy khái niệm chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình – được hỗ trợ bởi sự phát triển các khả năng kinh tế và quân sự - đã thể hiện trong các hành vi đối đầu và ngôn từ mang tính cưỡng ép hơn. Những ví dụ điển hình bao gồm các nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn các sứ mệnh tiếp tế của Philippin tại Bãi Cỏ Mây, triển khai dàn khoan dầu khí nước sâu vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam, sử dụng các chính sách thương mại mang tính trừng phạt như là công cụ cưỡng ép, và hành động nhằm thuyết phục Nhật Bản trên Biển Hoa Đông. Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đối với năng lực quân sự ngày một tăng và các quyết định mang tính chiến lược cũng làm tăng quan ngại trong khu vực về ý định của Trung Quốc. Do thiếu minh bạch, những quan ngại này sẽ tiếp tục gia tăng khi Quân đội Trung Quốc đạt được những tiến bộ trong quá trình hiện đại hóa.
Cách tiếp cận chính sách ngoại giao của Trung Quốc
Giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục chính thức ủng hộ tuyên bố của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, từ đầu thập niên 1990 rằng Trung Quốc nên “Bình tĩnh quan sát, giữ vững vị thế, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời; …… quyết không đi đầu”. Định hướng này cho thấy niềm tin của Đặng Tiểu Bình rằng những lợi ích của Trung Quốc chỉ được bảo đảm tốt nhất bằng cách tập trung vào phát triển và ổn định trong nước trong khi tránh đối đầu trực tiếp với các cường quốc lớn.
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc cho thấy nước này ngày một rời xa quan điểm của Đặng Tiểu Bình trong một số lĩnh vực chủ chốt. Chẳng hạn như việc Trung Quốc tích cực tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo cao hơn trong khu vưc và trên thế giới, và đang chủ động đưa ra sáng kiến thành lập các cơ chế đa quốc gia như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và đề xuất “Khái niệm An ninh châu Á mới”. Một số học giả Trung Quốc đặt câu hỏi liệu cách tiếp cận chính sách của Đặng Tiểu Bình có còn phù hợp với những lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài và việc mở rộng sức mạnh của quốc gia này. Năm 2014, có vẻ như có sự đồng thuận chung rộng rãi trong giới học giả Trung Quốc rằng Trung Quốc nên dần gánh vác nhiều hơn trách nhiệm quốc tế, nhưng cuộc thảo luận tiếp tục về tốc độ và qui mô vai trò của Trung Quốc trong bối cảnh những lợi ích quốc gia của nước này trải rộng. Những lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể so với thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, bao gồm sự phụ thuộc lớn hơn vào thương mại đường biển và khả năng hải quân ngày càng mạnh đã giúp Trung Quốc có thể đảm trách các vai trò và sứ mệnh mà chỉ cách đây một thập niên họ không thể. Những đề xuất về một vai trò tích cực hơn của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng cho thấy rằng Trung Quốc sẽ đóng góp hiệu quả nhất khi có quan điểm rõ ràng đối phó với điều được cho là áp lực từ Mỹ hoặc những áp lực khác trong khu vực.
Cuối tháng 11/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng tại một Hội nghị nhiệm vụ công tác đối ngoại Trung ương của ĐCS Trung Quốc trong đó chính thức xác nhận những phương hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bài diễn văn công khai của ông Tập không trích dẫn câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình, nhưng việc ông Tập nhấn mạnh vai trò lãnh đạo khu vực và toàn cầu đã cho thấy sự diễn giải về phát triển của câu nói đó. Ông Tập nhấn mạnh rằng quan điểm của Trung Quốc là tập trung vào vùng ngoại vi của mình, sử dụng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại, và đảm đương vai trò lớn hơn trong việc định hình hệ thống quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình, đặc biệt là sự toàn vẹn lãnh thổ và những quyền trên biển. Ông nêu bật “bản chất lâu dài của cuộc đấu tranh về trật tự quốc tế”, và nhấn mạnh ý định đảm đương vai trò lớn hơn của Trung Quốc.
Chiến lược năng lượng của Trung Quốc
Sự can dự, đầu tư và xây dựng ở nước ngoài của Trung Quốc liên quan đến năng lượng tiếp tục gia tăng. Trung Quốc đã xây dựng hoặc đầu tư vào các dự án năng lượng ở hơn 50 quốc gia. Sự đầu tư tham vọng này vào lĩnh vực năng lượng chủ yếu xuất phát từ mong muốn bảo đảm các nguồn năng lượng đáng tin cậy phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của Trung Quốc.
Trung Quốc hi vọng đa dạng hóa cả nhà sản xuất cũng như những lựa chọn vận chuyển. Mặc dù sự độc lập về năng lượng không còn là điều thực tế đối với Trung Quốc vì sự gia tăng dân số và mức tiêu thủ năng lượng bình quân đầu người tăng cao, Trung Quốc vẫn tìm cách để duy trì chuỗi cung cấp ít bị rủi ro hơn khi có sự can thiệp của bên ngoài.
Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 60% lượng dầu tiêu thụ trong nước; và theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ con số này có thể sẽ tăng lên 80% vào năm 2035. Trung Quốc chủ yếu dựa vào vùng Vịnh, châu Phi, Nga và Trung Á để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của mình, với lượng dầu lửa nhập khẩu ước tính chiếm khoảng 11% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc.
Mục tiêu thứ hai của chiến lược năng lượng nước ngoài của Trung Quốc là giảm sự phụ thuộc quá nhiều của quốc gia này vào các tuyến đường biển chiến lược (SLOC), đặc biệt là qua Biển Đông và Eo biển Malacca. Năm 2014, khoảng 85% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Biển Đông và Eo biển Malacca. Những đường ống dẫn dầu riêng rẽ từ Nga và Cadắcxtan tới Trung Quốc đã cho thấy nỗ lực tăng nguồn cung trên bộ. Năm 2014, đường ống dẫn dầu thô Nga – Trung Quốc bắt đầu được khởi công nhằm tăng nguồn cung từ 300.000 lên 600.000 thùng mỗi ngày vào năm 2016. Năm 2014, việc xây dựng đường ống dẫn dầu Myanmar-Trung Quốc với công suất 440.000 thùng/ ngày đã hoàn tất. Đường ống này không đi qua Eo biển Malacca mà sẽ chuyển dầu thô từ Kyuakpya, Myanmar tới Côn Minh, Trung Quốc. Tuy nhiên, đường ống này vẫn chưa đi vào hoạt động đầy đủ vì cơ sở hạ tầng đường ống ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất. Dầu thô từ đường ống này sẽ do Arập Xê-út và các quốc gia Trung Đông và châu Phi khác cung cấp.
Do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, các đường ống dẫn dầu chỉ giúp giảm không đáng kể sự phụ thuộc vào đường biển hoặc qua Eo biển Malacca hoặc qua Eo biểm Hormuz. Dù Trung Quốc đã nỗ lực, nhưng lượng dầu và khí hóa lỏng ngày một tăng mà quốc gia này phải nhập khẩu từ Trung Đông và châu Phi sẽ làm cho các tuyến hàng hải chiến lược càng quan trọng hơn với Trung Quốc.
Năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 25,4 tỷ mét khối khí đốt, hoặc 44% tổng lượng khí đốt tự nhiên phải nhập khẩu, từ Tuốcmênixtan tới Trung Quốc bằng đường ống qua Cadắcxtan và Udơbêkixtan. Đường ống này được thiết kế để cung cấp 40 triệu mét khối mỗi năm với kế hoạch tăng lên 60 triệu mét khối mỗi năm. Một đường ống dẫn khí đốt nữa được thiết kế để vận chuyển 12 triệu m3 mỗi năm từ nguồn sản xuất ở Myanmar đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9/2013 và vận chuyển 3 triệu m3 khí trong năm 2014. Đường ống này chạy song song với đường ống dẫn dầu thô qua Myanmar. Đồng thời, Trung Quốc và Nga gần đây đã ký một thỏa thuận xây dựng một đường ống vận chuyển tới 38 triệu m3 khí vào năm 2035; dòng chảy đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2018. Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 32% lượng cung khí đốt.
Những nhân tố định hình khái niệm lãnh đạo của Trung Quốc
Mùa thu năm 2014, giới lãnh đạo Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa 18, đánh dấu 2 năm kể từ khi Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm TBT ĐCS Trung Quốc. Chương trình nghị sự tập trung vào việc thực hiện đổi mới – với trọng tâm chính là pháp quyền – và những nỗ lực giải quyết vấn nạn tham nhũng và tăng tính pháp lý của Đảng. Dù đưa ra quan điểm tổng thể lạc quan về môi trường chiến lược của Trung Quốc, các tài liệu chính thức đã chỉ ra rằng Trung Quốc xác định môi trường an ninh của họ đang ngày “phức tạp” và “tinh vi” hơn vì một vài yếu tố sau:
Kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế đều, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát được kiểm soát vẫn là nền tảng cho sự ổn định xã hội. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã và đang từng bước tái cân bằng các mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vì nhận ra rằng chiến lược phát triển lâu dài dựa vào xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc là không ổn định. Trung Quốc phải đối mặt với hàng loại rủi ro tiềm tàng về kinh tế, bao gồm sự xuống dốc của khối thị trường bất động sản, tăng trưởng tín dụng cao, mất cân bằng nghiêm trọng do việc vay mượn của chính quyền địa phương, căng thẳng về nguồn nguyên liệu trong nước, và việc tăng lương.
Chủ nghĩa dân tộc. Các nhà lãnh đạo ĐCS và các quan chức quân đội tiếp tục bị ảnh hưởng bởi, và trong một số trường hợp, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để tăng tính pháp lý của Đảng, đánh lạc hướng những chỉ trích trong nước, và biện minh cho sự cứng nhắc trong đối thoại với các nước khác. Tuy nhiên, thế lực chủ nghĩa dân tộc có thể có ảnh hưởng lớn tới việc ra quyết định những vấn đề chính sách quan trọng hoặc nỗ lực gây sức ép với ĐCS Trung Quốc nếu những lực lượng này thấy rằng sự lãnh đạo của Đảng không đáp ứng được các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc.
Những thách thức khu vực đối với các lợi ích của Trung Quốc. Căng thẳng tiếp tục gia tăng với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông và với các bên yêu sách chủ quyền trên Biển Đông đang thách thức tham vọng duy trì ổn định khu vực ngoại vi của Trung Quốc. Cùng với sự hiện diện ngày càng lớn hơn của Mỹ trong khu vực, những nhân tố này làm tăng mối quan ngại của Trung Quốc rằng các quốc gia trong khu vực sẽ tăng cường các khả năng quân sự của họ hoặc đẩy mạnh hợp tác an ninh với Mỹ nhằm cân bằng với Trung Quốc.
Môi trường. Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới việc phải trả giá đắt cho môi trường. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng sự suy giảm về môi trường có thể làm ảnh hưởng tới tính hợp hiến của chế độ qua các vấn đề đe dọa phát triển kinh tế, chăm sóc y tế cộng đồng, sự ổn định xã hội và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Nhân khẩu học. Trung Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa kép của việc dân số già hóa nhanh chóng và sự sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ, hiện đang ở thấp hơn mức thay thế. Tuổi thọ ngày càng cao có thể buộc Trung Quốc phải phân bổ thêm nguồn lực cho các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe, trong khi sự sụt giảm tỷ lệ sinh đẻ sẽ tiếp tục làm giảm nguồn cung ứng lao động của Trung Quốc, yếu tố chủ yếu đối với sự tăng trưởng kinh tế suốt ba thập niên qua của nước này. Mối đe dọa kép này có thể dẫn tới sự sụt giảm về kinh tế và qua đó đe dọa tính hợp hiến của ĐCS Trung Quốc.
Sự can dự quân sự ở nước ngoài và ngoại giao quân sự của Quân đội Trung Quốc
Qui mô can dự với quân đội nước ngoài của Quân đội Trung Quốc trong năm 2014 có vẻ cân bằng. Những can dự này tiếp tục tạo ra một kênh cho quân đội để thể hiện các khả năng ngày càng mở rộng cũng như cải thiện chiến thuật, kỹ thuật và tiến trình thực thi của mình. Các cuộc diễn tập song phương và đa phương ngoài việc mang lại lợi ích chính trị, còn hỗ trợ nỗ lực hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc qua việc tạo ra các cơ hội để nâng cao năng lực trong các lĩnh vực như chống khủng bố, tác chiến cơ động và hậu cần.
Các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao đã mở ra cơ hội để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quốc tế của các sĩ quan, thông tin về vị thế của Trung Quốc với khán giả nước ngoài, hiểu biết tốt hơn về các quan điểm của thế giới, và thúc đẩy quan hệ đối ngoại thông qua trao đổi nhân viên và các chương trình viện trợ quân sự. Việc đi ra nước ngoài nhiều hơn của Quân đội Trung Quốc giúp các sĩ quan của họ có thể quan sát và nghiên cứu các cơ cấu chỉ huy quân đội, đội hình đơn vị và huấn luyện tác chiến.
Khi các lợi ích khu vực và quốc tế của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn, can dự quốc tế của Quân đội Trung Quốc sẽ mở rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và diễn tập chung. Chẳng hạn, cuối cùng mỗi quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribê đã công nhận về mặt ngoại giao với Trung Quốc và đều cử sĩ quan tới học tập, nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng cấp chiến lược ở Trung Quốc và theo học tại các trường chỉ huy lục quân và hải quân của Quân đội Trung Quốc ở Nam Kinh. Bên cạnh việc tiếp tục hiện đại hóa quân đội, trọng tâm của những can dự này sẽ vẫn là xây dựng mối quan hệ chính trị của Trung Quốc, làm giảm lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, và củng cố ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc, đặc biệt ở châu Á và Mỹ Latinh.
Tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc
Việc sử dụng lực lượng trong tranh chấp lãnh thổ có sự khác nhau lớn trong lịch sử. Một số tranh chấp đã dẫn tới chiến tranh, chẳng hạn như cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 và với Việt Nam năm 1979. Khu vực biên giới tranh chấp với Liên Xô cũ trong thập niên 1960 cũng đã dẫn tới nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Trong các trường hợp gần đây, Trung Quốc mong muốn thỏa hiệp và thậm chí đề xuất nhượng bộ với các quốc gia láng giềng. Kể từ năm 1998, Trung Quốc đã giải quyết 11 khu vực tranh chấp lãnh thổ trên bộ với 6 quốc gia láng giềng. Một số tranh chấp vẫn tiếp tục liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế và việc sở hữu những vùng giàu tiềm năng dầu khí xa bờ.
Biển Hoa Đông có chứa dầu và khí tự nhiên, mặc dù rất khó dự đoán trữ lượng. Trung Quốc và Nhật Bản có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với cả vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế mở rộng từ lục địa của mỗi nước. Nhật Bản vẫn cho rằng một đường biên giới ở giữa tính từ bờ biển mỗi quốc gia nên là đường phân định vùng đặc quyền kinh tế, trong khi đó Trung Quốc tuyên bố thềm lục địa kéo dài ra hơn đường ranh giới giữa tính từ đảo Okinawa. Đầu năm 2009, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc vi phạm một thỏa thuận tháng 6/2008 về đường phân định cách đều tính từ bờ biển mỗi nước cho việc phát triển nguồn tài nguyên và một vùng ở phía bắc là vùng khai thác chung dầu mỏ và khí tự nhiên, và tuyên bố rằng Trung Quốc đã đơn phương khoan bên dưới đường phân định, khai thác nguồn dự trữ từ phía Nhật Bản. Trung Quốc tiếp tục phản đối việc kiểm soát của Nhật Bản với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) gần đó.
Biển Đông có vai trò quan trọng đối với an ninh ở Đông Bắc và Đông Nam Á. Đông Bắc Á chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp dầu và hoạt động thương mại qua các tuyến đường biển trên Biển Đông, bao gồm hơn 80% lượng dầu thô tới Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam – ND) và những vùng nước khác nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn” – tuyên bố này đã gây tranh chấp một phần hoặc toàn bộ với các quốc gia gồm Brunei, Philippin, Malaixia và Việt Nam. Đài Loan, sở hữu đảo Ba Bình ở Quần đảo Trường Sa, cũng có tuyên bố tương tự như Trung Quốc. Năm 2009, Trung Quốc phản đối các đệ trình thềm lục địa mở rộng trên Biển Đông của Malaixia và Việt Nam; trong bản phản đối gửi Ủy ban về giới hạn Thềm lục địa của LHQ, Trung Quốc đã đưa kèm bản đồ có “đường 9 đoạn”, trong khi tuyên bố trong một công hàm rằng quốc gia này có “chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông, những vùng nước tiếp giáp và có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng biển và đáy biển liên quan.
Dù quan hệ kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã cải thiện, căng thẳng vẫn tiếp tục dọc đường biên giới chung dài 4057 km, nhất là ở bang Arunachal Pradesh (nơi Trung Quốc khẳng định là một phần của Tây Tạng và vì thế thuộc Trung Quốc), và vùng Askai Chin ở phía cực tây của Cao nguyên Tây Tạng. Tháng 10/2013, các quan chức Trung Quốc và Ấn Độ đã ký Thỏa thuận Hợp tác Phòng thủ Biên giới. Đây là tài liệu bổ sung cho các tiến trình đã có nhằm kiểm soát việc tiếp xúc của các lực lượng dọc Đường Kiểm soát thực sự. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục chỉ trích lẫn nhau về việc thường xuyên xâm phạm và tăng cường lực lượng quân sự dọc các vùng lãnh thổ tranh chấp, với vụ việc gần đây nhất xảy ra hồi tháng 9/2014 dọc Đường Kiểm soát thực sự ở Đông Ladakh. Căng thẳng quân sự kéo dài 20 ngày và đúng vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Ấn Độ trong vòng gần một thập niên, và đã phủ bóng đen lên chuyến thăm.
Lãnh đạo quân sự của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc là công cụ bạo lực của ĐCS Trung Quốc và về tổ chức là một phần của bộ máy lãnh đạo Đảng. Các sĩ quan quân đội là đảng viên ĐCS Trung Quốc, và các đơn vị từ cấp đại đội trở lên có sĩ quan chính trị chịu trách nhiệm quyết định nhân sự, tuyên truyền và phản gián. Những quyết định lớn ở mọi cấp do cấp ủy Đảng đưa ra, cũng do sĩ quan chính trị và chỉ huy quyết định.
Cơ quan ra quyết định quân sự cao nhất của quân đội, Quân ủy Trung ương, là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc, nhưng các thành viên chủ yếu là sĩ quan quân đội. Chủ tịch Quân ủy Trung Ương là một thành viên dân sự, thường giữ chức Tổng Bí thư của ĐCS và Chủ tịch nước Trung Quốc. Các thành viên khác bao gồm một số phó chủ tịch, tư lệnh các quân chủng, và Người đứng đầu 4 Tổng bộ chủ chốt. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không giống với BQP hầu hết các quốc gia khác mà là một văn phòng nhỏ phối hợp các nhiệm vụ liên quan tới quân sự ở những nơi có sự chồng chéo trách nhiệm giữa các cấp chính quyền dân sự và lực lượng vũ trang, bao gồm đối ngoại quốc phòng, tổng động viên, “giáo dục quốc phòng” và chi viện dân sự cho các chiến dịch quân sự. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một sĩ quan quân đội, ủy viên của Quốc vụ Viện, và cũng là đảng viên ĐCS Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc có ảnh hưởng trong chính sách quốc phòng và đối ngoại của Trung Quốc do vị thế đặc biệt của Quân ủy Trung ương và gần như là độc quyền trong các vấn đề quân sự. Ngay cả khi quân đội vẫn là lực lượng dưới quyền sự lãnh đạo tối cao của Đảng, sự bất lực của thể chế và việc truyền thông ngày càng năng động, đôi khi dẫn tới những hành động hoặc tuyên bố có liên quan tới Quân đội Trung Quốc có vẻ như không còn ở vị trí của một cơ quan chuyên chế chủ yếu của Trung Quốc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ quyền hay lãnh thổ.
Các ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình được bầu là Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch Quân ủy TƯ năm 2012, và Chủ tịch nước đầu năm 2013, cho thấy lần đầu tiên trong một vài thập niên trở lại đây cùng lúc chuyển giao tất cả 3 vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cho một nhà lãnh đạo mới. Trước khi là Chủ tịch Quân ủy TƯ, ông Tập đã từng là Phó Chủ tịch dân sự duy nhất trong cơ quan này. Cha của ông Tập là một nhà lãnh đạo quân sự quan trọng trong cuộc cách mạng cộng sản của Trung Quốc và là Ủy viên BCT trong những năm 1980. Khi còn trẻ, ông Tập đã từng là thư ký cho một bộ trưởng quốc phòng và có thể đã có những cơ hội lớn để tương tác với Quân đội Trung Quốc khi ông là quan chức của đảng bộ cấp tỉnh. Trong các cuộc gặp với các quan chức Mỹ, ông Tập đã nhấn mạnh tới việc cải thiện mối quan hệ quân sự-quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.
Phó chủ tịch Phạm Trường Long là sĩ quan quân đội có địa vị cao nhất của Trung Quốc. Ông từng là Tư lệnh Quân khu Tế Nam, nơi thử nghiệm những khái niệm tác chiến mới và công nghệ mới vốn là mặt trận hàng đầu trong nỗ lực huấn luyện liên quân của Quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây. Ông Phan là tư lệnh phục vụ lâu năm nhất trong số 7 tư lệnh quân khu của Trung Quốc. Ông cũng đã có 35 năm ở quân khu Thẩm Dương, tiếp giáp với Bắc Triều Tiên và Nga.
Phó chủ tịch Hứa Kỳ Lượng – là sĩ quan không quân đầu tiên được bầu làm Phó Chủ tịch QUTƯ – trước đây cũng ở trong QUTƯ khi là tư lệnh không quân Trung Quốc. Trong thời kỳ đó, Không quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa nhanh chóng và mở rộng sự can dự ở nước ngoài. Ông đã từng tuyên bố củng cố vai trò của không quân trong Quân đội Trung Quốc, bao gồm cả tuyên bố năm 2009 rằng Không quân Trung Quốc nên đi đầu trong việc phát triển các khả năng tiến công vũ trụ. Ông cũng từng là sĩ quan không quân đầu tiên đảm đương chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc kể từ thời kỳ Cách mạng Văn hóa – khi ở tuổi 54, người ít tuổi nhất trong lịch sử Quân đội Trung Quốc.
Thường Vạn Toàn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng tại Hội nghị Nhân dân toàn quốc hồi tháng 3/2013. Bộ trưởng quốc phòng là quan chức cao thứ ba trong Quân đội Trung Quốc và phụ trách quan hệ với các cơ quan ban ngành của nhà nước và quân đội nước ngoài. Trước đây ông phụ trách việc phát triển vũ khí và thiết bị vũ trụ của Quân đội Trung Quốc khi đảm đương chức Tổng bộ trưởng Tổng bộ trang bị. Ông là cựu binh tham gia cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam và từng đảm trách vị trí tư lệnh các quân khu.
Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy phụ trách hoạt động tác chiến, huấn luyện và tình báo của Quân đội Trung Quốc. Ông từng là chỉ uy cao nhất tại lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa, năm 2009 và phụ trách an ninh cho Olympic Bắc Kinh 2008. Ông Phòng là Tư lệnh quân khu Bắc Kinh đầu tiên được bổ nhiệm thẳng vào chức Tổng Tham mưu trưởng. Ông cũng là sĩ quan trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm tư lệnh quân khu Bác kinh, năm 2007.
Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Trương Dương phụ trách công tác chính trị trong Quân đội Trung Quốc bao gồm tuyên huấn, kỷ luật và giáo dục đào tạo. Trước đây ông từng giữ chức Chính ủy quân khu Quảng Châu, giáp biên giới Việt Nam và Biển Đông. Ông Trương được bổ nhiệm chức vụ hiện nay khi tuổi đời còn khá trẻ và là trường hợp ngoại lệ trong các ủy viên QUTƯ vì chỉ công tác tại 1 quân khu trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông Trương cũng tham gia Chiến tranh xâm lược Biên giới Việt Nam, và hỗ trợ những nỗ lực cứu trợ thảm họa sau trận bão tuyết hồi tháng 01/2008 ở miền nam Trung Quốc.
Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần Triệu Khắc Thạch phụ trách công tác hậu cần, bao gồm tài chính, đất đai, khai thác mỏ và xây dựng. Ông Triệu phục vụ ở quân khu Nam Kinh suốt cuộc đời quân ngũ và chịu trách nhiệm chuẩn bị cho một biến cố với Đài Loan, sau đó là tư lệnh quân khu. Ông đồng thời cũng được cho là đảm trách chức chỉ huy trong các cuộc tập trận quân sự qui mô lớn. Ông đã có những bài viết về việc tổng động viên quốc phòng và xây dựng lực lượng dự bị.
Chủ nhiệm Tổng bộ Trang bị Trương Hựu Hiệp đảm trách nhiệm vụ phát triển vũ khí và chương trình vũ trụ cho quân đội. Ông là một trong số rất ít sĩ quan có kinh nghiệm từng là chỉ huy chiến đấu trong cuộc chiến với Việt Nam năm 1979. Trước đó ông là Tư lệnh quân khu Thẩm Dương, tiếp giáp biên giới với Bắc Triều Tiên và Nga. Ông Dương là con một cựu tướng lĩnh nổi tiếng của Trung Quốc.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã đảm trách chức vụ Tư lệnh Hải quân từ năm 2006 và là thành viên QUTƯ từ năm 2007 – là Tư lệnh Hải quân Trung Quốc thứ hai đảm trách chức vụ này trong một vài thập niên trở lại đây. Dưới thời ông Ngô, Hải quân Trung Quốc đã tăng cường các cuộc diễn tập bên ngoài khu vực, tuần tra đa quốc gia, trao đổi với hải quân các nước khác, và lần đầu tiên được triển khai tới Vịnh Ađen. Là sĩ quan hải quân đầu tiên đảm trách chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng, ông Ngô trước đó đã từng giữ chức Tư lệnh 2 trong số 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc, trong đó chủ yếu ở Hạm đội Đông Hải.
Tư lệnh Không quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên trước đó đảm trách các hoạt động đối ngoại của Quân đội Trung Quốc với tư cách là Phó Tổng Tham mưu trưởng. Ông Mã là trưởng đoàn Quân đội Trung Quốc trong các cuộc giao lưu quân đội – quân đội lớn với Quân đội Mỹ, bao gồm Đối thoại Tham vấn Quốc phòng và Đối thoại An ninh chiến lược, là thành viên của Đối thoại Chiến lược Mỹ - Trung. Ông Mã là người có nhiều kinh nghiệm tác chiến cả với cương vị là phi công và sĩ quan tham mưu ở nhiều quân khu khác nhau.
Tư lệnh Lực lượng Pháo binh số 2 Ngụy Phương Hòa phụ trách lực lượng và các căn cứ tên lửa chiến lược của Trung Quốc. Ông Ngụy đã công tác ở nhiều căn cứ tên lửa tại các quân khu khác nhau và đảm trách những vị trí quan trọng tại sở chỉ huy Lực lượng Pháo binh số 2 trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc vào năm 2010 – sĩ quan đầu tiên từ Lực lượng Pháo binh số 2 đảm trách cương vị này. Với cương vị đó, ông Ngụy thường xuyên tiếp xúc với các đoàn nước ngoài, bao gồm cả đoàn các quan chức cấp cao của Mỹ, nhờ đó ông đã có điều kiện tiếp xúc quốc tế nhiều hơn so với các tư lệnh Lực lượng Pháo binh số 2 trước đây.
CHƯƠNG 3: NHỮNG MỤC TIÊU VÀ XU HƯỚNG HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI
Trung Quốc đang đầu tư vào các chương trình quân sự và vũ khí nhằm cải thiện khả nằn tưng phóng sức mạnh, chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực (A2/AD), và các chiến dịch trong các trường mới nổi như không gian điều khiển học (không gian mạng), vũ trụ và điện từ. Những xu hướng hiện nay trong sản xuất vũ khí của Trung Quốc sẽ cho phép quân đội nước này tiến hành hàng loạt chiến dịch quân sự ở châu Á, cách xa các khu vực yêu sách chủ quyền truyền thống của Trung Quốc. Những hệ thống chủ yếu hoặc chưa từng được triển khai, hoặc đang trong quá trình phát triển bao gồm các tên lửa đường đạn (kể cả các biến thể chống hạm), tên lửa hành trình chống hạm và tiến công trên bộ, các tàu ngầm hạt nhân, các tàu nổi hiện đại, và một tàu sân bay. Sự cần thiết phải bảo đảm an ninh các tuyến đường thương mại, đặc biệt là nguồn cung dầu từ Trung Đông, đã thúc đẩy Hải quân Trung Quốc tiến hành các chiến dịch chống cướp biển trên Vịnh Ađen. Những tranh chấp với Nhật Bản về yêu sách chủ quyền trên Biển Hoa Đông và với một số quốc gia Đông Nam Á về toàn bộ hoặc một phần Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng mới trong khu vực. Sự bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên cũng gây ra cuộc khủng hoảng khu vực liên quan đến Quân đội Trung Quốc. Mong muốn bảo vệ các khoản đầu tư năng lượng ở Trung Á, cùng với những hàm ý an ninh tiềm ẩn từ việc hỗ trợ xuyên biên giới cho các phần tử ly khai sắc tộc có thể cũng là động cơ cho việc đầu tư vào quân đội hoặc can thiệp trong khu vực này nếu nổ ra bất ổn.
Các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc cũng đã giao nhiệm vụ cho Quân đội Trung Quốc phát triển các khả năng cho các sứ mệnh như gìn giữ hòa bình (PKO), hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/ DR), cũng như các chiến dịch chống khủng bố. Những năng lực này sẽ giúp Trung Quốc có thêm lựa chọn tạo ảnh hưởng của Quân đội Trung Quốc đối với các hoạt động ngoại giao, thúc đẩy các lợi ích khu vực và quốc tế của Trung Quốc, và giải quyết các tranh chấp theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Trung Quốc đã tham gia nhiều hơn vào các chiến dịch HA/ DR nhằm đáp ứng “Sứ mệnh lịch sử mới”.
Chẳng hạn, tàu bệnh viện quân y lớp ANWEI, tàu bệnh viện PEACE ARK của Trung Quốc đã được triển khai từ Đông Á tới vùng Carribê. Trung Quốc đã tiến hành 4 cuộc tập trận quân sự chung với các thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, đáng chú ý nhất là các cuộc tập trận Sứ mệnh Hòa bình, với Trung Quốc và Nga là những lực lượng chính. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai chống cướp biển ở Vịnh Ađen được bắt đầu năm 2008.
Những năng lực đang được phát triển của Quân đội Trung Quốc
Vũ khí hạt nhân. Chính sách về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ưu tiên duy trì một lực lượng hạt nhân có khả năng sống còn sau cuộc tiến công và đáp trả thích đáng với mức độ phá hủy không thể phục hồi đối với kẻ thù. Một thế hệ tên lửa cơ động mới, với khoang trở về khí quyền mang nhiều đầu đạn (MIRV) và thiết bị hỗ trợ thọc sâu, được phát triển nhằm bảo đảm khả năng sống còn của lực lượng răn đe chiến lược của Trung Quốc khi phải đối phó với những năng lực phòng thủ tên lửa, tiến công chính xác và tình báo, cảnh giới và trinh sát liên tục được hiện đại hóa của Mỹ và phần nào là của Nga. Tương tự như vậy, lực lượng hạt nhân của Ấn Độ cũng là động lực thúc đẩy việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã triển khai năng lực chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc mới cho lực lượng hạt nhân của mình. Những năng lực này đã giúp nâng cao khả năng của Lực lượng Pháo binh số 2 trong chỉ huy và kiểm soát nhiều đơn vị trên chiến trường. Thông qua sử dụng các đường kết nối thông tin liên lạc cải tiến, các đơn vị tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) giờ đây có thể tiếp cận tốt hơn với thông tin chiến trường, liên lạc thông suốt với tất cả các sở chỉ huy, các chỉ huy đơn vị đã có thể ngay lập tức đưa ra mệnh lệnh đến nhiều đơn vị thay vì đưa ra các khẩu lệnh thoại theo trình tự từng cấp.
Trung Quốc liên tục khẳng định tuân thủ chính sách “không sử dụng trước”, khi họ tuyên bố chỉ sử dụng lực lượng hạt nhân để đối phó với cuộc tiến công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc. Lời hứa “không sử dụng trước” của Trung Quốc bao gồm hai cam kết: Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại bất kỳ quốc gia nào sở hữu vũ khí hạt nhân và Trung Quốc sẽ không bao giờ sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ một quốc gia nào không sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc khu vực không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, có một số mập mờ liên quan đến điều kiện áp dụng chính sách “không sử dụng trước” của Trung Quốc. Một số sĩ quan Quân đội Trung Quốc đã công khai viết về sự cần thiết phải nêu rõ những điều kiện mà Trung Quốc có thể cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân trước; chẳng hạn, nếu một cuộc tiến công thông thường của đối phương đe dọa sự sống còn của lực lượng hạt nhân hay của chế độ Trung Quốc. Mặc dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng bổ sung quan điểm đó vào học thuyết “không sử dụng trước” của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư nguồn lực đáng kể để duy trì một lực lượng hạt nhận hạn chế nhưng có khả năng sống còn để bảo đảm Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến hành một cuộc phản công hạt nhân gây phá hủy nghiêm trọng cho đối phương.
Các phương tiện bố trí trên bộ: kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện có từ 50-60 ICBM, bao gồm các tên lửa bố trí trong hầm chứa CSS-4 Mod 2 và Mod 3 (DF-5); tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, cơ động trên đường CSS-10 Mod 1 và Mod 2 (DF-31 và DF-31A); và CSS-3 (DF-4) có tầm bắn hạn chế hơn. Lực lượng này được bổ sung các tên lửa đường đạn tầm trung (IRBM) sử dụng nhiên liệu lỏng CSS-2 và MRBM sử dụng nhiên liệu rắn CSS-5 (DF-21) cho các sứ mệnh răn đe trong khu vực.
Các phương tiện bố trí trên biển: Trung Quốc tiếp tục sản xuất các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN) lớp Tấn, với 4 chiếc đã đưa vào biên chế và một chiếc nữa đang trong quá trình đóng. Các tàu lớp Tấn sẽ mang tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm CSS-NX-14 (JL-2) với tầm bắn ước tính khoảng 7.400 km. Kết hợp với nhau, hai loại vũ khí và trang bị này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên có được năng lực hạt nhân trên biển tầm xa. Các SSBN lớp Tấn, đặt căn cứ tại Đảo Hải Nam trên Biển Đông, sẽ có khả năng tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân – Trung Quốc có thể sẽ tiến hành hoạt động này lần đầu tiên trong năm 2015.
Các nỗ lực tương lai: Trung Quốc đang tập trung vào công nghệ tầm bắn nhằm chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa đường đạn của Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm phần đầu đạn trở về khí quyển (MaRV), MIRV, thiết bị đánh lừa, mồi bẫy, gây nhiễu và ngăn chặn việc thoát nhiệt. Mỹ ý thức được rằng Trung Quốc đã thử nghiệm phương tiện bay lướt siêu thanh trong năm 2014. Truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đăng tải nhiều cuộc diễn tập của Lực lượng Pháo binh số 2 tập trung vào cơ động, ngụy trang và phóng tên lửa trong các điều kiện tác chiến mô phỏng, nhằm tăng cường khả năng sống còn. Cùng với khả năng cơ động và sống còn được cải thiện của các thế hệ tên lửa mới, những công nghệ này và việc tăng cường huấn luyện đã giúp củng cố lực lượng hạt nhân của Trung Quốc và nâng cao năng lực tiến công chiến lược của lực lượng này. Việc tiếp tục tăng thêm số lượng ICBM cơ động và việc bắt đầu tuần tra răn đe của SSBN sẽ buộc Trung Quốc phải triển khai thêm các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hiện đại và các quá trình bảo vệ sự thống nhất của cơ chế phóng hạt nhân cho một lực lượng lớn hơn nhưng phân tán hơn.
Chống tiếp cận/ Ngăn chặn khu vực (A2/ AD). Khi Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho nhiều tình huống bất ngờ, họ tiếp tục phát triển các khả năng nhằm ngăn cản, răn đe, hoặc nếu được yêu cầu, đánh bại sự can thiệp có thể của một bên thứ ba nào đó trong một chiến dịch tác chiến qui mô lớn, chẳng hạn như chiến tranh với Đài Loan. Các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ thường đề cấp tới những năng lực chung này của Trung Quốc là chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực (A2/ AD), dù Trung Quốc không sử dụng thuật ngữ này để đề cập tới những năng lực đó. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc bao gồm việc phát triển các khả năng tiến công, ở tầm rất xa, nhằm vào lực lượng đối phương có thể được triển khai hoặc hoạt động ở Tây TBD trong các môi trường trên không, trên biển, trên vũ trụ, điện từ, và thông tin. Như Chiến lược Khoa học của Học viện Khoa học quân sự Quân đội Trung Quốc viết năm 2013, “chúng ta không thể trông chờ vào sự may mắn mà phải tiến hành việc chuẩn bị cho chiến tranh và củng cố sức mạnh quân sự của chính mình, thay vì đưa ra nhận định rằng kẻ thù sẽ không tới, không can thiệp, hoặc không tiến công”.
Các chiến dịch thông tin: Các học giả PLA thường đề cập tới sự cần thiết phải kiểm soát thông tin trong chiến tranh hiện đại, đôi khi sử dụng thuật ngữ “phong tỏa thông tin” hoặc “ưu thế thông tin”, và sự cần thiết phải sớm giành thế chủ động trong chiến dịch nhằm tạo điều kiện giành ưu thế trên không và trên biển. Trung Quốc đang củng cố an ninh thông tin và an ninh tác chiến để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin của họ, và cũng đang phát triển năng lực tác chiến điện tử (EW) và chiến tranh thông tin (IW), bao gồm phủ nhận và đánh lừa. Sự “phong tỏa thông tin” của Trung Quốc có thể được hình dung là việc triển khai các công cụ quân sự và phi quân sự của sức mạnh quốc gia trên khắp chiến trường, bao gồm trong không gian điều khiển học (không gian mạng) và trên vũ trụ. Sự đầu tư của Trung Quốc vào các hệ thống EW tiên tiến, vũ khí chống vũ trụ, và các chiến dịch không gian điều khiển học (không gian mạng) – kết hợp với các hình thức kiểm soát truyền thống hơn, mang tính lịch sử và gắn liền với các hệ thống của Quân đội Trung Quốc và ĐCS Trung Quốc, chẳng hạn như tuyên truyền và phủ nhận thông qua sự không minh bạch – phản ánh trọng tâm và ưu tiên mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt vào việc xây dựng năng lực giành lợi thế về thông tin.
Các chiến dịch không gian điều khiển học (không gian mạng): Các chiến dịch tiến công không gian điều khiển học (không gian mạng) của Trung Quốc có thể hỗ trợ cho A2/ AD bằng cách tiến công vào những nút quan trọng để làm gián đoạn các mạng của đối phương trong toàn khu vực. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tuyên bố rằng trọng tâm để giành “ưu thế trong không gian điều khiển học (không gian mạng)” là răn đe hoặc ngăn chặn đối phương bằng cách phát triển và triển khai các khả năng tiến công không gian điều khiển học (không gian mạng).
Tiến công chính xác tầm xa: Sự phát triển năng lực tiến công bằng tên lửa thông thường của Trung Quốc đã diễn ra với tốc độ chóng mặt. Như 10 năm trước, dù đã có vài trăm tên lửa đường đạn tầm ngắn có thể tiến công các mục tiêu ở Đài Loan, nhưng Trung Quốc mới chỉ có khả năng khiêm tốn để tiến công các vị trí khác bên trong hoặc bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, chẳng hạn các căn cứ của Mỹ ở Okinawa hay đảo Guam. Tuy nhiên, ngày nay Trung Quốc đang trang bị hàng loạt tên lửa đường đạn có đầu chiến đấu thông thường (hiện Trung Quốc có ít nhất 1200 tên lửa loại này), cũng như các tên lửa LACM phóng từ trên bộ và trên không, SOF, và khả năng tác chiến điều khiển học (mạng) để gây nguy hiểm cho các mục tiêu trên khắp khu vực. Các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản nằm trong tầm với của ngày một nhiều các MRBM cũng như các LACM. Đảo Guam cũng có thể bị tiến công bằng các LACM phóng từ trên không. Báo chí nước ngoài và các blogger của Quân đội Trung Quốc đã chỉ ra rằng Trung Quốc cũng đang phát triển loại IRBM mới tiên tiến có khả năng tiến công các mục tiêu ở cự ly tới 4.000 km tính từ bờ biển Trung Quốc, bao gồm cả các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam.
LACM và các tên lửa đường đạn của Trung Quốc cũng trở nên chính xác hơn và hiện có khả năng tiến công các căn cứ không quân, cơ sở hậu cần, thông tin liên lạc, và các cơ sở hạ tầng trên bờ khác của đối phương. Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đã kết luận rằng hậu cần và tung phóng sức mạnh là những rủi ro tiềm tàng trong chiến tranh hiện đại, do những đòi hỏi của vũ khí chính xác kết hợp với các mạng vận tải, thông tin liên lạc và hậu cần.
Phòng thủ tên lửa đường đạn (BMD): Trung Quốc đã nỗ lực vượt ra khỏi phạm vi phòng thủ của máy bay và các loại tên lửa hành trình nhằm đạt được khả năng BMD để tạo ra sự bảo vệ tốt hơn phần lục địa và các thiết bị chiến lược của Trung Quốc. Kho vũ khí SAM tầm xa hiện nay của Trung Quốc có hiệu quả hạn chế trong việc đánh trả tên lửa đường đạn. Các loại rađa chế tạo trong nước mới phát triển, JL-1A và JY-27A được thiết kế để giải quyết mối đe doạ của tên lửa đường đạn, với JL-1A được quảng cáo là có khả năng bám chính xác nhiều loại tên lửa đường đạn. Các hệ thống SAM SA-20 PMU2, một trong những hệ thống SAM hiện đại nhất mà Nga dành để xuất khẩu có khả năng tiến công tên lửa đường đạn từ cự ly 1.000 km và với tốc độ đạt tới 2.800 mét/giây. Hệ thống SAM tầm xa sản xuất trong nước của Trung Quốc CSA-9 có khả năng phòng thủ điểm hạn chế khi chống lại các tên lửa đường đạn chiến thuật từ cự ly 500 km. Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ô phòng thủ tên lửa gồm các loại vũ khí đánh chặn động năng ở độ cao ngoài bầu khí quyển (hơn 80 km), cũng như các thiết bị đánh chặn tên lửa đường đạn và các phương tiện vũ trụ khác trong tầng khí quyển cao. Tháng 1/2010 và một lần nữa vào tháng 01/2013, Trung Quốc đã đánh chặn thành công một tên lửa đường đạn ở giai đoạn giữa, khi sử dụng một tên lửa phóng từ trên bộ.
Các chiến dịch trên mặt nước và ngầm dưới nước: Trung Quốc tiếp tục phát triển một loạt các khả năng phòng thủ và tiến công có thể cho phép PLA kiểm soát trên biển trong phạm vi Hải quân Trung Quốc gọi là “những vùng biển gần”, cũng như tung phóng sức mạnh chiến đấu hạn chế tới “những vùng biển xa”. Trong đó các tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển (CDCM), tên lửa hành trình chống hạm phóng từ trên không, trên mặt nước, và phóng ngầm dưới nước (ASCM), ngư lôi phóng từ tàu ngầm, và thuỷ lôi giúp cho Hải quân Trung Quốc có khả năng chống lại sự can thiệp của hạm đội đối phương bằng các cuộc tiến công nhiều hướng, cường độ cao nhằm tăng khả năng sát thương khi các tàu chiến của hải quân đối phương tiến vào bờ biển Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trang bị ASBM DF-21 được thiết kế chuyên biệt để tiến công tàu sân bay khi chúng tiến vào khu vực cách bờ biển Trung Quốc 900 hải lý. Trung Quốc cũng đang từng bước đạt được những tiến bộ trong môi trường ngầm dưới nước, nhưng vẫn thiếu khả năng tác chiến chống ngầm vùng nước sâu hay khả năng tác chiến ven bờ hiệu quả. Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có khả năng thu thập thông tin mục tiêu chính xác và kịp thời truyền những thông tin cho các phương tiện phóng để tiến công kịp thời và chính xác ở các vùng biển nằm ngoài chuỗi đảo thứ nhất hay chưa.
Vũ trụ và chống vũ trụ: Quân đội Trung Quốc tiếp tục củng cố khả năng vũ trụ quân sự của họ, bao gồm hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu và các khả năng giám sát vũ trụ có thể giám sát các mục tiêu trên toàn cầu và trong vũ trụ. Trung Quốc đang nỗ lực sử dụng các hệ thống vũ trụ để xây dựng hệ thống giám sát, trinh sát và cảnh báo chính xác, theo thời gian thực và để nâng cao hoạt động chỉ huy và kiểm soát trong tác chiến liên quân.
Các nhà chiến lược của Quân đội Trung Quốc coi khả năng sử dụng các hệ thống đặt trên vũ trụ và năng lực ngăn chặn đối phương tiếp cận các hệ thống này là trọng tâm của chiến tranh “thông tin hoá” hiện đại. Mặc dù, học thuyết của Quân đội Trung Quốc không xác định các chiến dịch vũ trụ là một “chiến dịch” tác chiến riêng, nhưng các chiến dịch vũ trụ là thành phần hữu cơ của các chiến dịch khác của Quân đội Trung Quốc và có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc triển khai hành động để chống lại sự can thiệp của bên thứ ba. Về công khai, Trung Quốc nỗ lực xoá bỏ mọi sự hoài nghi về ý đồ quân sự của họ trên vũ trụ. Năm 2009, Tư lệnh Không quân Trung Quốc Tướng Mã Hiểu Thiên đã công khai rút lại lời khẳng định trước đó của ông ta rằng việc quân sự hoá vũ trụ là một “sự tất yếu của lịch sử” sau khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngay lập tức phủ nhân lời phát biểu của ông Mã.
Ngày 23/7/2014, Trung Quốc tiến hành một vụ thử không gây phá huỷ đối với một tên lửa được thiết kế để phá huỷ các vệ tinh ở quĩ đạo thấp của Trái Đất. Trung Quốc tuyên bố rằng vụ thử này là cho một hệ thống phòng thủ tên lửa. Một vụ thử gây phá huỷ trước đó của hệ thống này được tiến hành vào năm 2007, tạo ra những mảnh rác vũ trụ vẫn tiếp tục gây nguy hiểm cho các hệ thống trên vũ trụ của mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc cũng đã phóng một vật thể vào vũ trụ trên quĩ đạo đường đạn đưa nó tới gần quĩ đạo địa tĩnh, nhưng hồ sơ vụ phóng không giống với các phương tiện phóng lên vũ trụ truyền thống, các tên lửa đường đạn hoặc các vụ phóng rốcket sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể đó là một vụ thử nghiệm các công nghệ mới với sứ mệnh chống vũ trụ ở quĩ đạo địa tĩnh. Mỹ và một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ quan ngại với các đại diện Trung Quốc và yêu cầu cung cấp thêm thông tin về mục đích và bản chất của vụ phóng này. Nhưng từ đó tới nay Trung Quốc vẫn không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào.
Phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp: Trong phạm vi 300 hải lý tính từ bờ biển của mình, Trung Quốc có hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp rất mạnh, hoạt động dựa vào việc cảnh báo sớm, các máy bay chiến đấu và nhiều hệ thống SAM cũng như khả năng phòng thủ điểm được thiết kế chủ yếu để chống các loại vũ khí tiến công đường không tầm xa của đối phương. Các báo cáo nguồn thông tin công khai, bao gồm các tài liệu từ Triển lãm Hàng không Trung Quốc năm 2014, tiết lộ rằng Trung Quốc tiếp tục phát triển và tiếp thị một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp (IADS) được thiết kế để chống lại công nghệ Mỹ, vô hiệu hoá các mối đe doạ nhằm làm thất bại các chiến dịch “công nghệ cao” với nhiều năng lực khác nhau. Bên cạnh việc nâng cao khả năng chống lại các mục tiêu IADS truyền thống như máy bay cánh cố định, phương tiện bay không người lái (UAV), trực thăng và tên lửa hành trình, các thiết bị được giới thiệu tại triển lãm cũng cho thấy những phát triển mới trong công nghệ rađa của Trung Quốc, được cho là để phát hiện máy bay tàng hình. Các loại trang bị dùng cho xuất khẩu của Trung Quốc cũng chú trọng đến khả năng chống lại các mục tiêu tầm xa như tiến công đường không tầm xa và máy bay chi viện chiến đấu. Các rađa cảnh giới đường không tầm xa và máy bay cảnh báo sớm đường không, như KJ-2000 và KJ-500 do Trung Quốc sản xuất cũng giúp tăng tầm phát hiện vượt ra ngoài biên giới quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng số lượng SAM tầm xa hiện đại, bao gồm loại chế tạo trong nước CSA-9 (HQ-9), và SA-10 (S-300PMU), SA-20 (S-300PMU1/ PMU2) do Nga sản xuất. Tất cả các loại SAM này đều có khả năng chống lại cả máy bay và tên lửa hành trình bay thấp. Mùa thu năm 2014, Trung Quốc đã ký hợp đồng mua hệ thống SAM tầm siêu xa S-400 (SA-X-21b), và Trung Quốc đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển để tăng tầm của SAM CSA-9 chế tạo trong nước lên hơn 200 km.
Việc phát triển theo kế hoạch lực lượng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 của Trung Quốc có khả năng cơ động cao, khả năng bị phát hiện thấp, và một khoang vũ khí bên trong dựa trên mẫu J-20 hoặc J-31, sẽ giúp tăng đáng kể khả năng tác chiến không đối không của nước này. Những đặc điểm nổi bật chủ yếu khác của những loại máy bay này là hệ thống điện tử hàng không và các xenxơ hiện đại giúp tạo ra khả năng nhận biết tình hình kịp thời hơn cho các chiến dịch trong môi trường tác chiến lấy mạng làm trung tâm, các rađa có khả năng bám và phát hiện mục tiêu hiện đại, chống lại hiệu quả các biện pháp đối phó điện tử, và các hệ thống cảnh báo sớm tích hợp của đối phương. Những máy bay thế hệ tiếp theo này, có thể được đưa vào biên chế trong năm 2018, sẽ củng cố lực lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện có của Trung Quốc (máy bay Su-27/ Su-30 do Nga chế tạo và J-11A, J-10, và J-10B do Trung Quốc chế tạo) để hỗ trợ giành ưu thế trên không trong khu vực và các chiến dịch tiến công. Việc Trung Quốc tiếp tục nâng cấp lực lượng máy bay ném bom sẽ giúp chúng có khả năng mang các tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới. Kết hợp với việc mua những trang bị quân sự hiện đại hơn, Trung Quốc đang gia tăng tính phức tạp và thực tế của việc huấn luyện không quân và phòng không.
Tương tự như vậy, việc mua và phát triển các UAV tầm xa sẽ giúp cải thiện khả năng tiến hành trinh sát và thực thi các chiến dịch tiến công tầm xa của Trung Quốc. Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển và triển khai các UAV. Một số dự báo chỉ ra rằng trong giai đoạn 2014-2023 Trung Quốc có kế hoạch sản xuất tới 41.800 thiết bị bay không người lái phóng từ trên bờ và trên các tàu, trị giá khoảng 10,5 tỷ USD. Trong năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tích hợp các UAV vào trong các cuộc diễn tập quân sự và tiến hành ISR trên Biển Đông bằng các UAV BZK-005. Cũng trong năm này, Trung Quốc tiết lộ chi tiết 4 loại UAV đang được phát triển – Xianglong, Yilong, Sky Saber, và Lijian – ba trong số này được thiết kế để mang các loại vũ khí có khả năng tiến công chính xác. UAV Lijian, với chuyến bay đầu tiên được thực hiện ngày 21/11/2013, là loại UAV tàng hình đầu tiên của Trung Quốc.
Xây dựng quân đội thông tin hoá. Các bài viết về quân sự của Trung Quốc miêu tả chiến tranh thông tin hoá là một phương thức phi đối xứng nhằm làm suy yếu khả năng thu, truyền, xử lý, và sử dụng thông tin của đối phương trong chiến tranh và thảo luận việc sử dụng nó như là cách để buộc đối thủ phải khuất phục trước khi nổ ra xung đột. Quân đội Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự mô phỏng các chiến dịch trong môi trường điện từ phức tạp, và nhiều khả năng coi tác chiến thông thường và tác chiến điều khiển học (tac chiến mạng) như là phương thức giành ưu thế về thông tin. Cục 4 của bộ tổng tham mưu (đối phó điện tử và rađa) nhiều khả năng sẽ sử dụng EW, tác chiến không gian điều khiển học (tác chiến không gian mạng), và đánh lừa để củng cố khả năng chống vũ trụ và các chiến dịch động năng khác trong một cuộc chiến nhằm không để đối thủ giành được và sử dụng thông tin. Các chiến dịch “liên tục và đồng thời” có thể bao gồm việc tiến công các tàu chiến, máy bay, và các máy bay tiếp tế của Mỹ cũng như sử dụng các cuộc tiến công thông tin để tác động đến mạng máy tính và mạng thông tin chiến thuật. Những chiến dịch này có thể có tác động đáng kể đến các rađa định vị và chỉ thị mục tiêu của đối phương.
Các chiến dịch điều khiển học (chiến dịch mạng) là thành phần chủ yếu của thông tin hoá và có thể phục vụ cho các chiến dịch quân sự của Trung Quốc trong ba lĩnh vực chính. Thứ nhất, chúng cho phép thu thập dũ liệu cho các mục đích tình báo và tiến công điều khiển (tiến công mạng). Thứ hai, chúng có thể được triển khai để kiềm chế hành động của đối phương hoặc khiến đối phương phản ứng chậm bằng việc tiến công vào các hoạt động hậu cần, thông tin liên lạc và thương mại dựa vào mạng. Thứ ba, chúng đóng vai trò như một lực lượng nhân bội sức mạnh khi được triển khai cùng các cuộc tiến công động năng trong thời gian xảy ra khủng hoảng hoặc khi nổ ra xung đột.
Phát triển các khả năng điều khiển học (khả năng mạng) cho tác chiến luôn được đề cập trong các bài viết chính thống của Quân đội Trung Quốc, trong đó xác định chiến tranh thông tin là yếu tố giành ưu thế thông tin và công cụ hiệu quả để chống lại đối thủ mạnh hơn. Những bài viết này chỉ rõ hiệu quả của chiến tranh thông tin và các chiến dịch tiến công điều khiển học (mạng) trong các cuộc xung đột và cổ xuý nhằm vào các mạng lưới hậu cần và C2 của đối phương khiến chúng bị suy giảm khả năng hoạt động ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Họ phác hoạ hệ thống C2 của đối phương như là “trái tim của việc thu thập, kiểm soát và sử dụng thông tin trên chiến trường. Nó đồng thời cũng là trung khu thần kinh của toàn bộ chiến trường”.
Hiện đại hoá chỉ huy, điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính và tình báo (C4I)
Trung Quốc tiếp tục ưu tiên hiện địa hoá C4I để ứng phó với các xu hướng trong tác chiến hiện đại vốn chú trọng đến tầm quan trọng của việc chia sẻ, xử lý thông tin nhanh và ra quyết định chính xác. Quân đội Trung Quốc tìm cách hiện đại hoá cả về công nghệ và tổ chức để chỉ huy các chiến dịch liên quân phức tạp trên các chiến trường gần và chiến trường xa với các loại vũ khí ngày càng hiện đại.
Quân đội Trung Quốc coi việc đưa những tiến bộ về công nghệ vào các hệ thống C4I là vấn đề tối cần thiết đối với các mục tiêu lớn hơn của việc thông tin hoá, tìm cách để cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình ra quyết định trong khi bảo đảm an ninh và thông tin liên lạc đáng tin cậy cho các sở chỉ huy cố định và di động. Quân đội Trung Quốc đang trang bị các hệ thống chỉ huy tự động hiện đại như Phương tiện Chỉ huy tích hợp (ICP) cho các đơn vị cấp thấp hơn ở mỗi quân chủng và quân khu. Việc ứng dụng ICP cho phép thông tin liên lạc đa quân binh chủng là yếu tố cần thiết cho các chiến dịch liên quân. Hơn nữa, công nghệ C4I mới cho phép liên tục chia sẻ thông tin, và có nhiều hơn các mạng thông tin liên lạc cơ động – tình báo, thông tin chiến trường, thông tin hậu cần và báo cáo về thời tiết, giúp cho người chỉ huy có được khả năng nhận biết tình hình. Đặc biệt, việc truyền dữ liệu ISR theo thời gian gần thực tới người chỉ huy trên chiến trường có thể cải thiện tiến trình ra quyết định của người chỉ huy, rút ngắn thời gian ra và truyền đạt mệnh lệnh, và giúp cho các chiến dịch đạt hiệu quả cao hơn.
Quân đội Trung Quốc cũng tìm cách nâng cao các khả năng C4I bằng cách cải cách thể chế chỉ huy liên quân ở cấp quốc gia và khu vực. Phiên họp lần thứ 3 của BCH TƯ khoá 18 của ĐCS Trung Quốc đã kêu gọi “thành lập một cơ quan chỉ huy chiến dịch liên quân của Quân uỷ TƯ và các thể chế chỉ huy chiến dịch liên quân chiến trường”. Nếu được thông qua, những đổi mới này sẽ là những thay đổi đáng kể nhấtt đối với tổ chức chỉ huy của Quân đội Trung Quốc kể từ năm 1949.
Các hoạt động điều khiển học (mạng) trực tiếp tiến công BQP Mỹ. Năm 2014, rất nhiều hệ thống máy tính trên khắp thế giới, bao gồm cả những hệ thống của Chính phủ Mỹ, tiếp tục là mục tiêu tiến công của các vụ xâm nhập, trong đó có một vụ có thể là do Chính phủ và Quân đội Trung Quốc trực tiếp thực hiện. Chỉ trong một năm, các thành phần có quan hệ với Chính phủ Trung Quốc đã thâm nhập thành công vào máy tính của các nhà thầu thuộc Bộ Tư lệnh Vận tải Mỹ 20 lần. Những vụ thâm nhập này tập trung vào việc tiếp cận các mạng và lấy cắp thông tin. Trung Quốc đang sử dụng các khả năng gián điệp mạng để hỗ trợ việc thu thập tin tức tình báo chống lại các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, và cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ vốn để hỗ trợ các chương trình quốc phòng. Những thông tin này có thể được sử dụng để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp công nghệ cao, giúp các nhà hoạch định chính sách vốn quan tâm tới quan điểm lãnh đạo của Mỹ đối với những vấn đề chủ yếu, và các nhà hoạch định chính sách quân sự xây dựng một bức tranh về các mạng quốc phòng, hậu cần và những năng lực quân sự có liên quan của Mỹ có thể được khai thác khi xảy ra khủng hoảng. Mặc dù đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng các vụ thâm nhập và kỹ năng cần thiết cho những vụ thâm nhập này cũng tương tự như những kỹ năng cần để tiến hành các hoạt động tiến công mạng. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 đã đề cập đến mối quan ngại của Trung Quốc về các nỗ lực chiến tranh mạng của nước ngoài và nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh mạng trong nền quốc phòng Trung Quốc.
Các hệ thống và năng lực tung phóng sức mạnh. Trung Quốc đặt ưu tiên vào các chương trình tên lửa đường đạn bố trí và tên lửa hành trình để mở rộng năng lực tiến công xa hơn ra bên ngoài biên giới nước này. Bắc Kinh đang phát triển và thử nghiệm một số loại và các biến thể tên lửa tiến công mới, thành lập thêm các đơn vị tên lửa, nâng cấp các hệ thống tên lửa cũ và phát triển các phương thức chống phòng thủ tên lửa đường đạn. Lực lượng Pháo binh số 2 đã triển khai ít nhất 1.200 SRBM tới các vị trí gần Đài Loan và đang trang bị các tên lửa hành trình, bao gồm LACM CJ-10 phóng từ trên bộ. Trung Quốc tiếp tục đưa vào trang bị một loại ASBM dựa trên phiên bản MRBM CSS-5 (DF-21) vốn bắt đầu được triển khai từ năm 2010. Loại tên lửa này giúp Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến công các tàu sân bay ở Tây TBD. Tên lửa CSS-5 mod 5 có tầm bắn hơn 1.500 km và được trang bị đầu đạn có khả năng cơ động. Trung Quốc cũng triển khai các tên lửa tiến công trên bộ CSS-5 Mod 4, đặt các mục tiêu trên Quần đảo Okinawa và lãnh thổ Nhật Bản vào vòng rủi ro, và được cho là đang phát triển một IRBM có khả năng đe dọa nghiêm trọng lực lượng Mỹ tại đảo Guam.
Hải quân Trung Quốc tiếp tục phát triển và triển khai các ASCM đặt trên tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, cả những loại do Nga và Trung Quốc chế tạo, nhằm tăng cự ly tiến công. Ngoài ra, Trung Quốc có thể phát triển khả năng trang bị các LACM trên các tàu khu trục lớp Lữ Giang III, giúp cho lực lượng hải quân Trung Quốc có khả năng tiến công trên bộ đầu tiên. Hơn nữa, việc triển khai các tàu ngầm lớp Tống và Thương được trang bị các ASCM trong năm 2014, hỗ trợ tuần tra chống cướp biển cũng cho thấy mối quan tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ các tuyến giao thông trên biển bên ngoài Biển Đông, và nếu việc triển khai trở nên thường xuyên, nó có thể hỗ trợ tung phóng sức mạnh sang Ấn Độ Dương.
Không quân Trung Quốc tiếp tục củng cố khả năng tiến hành các chiến dịch tiến công và phòng thủ xa bờ như các sứ mệnh tiến công, phòng thủ tên lửa và phòng không, cơ động chiến lược, cảnh báo sớm và trinh sát. Trung Quốc tiếp tục phát triển công nghệ máy bay tàng hình. Không quân Trung Quốc đã trang bị máy bay ném bom H-6K có khả năng mang 6 LACM, một loại máy bay giúp Quân đội Trung Quốc có khả năng tiến công đường không bằng các loại vũ khí chính xác. Việc mua 3 máy bay tiếp dầu trên không IL-78 MIDAS sẽ giúp tăng khả năng mở rộng tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc khi hoạt đông trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong nỗ lực để khắc phục sự thiếu hụt các máy bay vận tải chiến lược, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm một loại máy bay vận tải hạng nặng mới, Y-20. Loại máy bay này bắt đầu thử nghiệm bay từ tháng 1/2013. Ngoài việc là loại máy bay vận tải hạng nặng được chế tạo trong nước đầu tiên của Trung Quốc, Y-20 cũng có thể đảm nhận các nhiệm vụ khác như trở thành hệ thống kiểm soát và cảnh giới đường không (AWACS) và làm máy bay tiếp dầu trên không.
Không quân hải quân và Không quân Trung Quốc tiếp tục có những cải thiện ấn tượng trong lkhả năng tung phóng sức mạnh trên không. Năm 2014, các máy bay của Hải quân và Không quân Trung Quốc đã tham gia nhiều cuộc diễn tập liên quân chủng và các chiến dịch thực chiến. Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc đang tìm cách tíc hợp các chiến dịch đường không trong tương lai. Tích hợp sức mạnh đường không có thể cho phép Trung Quốc nâng cao tính linh hoạt của các máy bay tiến công và chi viện khi xảy ra các biến cố trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, hay với Đài Loan.
Việc cải tạo tàu sân bay lớp KUZNETSOV của Trung Quốc, với tên gọi mới là Liêu Ninh, đã cho phép Hải quân Trung Quốc có cơ hội khai thác các hoạt động của tàu sân bay mà các quan chức Trung Quốc tuyên bố là sẽ được sử dụng cho một lực lượng nhiều tàu sân bay trong tương lai. Trong năm 2014, Trung Quốc tập trung vào việc tích hợp tàu Liêu Ninh với các máy bay J-15. Mặc dù tàu Liêu Ninh đang hoạt động như tàu “thử nghiệm” như theo các quan chức, nhưng họ cũng cho biết Trung Quốc sẽ đóng thêm các tàu sân bay có khả năng tốt hơn tàu Liêu Ninh có cấu hình cất cánh kiểu “trượt tuyết”. Những tàu sân bay này có khả năng cải thiện thời gian hoạt động và chuyên chở cũng như phóng nhiều loại máy bay hơn, bao gồm các máy bay tác chiến điện tử, cảnh báo sớm và chống ngầm, vì thế sẽ gia tăng sức mạnh tiến công tiềm tàng của “cụm chiến đấu tàu sân bay” của Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích trong các khu vực bên ngoài đường ngoại biên của nước này. Các tàu sân bay có thể sẽ chủ yếu thực thi các sứ mệnh như tuần tra trên các tuyến đường biển có tầm quan trọng về kinh tế và tiến hành ngoại giao hải quân, răn đe khu vực, và HA/ DR.
Khả năng hiện thực hoá lực lượng Hải quân “Biển xa”. Hải quân Trung Quốc vẫn dẫn đầu trong các nỗ lực mở rộng tầm hoạt động ra ngoài Đông Á và tới những khu vực mà Trung Quốc gọi là “biển xa”. Các sứ mệnh trong các khu vực này bao gồm bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng trước nạn khủng bố, cướp biển, và sự can thiệp của nước ngoài; cung cấp HA/ DR; tiến hành ngoại giao hải quân và răn đe khu vực; huấn luyện để không cho bên thứ ba, như Mỹ, can thiệp vào các chiến dịch ngoài khơi Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh với Đài Loan hay xung đột trên Biển Đông hoặc Biển Hoa Đông. Khả năng thực thi những sứ mệnh này của Hải quân Trung Quốc vẫn còn khiêm tốn nhưng đang phát triển, đặc biệt qua việc tích luỹ thêm kinh nghiệm hoạt động ở những vùng nước xa vốn đòi hỏi những tàu lớn hơn và hiện đại hơn. Mục tiêu của Hải quân Trung Quốc trong những thập niên tới là trở thành lực lượng khu vực mạnh hơn, có thể tung phóng sức mạnh trong khu vực châu Á-TBD rộng lớn hơn cho các chiến dịch cường độ cao kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, chi viện hậu cần và tình báo vẫn là những trở ngại lớn, đặc biệt ở Ấn Độ Dương.
Trong vài năm trở lại đây, kinh nghiệm “biển xa” của Hải quân Trung Quốc chủ yếu thu thập được qua sứ mệnh chống cướp biển trên Vịnh Ađen và việc triển khai toán đặc nhiệm tầm xa bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất ở Tây TBD. Trung Quốc tiếp tục duy trì sự hiện diện của 3 tàu trên Vịnh Ađen để bảo vệ các tàu thương mại của Trung Quốc. Chiến dịch này là chiến dịch dài ngày đầu tiên của Hải quân Trung Quốc bên ngoài khu vực châu Á.
Năm 2014, Hải quân Trung Quốc tiến hành 3 đợt triển khai “biển xa” bao gồm đợt triển khai đầu tiên ở Ấn Độ Dương. Việc triển khai của Hải quân Trung Quốc để hỗ trợ cho việc tìm máy bay MH370 và tham gia di rời vũ khí hoá học khỏi Syria cho thấy sự linh hoạt trong hoạt động của lực lượng này, trong khi việc triển khai của Hải quân Trung Quốc trong cuộc diễn tập RIMPAC gần Hawaii khẳng định khả năng ngày càng tăng của lực lượng này khi hoạt động ở những vùng biển lạ. Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc cũng đã triển khai 2 tàu ngầm đầu tiên đến Ấn Độ Dương, thể hiện sự quen dần với hoạt động trong khu vực này của Hải quân Trung Quốc.
Cấu trúc lực lượng Hải quân Trung Quốc tiếp tục phát triển, có nhiều tàu hơn cho cả các chiến dịch xa bờ và tầm xa. Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt tàu khu trục Lữ Giang II và Lữ Giang III, tàu frigát mang tên lửa dẫn đường (FFG) lớp Giang Khải II, và tàu Frigat hạng nhẹ (FFL) lớp Giang Đảo. Trung Quốc có thể cũng bắt đầu đóng các tàu khu trục loại 055 lớn hơn nhiều vào năm sau. Trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ đóng thêm nhiều tàu sân bay. Những hạn chế trong chi viện hậu cần vẫn là trở ngại lớn nhất khiến Hải quân Trung Quốc khó có thể hoạt động thường xuyên hơn ở bên ngoài khu vực Đông Á, đặc biệt ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc mong muốn mở rộng khả năng tiếp cận các căn cứ hậu cần ở Ấn Độ Dương và có thể sẽ xây dựng một số điểm lui tới ở khu vực này trong vòng 10 năm tới. Những kế hoạch này nhiều khả năng sẽ diễn ra dưới hình thức các thoả thuận để tiếp dầu, bổ sung nhu yếu phẩm, nơi thuỷ thủ nghỉ ngơi, và bảo dưỡng ở cấp độ thấp. Các dịch vụ ít có khả năng cho phép hỗ trợ đầy đủ từ sửa chữa cho đến bổ sung vũ khí.
Các chiến dịch quân sự không phải chiến tranh. Quân đội Trung Quốc tiếp tục chú trọng đến các chiến dịch quân sự không phải chiến tranh (MOOTW) bao gồm ứng phó khẩn cấp, chống khủng bố, cứu hộ quốc tế, HA/ DR, gìn giữ hoà bình, và rất nhiều nhiệm vụ an ninh khác. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc 2013 ủng hộ việc sử dụng quân đội thực hiện các nhiệm vụ như một công cụ để thích nghi với những thay đổi mới của các mối đe doạ an ninh và chú trọng đến việc triển khai lực lượng vũ trang trong thời bình. Những sứ mệnh này hỗ trợ hiệu quả cho các “Sứ mệnh lịch sử mới” trong khi mang đến cho Quân đội Trung Quốc các cơ hội tăng cường các khả năng hoạt động và cơ động trong và ngoài nước cũng như củng cố mối quan hệ quân-dân sự.
Theo truyền thông Trung Quốc, từ năm 2008 đến 2014, Quân đội Trung Quốc đã triển khai hơn 2,4 triệu lượt lực lượng thường trực, 7,82 triệu lượt dân quân và dự bị, và hơn 6.700 lượt máy bay cho MOOTW. Trong vụ động đất ở Haiti năm 2010, Trung Quốc đã viện trợ hàng triệu USD và cử đến một đội tìm kiếm và cứu nạn, thuốc men, nhân viên y tế và trang bị. Trong Sứ mệnh Hài hoà năm 2013, Hải quân Trung Quốc đã cử tàu bệnh viện tới thăm cảng biển của các quốc gia như Brunêy, Maldives, Pakixtan, Ấn Độ, Bănglađét, Myanmar, Inđônêxia, và Campuchia. Cũng trong năm 2013, Trung Quốc đã tham gia hợp tác an ninh biển thành công với các cuộc diễn tập chống cướp biển trên Vịnh Ađen, có sự tham gia của các tàu chiến của Hải quân cùng các trực thăng và thành phần của Lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc.
Tháng 11/2013, Quân đội Trung Quốc tổ chức cuộc diễn tập sa bàn HA/ DR trong nước kéo dài 2 ngày. Trung Quốc cũng triển khai tàu bệnh viện tới Philíppin trong tháng 11/2013 sau trận bão Hải Yến. Những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ của Hải quân và Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc như là một phần trong cuộc tìm kiếm máy bay MH370 cũng rất lớn. Năm 2014 cũng đánh dấu năm đầu tiên Trung Quốc tham gia diễn tập RIMPAC; trong cuộc diễn tập này tàu bệnh viện của Hải quân Trung Quốc đã tiến hành trao đổi nhân viên, trao đổi quân y, huấn luyện cứu thương trong trường hợp xảy ra thương vong lớn. Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ và tham gia các cuộc diễn tập quân sự với tư cách là một thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Việc chú trọng hơn đến MOOTW đã giúp Quân đội Trung Quốc có thêm kinh nghiệm trong hoạt động phối hợp và các kịch bản chỉ huy và kiểm soát. Tuỳ theo tính chất của hoạt động, lực lượng mà Quân đội Trung Quốc triển khai cho MOOTW có thể đặt dưới sự chỉ huy của các chỉ huy địa phương hoặc trực tiếp dưới sự chỉ đạo về quân sự và dân sự ở cấp cao nhất, cho phép Quân đội Trung Quốc ứng phó nhanh với các tình huống khó lường.
Vai trò của tác chiến điện tử trong chiến tranh tương lai
Quân đội Trung Quốc xác định tác chiến điện tử (EW) là biện pháp để làm giảm hoặc vô hiệu hoá ưu thế công nghệ của Mỹ; và coi nó là một bộ phận tích hợp của chiến tranh. Học thuyết EW của Quân đội Trung Quốc chú trọng tới việc sử dụng các loại vũ khí phổ điện từ để chế áp hoặc đánh lừa các thiết bị điện tử của đối phương. Chiến lược EW của Quân đội Trung Quốc tập trung vào tần số radio, rađa, quang học, hồng ngoại và các dải tần sóng ngắn, cũng như các hệ thống máy tính và thông tin của đối thủ.
Chiến lược của Trung Quốc nhấn mạnh rằng EW là môi trường chiến đấu quan trọng thứ tư, có thể là chìa khoá quyết định kết quả của cuộc chiến, và cần được coi là có tầm quan trọng như các lực lượng truyền thống như hải quân, lục quân và không quân. Quân đội Trung Quốc coi EW là một lực lượng nhân bội sức mạnh quan trọng, và có thể được triển khai để hỗ trợ cho tất cả các quân binh chủng chiến đấu trong xung đột.
Các đơn vị EW của Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một số chiến dịch gây nhiễu và chống gây nhiễu, thử nghiệm hiểu biết của quân đội về các loại vũ khí, trang bị và hoạt động EW, giúp nâng cao sự tự tin của họ trong việc tiến hành các chiến dịch lực lượng đối kháng lực lượng, đối đầu trang bị thực tế trong các môi trường EW mô phỏng. Những tiến bộ trong nghiên cứu và triển khai các loại vũ khí EW đang được thử nghiệm trong các cuộc diễn tập này và đã được chứng minh hiệu quả. Những loại vũ khí EW này bao gồm thiết bị gây nhiễu chống lại nhiều hệ thống thông tin liên lạc và rađa và các hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu. Các hệ thống EW cũng đang được triển khai với các tàu và máy bay cho cả các chiến dịch tiến công và phòng thủ.
Mở rộng tung phóng sức mạnh ra bên ngoài của Quân đội Trung Quốc
Ưu tiên hàng đầu của Quân đội Trung Quốc vẫn là Đài Loan nhưng các xu hướng hiện đại hoá và phát triển trong thập niên qua đã cho thấy việc mở rộng các khả năng của Quân đội Trung Quốc để giải quyết các mục tiêu an ninh khu vực và toàn cầu. Các lực lượng trên bộ, trên không, trên biển, và tên lửa của Quân đội Trung Quốc ngày càng có khả năng tung phóng sức mạnh để khẳng định ưu thế khu vực trong thời bình và chống lại ưu thế về quân sự của Mỹ trong một cuộc xung đột khu vực. Khả năng tung phóng sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng giúp làm tăng các mục tiêu cóđịnh hướng toàn cầu của Trung Quốc để được nhìn nhận như là một quốc gia bảo đảm sự ổn định và như là một cường quốc khu vực.
Quân đội Trung Quốc sẽ vẫn chủ yếu chú trọng vào việc phát triển khả năng cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Đài Loan nhưng cũng đang dần mở rộng sự linh hoạt tác chiến để có thể đáp ứng được các sứ mệnh tầm khu vực và quốc tế. Lực lượng tên lửa và không quân Trung Quốc vẫn là thành phần chủ yếu trong việc mở rộng phạm vi phòng thủ, qua đó giúp các lực lượng khác có thể tập trung vào việc tiến hành các sứ mệnh tiến công, chẳng hạn như phong toả, thực thi chủ quyền và chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực, ở những vùng biển xa hơn. Trung Quốc cũng chú trọng nâng cao các khả năng ISR của quân đội nước này, qua đó cải thiện khả năng chỉ thị mục tiêu và phản ứng kịp thời với các mối đe doạ.
Mở rộng hoạt động của hải quân ra bên ngoài khu vực tiếp giáp trực tiếp với Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc sử dụng lực lượng cho các sứ mệnh không phải chiến tranh và giúp Trung Quốc cải thiện khả năng tiến công các mục tiêu trong khu vực TBD và Ấn Độ Dương. Học thuyết Sứ mệnh Lịch sử mới của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào chú trọng đến các hoạt động của hải quân ở những vùng biển xa, bao gồm: HA/ DR, các chiến dịch sơ tán những người không tham chiến (NEO), các chiến dịch hộ tống chống cướp biển và nâng cao kinh nghiệm tác chiến quan trọng cho Hải quân Trung Quốc. Năng lực “biển xa” sẽ giúp mở rộng vùng đệm an ninh biển của Trung Quốc để bảo vệ tốt hơn những lợi ích ở các vùng biển gần và biển xa Trung Quốc.
Các phương tiện hải quân hiện đại của Trung Quốc bao gồm tên lửa và thiết bị công nghệ mới sẽ nâng cao khả năng tác chiến chủ yếu và cho phép các hoạt động chiến đấu vươn xa hơn rất nhiều so với tầm với của các hệ thống phòng thủ bố trí trên bờ. Hơn nữa, tàu sân bay hiện nay của Trung Quốc và những tàu dự kiến sẽ đưa vào trang bị sẽ mở rộng chiếc ô phòng không bên ngoài tầm với của các hệ thống bờ biển và giúp các toán đặc nhiệm có thể hoạt động ở những vùng “biển xa”. Tiến công đất liền từ biển có lẽ là một yêu cầu hiện nay đối với Hải quân Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng để có thể theo đuổi một chiến lược phòng thủ ở các vùng biển xa, Hải quân Trung Quốc phải cải thiện khả năng kiểm soát trên đất liền từ biển thông qua việc phát triển các tên lửa hành trình tiến công bộ tầm xa (LACM).
Cách tiếp cận an ninh biển của Trung Quốc
Trung Quốc xác định chủ quyền là lợi ích cốt lõi và nhấn mạnh đến việc sẵn sàng khẳng định và bảo vệ những yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc có xu hướng thiên về sử dụng các cơ quan thực thi luật pháp trên biển dân sự, do chính phủ điều hành, ở những vùng tranh chấp này, và sử dụng Hải quân Trung Quốc để giám sát trong trường hợp căng thẳng leo thang. Trung Quốc đã sử dụng mô hình này ở Bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây, đảo Senkaku, và hoạt động khoan của Dàn khoan HD-981 ở phía nam Quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sử dụng cách tiếp cận toàn chính phủ và gây áp lực đối với các bên yêu sách chủ quyền khác bằng các đòn bẩy kinh tế và chính trị. Trung Quốc chắc chắn muốn khẳng định ưu thế trên biển của họ mà không gây ra xung đột khu vực.
Năm 2013, Trung Quốc sáp nhập 4 cơ quan thực thi luật pháp trên biển vào Lực lượng Cảnh sát biển (CCG) nước này. Là cơ quan trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc, CCG đảm trách rất nhiều sứ mệnh khác nhau, bao gồm thực thi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, chống buôn lậu, bảo vệ nguồn cá, và thực thi luật pháp nói chung. CCG đang tăng cường lực lượng với tốc độ cao, bổ sung thêm các tàu tuần tra, máy bay cánh cố định, trực thăng và UAV mới, lớn hơn. Việc mở rộng và hiện đại hoá lực lượng CCG sẽ giúp Trung Quốc có khả năng thực thi những yêu sách chủ quyền trên biển.
Trong thập niên tới, lực lượng các tàu chấp pháp dân sự mới sẽ giúp Trung Quốc có khả năng tuần tra thường xuyên hơn những vùng yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trung Quốc tiếp tục giai đoạn hai của chương trình hiện đại hoá và xây dựng cho CCG. Giai đoạn một của chương trình này, từ năm 2004-2008, đã bổ sung thêm khoảng 20 tàu tuần tra. Giai đoạn hai, từ 2011-2015, sẽ bổ sung thêm ít nhất 30 tàu mới cho CCG. Một số tàu cũ sẽ ngừng hoạt động trong giai đoạn này. Ngoài ra, CCG nhiều khả năng sẽ đóng hơn 100 xuồng tuần tra mới và bổ sung các tàu nhỏ hơn, nhằm vừa tăng cường các khả năng, vừa thay thế các tàu cũ. Nhìn chung, tổng số lực lượng của CCG dự tính sẽ tăng 25%. Một số tàu này sẽ có khả năng cho máy bay cất hạ cánh, một khả năng mà hiện chỉ có một số tàu của CCG có. Việc mở rộng và hiện đại hoá lực lượng CCG của Trung Quốc sẽ cải thiện khả năng củng cố các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Lực lượng an ninh nội địa của Trung Quốc
Lực lượng an ninh nội địa của Trung Quốc bao gồm thành phần chủ yếu là Lực lượng cảnh sát vũ trang Nhân dân (PAP), Bộ Công an (MPS), Bộ An ninh quốc gia (MSS) và Quân đội Trung Quốc.
PAP là lực lượng chống khủng bố và an ninh nội địa bán vũ trang với nhiệm vụ chính là bảo đảm an ninh trong nước. Là một thành phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc, lực lượng này đặt dưới sự chỉ đạo của hai cơ quan là Quân ủy TƯ và Quốc Vụ viện. Mặc dù có nhiều loại đơn vị PAP khác nhau, chẳng hạn như lực lượng bảo vệ an ninh biên giới và cứu hỏa, nhưng đông đảo nhất là lực lượng an ninh nội địa. Các đơn vị PAP được tổ chức thành các đơn vị tại mỗi tỉnh, khu tự trị, và thành phố trực thuộc trung ương. PAP cũng có các “sư đoàn cơ động” có thể được triển khai bên ngoài phạm vi tỉnh.
MSS là cơ quan tình báo, phản gián bí mật chủ yếu. Nhiệm vụ của MSS là: bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc; bảo đảm sự ổn định chính trị và xã hội; triển khai “Luật An ninh Quốc gia” và các luật và qui định có liên quan; bảo vệ bí mật nhà nước; phản gián; và điều tra các tổ chức hoặc công dân ở Trung Quốc, những người trên danh nghĩa cá nhân tiến hành hoặc trực tiếp, ủng hộ, hoặc giúp đỡ những người có các hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.
MPS là lực lượng an ninh nội địa và cảnh sát dân sự chủ yêu. Nhiệm vụ của MPS là thực thi luật trong nước và “bảo đảm an ninh và trật tự xã hội” với các chức năng chính bao gồm chống bạo loạn và chống khủng bố. Có khoảng 1,9 triệu sĩ quan cảnh sát MPS trong các cơ quan công an địa phương của Trung Quốc.
Nhiệm vụ chủ yếu của Quân đội Trung Quốc là bảo đảm an ninh cho ĐCS Trung Quốc. Vì thế, Quân đội Trung Quốc có thể được sử dụng cho các sứ mệnh ổn định trong và ngoài nước khi cần thiết. Chẳng hạn, họ có thể cung cấp phương tiện vận tải, hậu cần và tình báo cũng như hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc bảo đảm an ninh trong nước, bao gồm bảo vệ cơ sở hạ tầng và duy trì trật tự xã hội. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia bắt nguồn từ các cuộc phản đối liên quan đến các vấn đề về chính trị, xã hội, môi trường và kinh tế. Trung Quốc cũng vẫn xác định có thách thức an ninh từ các phần tử phi nhà nước bên ngoài, chẳng hạn như Phong trào đòi độc lập cho Đông Turkestan (ETIM), vốn bị Trung Quốc coi là có liên quan đến những người Duy Ngô Nhĩ theo chủ nghĩa dân tộc ở khu tự trị Tân Cương. Trung Quốc lên án những “kẻ ly khai” người Duy Ngô Nhĩ vì đã tiến hành các cuộc tiến công khủng bố ở Trung Quốc, với tần suất đã tăng từ đầu năm 2014, và đã áp đặt an ninh nghiêm ngặt ở Tân Cương để đối phó với các cuộc tiến công tiềm tàng.
Năm 2013, Trung Quốc đã có một số lần triển khai lực lượng an ninh để đối phó với lễ kỷ niệm ngày nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ ở thành phố Urumqi (05/7/2009) và cũng điều động hơn 1.000 cảnh sát bán vũ trang tới Tân Cương sau vụ bạo loạn khiến 21 người thiệt mạng hồi tháng 4/2013. Tháng 6/2013, ít nhất 1.000 cảnh sát bán vũ trang đã phong tỏa một khu vực lớn ở Urumqi và tiến hành tuần tra 24/24 giờ trên xe quân sự sau các vụ đụng độ khiến 35 người thiệt mạng. Năm 2014, Trung Quốc sử dụng lực lượng an ninh của mình để dẹp các biến cố từ phong trào phản đối đòi quyền sở hữu đất đến các vấn đề về lao động, căng thẳng sắc tộc và tham nhũng. Lực lượng cảnh sát địa phương và các sĩ quan PAP đã xử lý hàng trăm biến cố trong năm, bao gồm các vụ bạo loạn ở Tân Cương, đáng chú ý nhất là vụ bạo loạn ở Shache khiến hàng chục người thiệt mạng hồi tháng 7 và một vụ được cho là đánh bom khủng bố ở Urumqi hồi tháng 5. Các đơn vị của PAP, đặc biệt là các sư đoàn cơ động, cũng tiếp tục nhận nhiều trang bị hiện đại. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng cảnh sát bán vũ trang tới Khu tự trị Tây Tạng và các Quận tự trị của người Tây Tạng ở các tỉnh Sơn Tây và Thanh Hải nhằm kiểm soát bất ổn bắt nguồn từ những vụ tự sát của người Tây Tạng để phản đối sự cai trị của Trung Quốc đối với vùng đất này.
Tiến công chính xác
Tên lửa đường đạn tầm gần (SRBM – dưới 1.000 km): Tính đến cuối năm 2014, Lực lượng Pháo binh số 2 có hơn 1.200 SRBM. Lực lượng này tiếp tục trang bị các biến thể hiện đại với tầm và độ chính xác được nần cao cùng với tải trọng đa dạng hơn, đồng thời từng bước thay thế các thế hệ trước vốn không có khả năng tiến công chính xác.
Tên lửa đường đạn tầm trung (MRBM - từ 1.000 – 3.000 km): Quân đội Trung Quốc đang trang bị các MRBM thông thường để tăng tầm tác chiến ở mức có thể tiến hành các cuộc tiến công chính xác nhằm vào các mục tiêu trên bộ và các tàu hải quân đang hoạt động xa bờ biển Trung Quốc, bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất.
Tên lửa đường đạn tầm khá xa (IRBM - 3.000 – 5.500 km): Quân đội Trung Quốc đang phát triển một biến thể IRBM cơ động trên đường, có khả năng tiến công tương đối chính xác tới chuỗi đảo thứ hai. Hải quân Trung Quốc cũng đang nâng cao năng lực phát hiện mục tiêu ngoài đường chân trời bằng các rađa hiện đại, có thể được sử dụng kết hợp với các vệ tinh trinh sát để xác định vị trí mục tiêu ở tầm xa nhất tính từ lãnh thổ Trung Quốc (qua đó hỗ trợ cho các cuộc tiến công chính xác, bao gồm việc triển khai các tên lửa đường đạn chống hạm).
Tên lửa hành trình tiến công trên bộ (LACM): Quân đội Trung Quốc tiếp tục trang bị các tên lửa hành trình tiến công trên bộ phóng từ trên không và trên bộ để tiến hành các cuộc tiến công chính xác. Các tên lửa hành trình phóng từ trên không có YJ-63, KD-88 và CJ-20 (biến thể phóng từ trên không của tên lửa hành trình phóng từ trên bộ CJ-10 và vẫn thuộc biên chế của Lực lượng Pháo binh số 2). Gần đây, Trung Quốc đã đưa vào biên chế tên lửa hành trình phóng từ trên bộ KD-88 có tầm bắn hơn 100 km, và có thể đang thử nghiệm một biến thể tầm xa. Trung Quốc cũng đang phát triển LACM CM-802AKG, một biến thể xuất khẩu có thể tiến công cả các mục tiêu trên bộ và các tàu từ máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom.
Đầu đạn tiến công trên bộ: Không quân Trung Quốc có một số tên lửa không đối hạm chiến thuật (ASM) cũng như các đầu đạn tiến công chính xác bao gồm bom dẫn đường qua vệ tinh trong mọi điều kiện thời tiết, tên lửa chống rađa và bom dẫn đường bằng lade. Trung Quốc cũng đang phát triển các ASM cỡ nhỏ như ASM chống tăng AR-1, HJ-10, Blue Arrow 7 dẫn đường bằng lade, và tên lửa KD-2 và rất nhiều UAV. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang trang bị các đầu đạn dẫn đường bằng GPS như FT-5 và LS-6 tương tự như Đầu đạn tiến công trực tiếp liên quân (JDAM) của Mỹ trên các UAV.
Tên lửa hành trình chống hạm (ASCM): Hải quân Trung Quốc đang phát triển rất nhiều ASCM hiện đại. Đáng chú ý nhất là ASCM YJ-62 phóng từ tàu do Trung Quốc tự phát triển và ASCM siêu thanh SS-N-22/SUNBURN do Nga chế tạo và trang bị trên tàu khu trục lớp SOVREMENNY mà Trung Quốc mua của Nga. Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc cũng đang tăng năng lực ASCM, với các ASCM tầm xa YJ-18 để thay thế cho loại YJ-82 trên các tàu ngầm lớp Tống, Nguyên và Thương. ASCM YJ-18 cũng tương tự như ASCM SS-N-27B/SIZZLER của Nga có khả năng bay siêu thanh ở giai đoạn cuối và được trang bị trên 8 trong tổng số 12 tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo. Ngoài ra, Không quân của Hải quân Trung Quốc cũng trang bị ASCM YJ-83K với tầm bắn hơn 200 km trên các máy bay JH-7 và H-6G. Trung Quốc cũng đã phát triển ASCM YJ-12 cho hải quân. Loại tên lửa mới này là mối đe dọa cho các tàu hải quân do là nó là loại tên lửa tầm xa và có tốc độ siêu thanh. Nó có thể được phóng từ các máy bay ném bom H-6.
Vũ khí chống rađa: Trung Quốc bắt đầu tích hợp một phiên bản tự sản xuất của tên lửa Kh-37P (AS-17) do Nga chế tạo, với tên gọi là YJ-91 trên các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Trung Quốc có thể đã phát triển một biến thể không đối không để chống lại các hệ thống kiểm soát và cảnh giới đường không (AWACS) và máy bay tiếp dầu. Trong thập niên 1990, Quân đội Trung Quốc đã nhập khẩu các UAV HARPY do Israel chế tạo và tên lửa chống rađa do Nga chế tạo.
Đầu đạn có độ chính xác cao bắn từ pháo: Quân đội Trung Quốc đang phát triển hoặc triển khai các hệ thống pháo có tầm bắn tới các mục tiêu ở trong phạm vi, thậm chí vượt qua Eo biển Đài Loan, bao gồm dàn phóng rocket đa nòng PHL-03-300 (tầm bắn hơn 100 km) và rocket đa nòng có tầm bắn xa hơn AR-3 (hơn 220 km).
Các căn cứ ngầm của Quân đội Trung Quốc
Trung Quốc có một chương trình xây dựng căn cứ ngầm hiện đại để bảo vệ mọi lĩnh vực của Quân đội Trung Quốc, bao gồm các lực lượng chỉ huy và kiểm soát, hậu cần, tên lửa và hải quân. Do chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước của Trung Quốc, nên quốc gia này đã cho rằngcần phải có khả năng sống còn sau cuộc tiến công hạt nhân ban đầu và phải bảo đảm vẫn giữ được sự lãnh đạo và các tài sản chiến lược để đáp trả.
Từ giữa thập niên 1980, Trung Quốc xác định cần phải nâng cấp và mở rộng chương trình căn cứ ngầm hiện đại của mình. Nỗ lực hiện đại hóa này càng trở nên cấp thiết hơn sau khi Trung Quốc nhận thấy Mỹ và đồng minh của Mỹ tiến hành chiến dịch đường không trong Chiến tranh vùng Vịnh 1991 và chiến dịch Lực lượng đồng minh NATO năm 1999. Việc chú trọng tới “giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh công nghệ cao” tương lai đã thúc đẩy nỗ lực nghiên cứu các phương thức đào hầm và xây dựng hiện đại. Những chiến dịch quân sự này đã thuyết phục Trung Quốc về sự cần thiết phải xây dựng các căn cứ ngầm sâu, có khả năng sống còn cao hơn, và kết quả là chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc nỗ lực xây dựng các căn cứ ngầm hiện đại lớn trên khắp đất nước Trung Quốc trong thập niên qua.
Phủ nhận và nghi binh(đánh lừa)
Trong các tài liệu lịch sử và hiện đại, các nhà tư tưởng quân sự Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bí mật và nghi binh (đánh lừa) để vừa bảo vệ binh sĩ và cơ sở hạ tầng trọng yếu, vừa che giấu các hoạt động quân sự nhạy cảm. Năm 2012 và 2013, báo chí Trung Quốc đã nói rằng Quân đội Trung Quốc đang sử dụng rất nhiều phương thức phủ nhận và nghi binh (D&D), bao gồm ngụy trang, nghi trang, và các hoạt động tránh trinh sát vệ tinh trong các sự kiện huấn luyện để bảo vệ các lực lượng Trung Quốc trước sự do thám và chỉ thị mục tiêu của đối phương. Các nguyên tắc (D&D) chủ yếu được xác định trong các chuyên đề nghiên cứu của Quân đội Trung Quốc bao gồm:
- Làm cho kẻ thù có được những gì chúng muốn và tạo ra những hình ảnh giả tương tự như kỳ vọng và xu hướng tâm lý về mục tiêu;
- Xây dựng kế hoạch sơ bộ chi tiết, kiểm soát tập trung và thống nhất hành động để bảo đảm sự gắn kết chiến lược ở các cấp chính trị, ngoại giao và kinh tế;
- Cố gắng hiểu biết tâm lý, khuynh hướng, các khả năng (đặc biệt khả năng C4ISR), ý định, và vị trí của kẻ thù;
- Linh hoạt trong tác chiến, phản ứng nhanh chóng và năng lực, sẵn sàng sử dụng các kỹ thuật và thiết bị phủ nhận (ngăn chặn) và nghi binh (đánh lừa) mới.
Các tài liệu hiện nay của PLA cũng cho thấy quan điểm của Trung Quốc rằng (D&D) là yếu tố quan trọng tạo ra những cú sốc về tâm lý và tăng gấp bội hiệu quả trong một cuộc tiến công bất ngờ, cho phép Quân đội Trung Quốc hạn chế những ưu thế về công nghệ của kẻ thủ và củng cố ưu thế về quân sự của mình khi chống lại những đối thủ yếu hơn.
CHƯƠNG 4: NGUỒN LỰC HỖ TRỢ HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI
Tổng quan
Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh và quyết tâm chính trị để hỗ trợ cho việc tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng, hỗ trợ cho việc hiện đại hóa Quân đội hướng đến một lực lượng nhà nghề hơn. Quân đội Trung Quốc tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào việc mua sắm các loại vũ khí của nước ngoài do các cơ sở nghiên cứu và công nghiệp quốc phòng trong nước đã phát triển hơn. Tuy nhiên, Quân đội Trung Quốc vẫn trông chờ sự giúp đỡ của nước ngoài để bù đắp một số khoảng trống về năng lực còn tồn tại trong ngắn hạn. Trung Quốc tiếp tục chú trọng đến đầu tư nước ngoài, liên doanh thương mại, trao đổi học thuật, kinh nghiệm của các sinh viên và các nhà nghiên cứu người Trung Quốc sau khi trở về nước, gián điệp công nghiệp và công nghệ do nhà nước tài trợ để nâng cao trình độ công nghệ và chuyên môn nhằm hỗ trợ cho các chương trình nghiên cứu, phát triển và mua sắm quân sự. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là tạo ra một ngành công nghiệp quốc phòng hoàn toàn ở trong nước, được hỗ trợ bởi nền thương mại phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc và cạnh tranh như là nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường vũ khí toàn cầu. Trung Quốc đã huy động rất nhiều nguồn khác nhau để phục vục cho việc hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc, bao gồm: những khoản đầu tư quốc phòng trong nước, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, cơ sở nghiên cứu và phát triển/khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, các công nghệ lưỡng dụng, và mua sắm công nghệ từ nước ngoài.
Xu hướng chi tiêu quân sự
Ngày 5/3/2014, Trung Quốc tuyên bố tăng 9,3% được điều chỉnh theo lạm phát cho ngân sách quân sự hàng năm lên 136 tỷ USD, tiếp tục duy trì hơn hai thập niên tăng ngân sách quốc phòng hàng năm. Phân tích dữ liệu từ năm 2005 tới 2014 cho thấy rằng ngân sách quân sự công khai của Trung Quốc đã tăng mức trung bình 9,5% mỗi năm trong giai đoạn này. Trung Quốc có tiềm lực tài chính mạnh và quyết tâm chính trị để hỗ trợ tăng chi tiêu quốc phòng ở mức tương tự trong những năm tới.
Ước tính chi tiêu quân sự thực của Trung Quốc. Sử dụng giá cả và tỷ giá của năm 2014, BQP Mỹ ước tính rằng tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong năm 2014 đã vượt quá con số 165 tỷ USD. Tuy nhiên, rất khó ước tính con số chi tiêu thực của Quân đội Trung Quốc do sự thiếu minh bạch và không chuyển đổi hoàn toàn từ một nền kinh tế điều hành theo mệnh lệnh. Ngân sách quân sự do Trung Quốc công bố đã bỏ qua một số hạng mục chi tiêu lớn, chẳng hạn như mua sắm vũ khí và trang bị của nước ngoài, nghiên cứu và phát triển.
So sánh ngân sách dành cho quốc phòng 2014 (Có điều chỉnh theo lạm phát) | |
Tỷ (đôla Mỹ) | |
Trung Quốc (Ngân sách công bố) | $136,3 |
Nga (Ngân sách quốc phòng) | $76,3 |
Nhật Bản | $47,6 |
Ấn Độ | $38,2 |
Hàn Quốc | $33,4 |
Đài Loan | $10,3 |
(So sách ngân sách quốc phòng công bố của Trung Quốc với ngân sách quốc phòng của các cường quốc khu vực khác) |
Những phát triển và xu hướng công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc
Cải cách lĩnh vực quốc phòng. Ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) của Trung Quốc đã có sự chuyển đổi ấn tượng kể từ cuối thập niên 1990, các công ty và viện nghiên cứu của Trung Quốc tiếp tục tái cơ cấu trong nỗ lực nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí. Trung Quốc cũng tiếp tục cải thiện hoạt động kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính, rút ngắn thời gian phát triển, tích hợp các quá trình sản xuất hiện đại và thúc đẩy kiểm soát chất lượng.
Trung Quốc cũng chú trọng hội nhập các lĩnh vực quốc phòng và dân sự nhằm tạo đầu ra cho cơ sở khoa học và công nghệ đang mở rộng phát triển của Trung Quốc. Lựa chọn các công ty quốc phòng vận hành các viện nghiên cứu với các cơ quan học thuật, trong đó có một số cơ quan đạt đến trình độ cao cấp. Những viện này sẽ tập trung nghiên cứu khoa học vào các công nghệ quân sự hiện đại và bồi dưỡng thế hệ các nhà khoa học và các kỹ sư tương lai, những người sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất quốc phòng. Đồng thời, đây cũng chính là nơi mở ra sự tiếp cận đối với các nguồn lực và các mạng lưới nghiên cứu khoa học quốc tế.
Các nhà nghiên cứu và sinh viên tại các viện nghiên cứu quốc phòng này thường xuyên tham dự các hội nghị, giới thiệu những phát minh và công bố các báo cáo khoa học.
Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy nghiên cứu nhằm hỗ trợ cho những tiến bộ trong hiện đại hóa quân sự. Viện Cơ khí thuộc CAS là một ví dụ, với trọng tâm là đổi mới khoa học và tích hợp công nghệ cao trong công nghệ hàng không vũ trụ, kỹ thuật môi trường và nguồn tài nguyên năng lượng. Các lĩnh vực đặc thù được chú trọng bao gồm ngành cơ học nano và công nghệ siêu nhỏ (vi mô), khí gas nhiệt độ cao và công nghệ bay siêu thanh, sản xuất hiện đại. Tháng 5/2012, Viện tuyên bố đã thành công việc thử nghiệm đường ống dẫn gió siêu thanh, siêu lớn JF12, được đánh giá là lớn nhất thế giới, có khả năng tạo ra các điều kiện bay ở mach 5 tới mach 9. Dự án này là một trong 8 dự án được trình bày chi tiết trong Kế hoạch quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ trung và dài hạn của Hải quân Trung Quốc (2006-2020). Dự án này cùng các dự án khác được CAS tài trợ đã hỗ trợ cho các nỗ lực nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ dân sự và quân sự của Trung Quốc.
Các xu hướng hiện đại hóa trang bị quân sự
Việc ưu tiên và phân bổ nguồn đầu tư và nguồn lực CNQP của Trung Quốc tập trung đầu tiên cho các hệ thống tên lửa và vũ trụ, sau đó là máy bay và tàu thuyền, và cuối cùng là trang bị cho lực lượng trên bộ. Trung Quốc đang phát triển và sản xuất ngày càng nhiều các hệ thống tiên tiến, chú trọng đến các khoản đầu tư có lựa chọn trong các thiết kế nước ngoài và bắt chước. Tuy nhiên, ngành CNQP Trung Quốc cũng đang gia tăng chất lượng đầu ra trong tất cả những lĩnh vực này cũng như tăng cường năng lực sản xuất toàn diện. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong lĩnh vực sản xuất CNQP và một số lĩnh vực còn được so sánh với các nhà sản xuất hệ thống vũ khí lớn khác như Nga và châu Âu.
Ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ. Trong vài năm qua, việc sản xuất hàng loạt các tên lửa đường đạn, tên lửa hành trình, tên lửa không đối không, và tên lửa đất đối không của Trung Quốc cho quân đội nước này và cho xuất khẩu đã được nâng cao qua việc nâng cấp các dây chuyền lắp đặt và cơ sở sản xuất động cơ đẩy. Ngành công nghiệp phương tiện phóng vũ trụ của Trung Quốc đang mở rộng để hỗ trợ các dịch vụ phóng vệ tinh thương mại và chương trình vũ trụ có người lái. Phần lớn các chương trình tên lửa lớn của Trung Quốc, bao gồm các hệ thống tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình, đều có thể so sánh với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, trong khi các hệ thống tên lửa đất đối không lại tụt hậu phía sau. Trung Quốc xác định ưu tiên cao cho nỗ lực hiện đại hóa ngành công nghiệp tên lửa trong tương lai gần.
Ngành công nghiệp đóng tàu/hải quân. Việc mở rộng và hiện đại hóa các xưởng đóng tàu đã cải thiện năng lực và khả năng đóng tàu cho Trung Quốc, mang lại lợi ích cho tất cả các dự án quân sự, bao gồm tàu ngầm, tàu chiến đấu mặt nước, không quân của hải quân, và các phương tiện vận tải biển. Sự hợp tác giữa hai hãng đóng tàu lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) và Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC), trong việc chia sẻ các thiết kế tàu và thông tin đóng tàu sẽ giúp gia tăng hiệu quả đóng tàu. Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào các nhà cung cấp nước ngoài để có một số động cơ đẩy, nhưng họ đang ngày càng tự chủ hơn. Trung Quốc là quốc gia sản xuất tàu hàng đầu thế giới và đang theo đuổi chương trình phát triển tàu sân bay nội địa. Trung Quốc đang trang bị cho các tàu chiến đấu mặt nước mới nhất của mình các khả năng tiến công và phòng thủ chống hạm, phòng không và chống ngầm ngày càng hiện đại. Trung Quốc đang sử dụng thiết kế tàu ưu việt hơn và các phần mềm và kỹ thuật quản lý chương trình đóng và thiết kế tàu chiến hiện đại, và đang cải tiến trong hầu hết các lĩnh vực hàng hải.
Ngành công nghiệp vũ khí. Nhiều tiến bộ trong năng lực sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực của các hệ thống Lục quân Trung Quốc đã được công nhận, bao gồm việc sản xuất xe tăng, xe bọc thép chở quân, các hệ thống phòng không và pháo binh. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dựa vào việc mua sắm nước ngoài để lấp khoảng trống trong việc lựa chọn những các khả năng kỹ thuật đặc biệt, chẳng hạn như động cơ máy bay. Trung Quốc có thể sản xuất các hệ thống vũ khí trên bộ đạt hoặc gần đạt tiêu chuẩn quốc tế, mặc dù các trang bị dành cho xuất khẩu vẫn còn hạn chế về chất lượng.
Ngành công nghiệp hàng không. Ngành công nghiệp hàng không dân sự và quân sự của Trung Quốc đã phát triển tới mức có thể sản xuất các phiên bản cải tiến nội địa của các loại máy bay cũ; máy bay vận tải cỡ lớn; máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đến 5 với công nghệ tàng hình; và các trực thăng tiến công. Ngành công nghiệp máy bay thương mại của Trung Quốc đã đầu tư vào sản xuất các loại máy móc có công nghệ tiên tiến và độ chính xác cao với quy trình sản xuất, thiết bị hàng không và các bộ phận khác có thể được sử dụng trong sản xuất máy bay quân sự. Tuy nhiên, ngành công nghiệp máy bay của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nguồn động cơ có độ tin cậy và khả năng hoạt động cao của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm sản xuất các máy bay quân sự và thương mại có cỡ lớn cũng đang được cải thiện thể hiện là máy bay thương mại C919 và chương trình phát triển máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.
Mua sắm công nghệ của nước ngoài. Một số lĩnh vực chính Trung Quốc tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa quân sự nội địa thông qua công nghệ nước ngoài có trọng điểm bao gồm động cơ máy bay, xe tăng và tàu hải quân; thiết bị điện tử và vi xử lý; hệ thống dẫn đường và kiểm soát, những công nghệ sản xuất như công cụ máy móc chính xác hiện đại, thiết bị chẩn đoán và xác định nguyên nhân, các thiết kế, sản xuất và kỹ thuật được hỗ trợ của máy tính. Trung Quốc thường theo đuổi những công nghệ này của nước ngoài nhằm bắt chước hoặc bổ sung cho nỗ lực hiện đại hóa quân sự trong nước.
Trung Quốc tìm kiếm các thiết bị công nghệ cao và các hạm mục quan trọng, đặc biệt là từ Nga, mà nền sản xuất trong nước của Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đang theo đuổi việc mua sắm các trang bị quốc phòng hiện đại của Nga như hệ thống phòng không S-400 (SA-X-21b), máy bay chiến đấu Su-35 và một chương trình cùng thiết kế và sản xuất các tàu ngầm động cơ diesel dựa trên tàu ngầm lớp LADA của Nga. Trong năm 2011, 2012, Nga đã đồng ý bán máy bay vận tải IL-76 và trực thăng Mi-171 cho Trung Quốc. Mối lo ngại về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã ảnh hưởng tới chủng loại và chất lượng của các loại vũ khí hiện đại hoặc các công nghệ sản xuất liên quan mà Nga sẵn sàng chuyển giao cho Trung Quốc, nhưng sự phản đối đang ngày một yếu vì Nga trông chờ ở Trung Quốc để giảm tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga nhằm trả đũa cho những hành động gần đây của nước này ở Ucraina. Trung Quốc cũng đã ký các hợp đồng mua sắm lớn với Ucraina trong những năm gần đây, bao gồm các hợp đồng mua tàu đệm khí tấn công và động cơ máy bay.
Mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ tới năm 2020. Chương trình quốc gia về Phát triển khoa học và Công nghệ trung và dài hạn (2006-2020) do Quốc Vụ viện ban hành tháng 02/2006, nhằm biến Trung Quốc thành một “xã hội đổi mới có định hướng vào năm 2020”. Kế hoạch này xác định khoa học và công nghệ của Trung Quốc tập trung vào “nghiên cứu cơ bản”, “các công nghệ hiện đại nhất”, “những lĩnh vực trọng điểm và các đối tượng ưu tiên” và “các mặt hàng đặc biệt chủ yếu”, tất cả đều có thể ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.
Tháng 10/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Tài chính Trung Quốc đã ban hành quy định chung về những cải cách tương lai trong chi tiêu cho khoa học của Trung Quốc. Mục tiêu của cải cách là khắc phục nạn tham nhũng tàn lan và sự lãng phí nguồn vốn chính phủ - trước đây có tới 40 cơ quan hành chính và hơn 100 chương trình khoa học và công nghệ được tài trợ bởi nguồn vốn này thông qua 5 kênh:
- Qũy khoa học tự nhiên quốc gia (qui mô nhỏ)
- Các dự án khoa học và công nghệ quốc gia qui mô lớn.
- Các chương trình nghiên cứu và phát triển chủ chốt.
- Nguồn vốn đặc biệt để định hướng đổi mới công nghệ.
- Các dự án đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Nghiên cứu cơ bản. Là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản, Trung Quốc xác định 5 lĩnh vực có ứng dụng quân sự được coi là những nhu cầu chiến lược chủ yếu hoặc các kế hoạch nghiên cứu khoa học đòi hỏi chính phủ phải tham gia tích cực và tài trợ, gồm:
- Thiết kế và chuẩn bị vật liệu.
- Sản xuất trong những điều kiện môi trường khắc nghiệt.
- Kỹ thuật hàng không và vũ trụ.
- Phát triển công nghệ thông tin.
- Nghiên cứu công nghệ Nano.
Trong công nghệ nano, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ từ gần như không có nghiên cứu hay tài trợ nào trong năm 2002 trở thành nước đứng thứ hai sau Mỹ về tổng số vốn đầu tư của chính phủ.
Những công nghệ tiên tiến nhất. Trung Quốc đang tập trung vào những công nghệ sau để phát triển nhanh.
- Công nghệ thông tin: Các ưu tiên bao gồm công nghệ thu thập tin tức tình báo, công nghệ mạng đặc biệt và công nghệ thực tế ảo.
- Vật liệu mới: Các ưu tiên bao gồm các vật liệu và kết cấu thông minh, công nghệ siêu dẫn nhiệt độ cao, và công nghệ vật liệu năng lượng hiệu quả cao.
- Sản xuất hiện đại: Các ưu tiên bao gồm các công nghệ siêu sản xuất (extreme manufacturing technologies) và công cụ máy móc hiện đại phục vụ lĩnh vực tình báo.
- Công nghệ năng lượng tiên tiến: Các ưu tiên bao gồm công nghệ năng lượng hiđrô, công nghệ pin nhiên liệu, nhiên liệu thay thế, và công nghệ phương tiện vận tải mới.
- Công nghệ hàng hải: Các ưu tiên bao gồm công nghệ giám sát môi trường biển ba chiều, công nghệ khảo sát đáy biển nhanh đa thông số và công nghệ hoạt động ở biển sâu.
- Công nghệ hàng không vũ trụ và lade: Các ưu tiên bao gồm việc phát triển công nghệ lade thể rắn và lade hóa học để trang bị cho các hệ thống vũ khí gắn trên các phương tiện trên bộ và trên không.
Những lĩnh vực trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Trung Quốc đã xác định một số ngành công nghiệp và tập đoàn công nghệ có tiềm năng tạo ra những đột phá về công nghệ, tháo gỡ những trở ngại kỹ thuật cho các ngành công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Cụ thể, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang theo đuổi các công nghệ sản xuất, công nghệ thông tin và công nghệ quốc phòng tiên tiến. Các ví dụ có thể liệt kê gồm rađa; khả năng chống vũ trụ; C4ISR; vật liệu thông minh, công nghệ có khả năng phát hiện thấp.
Những mặt hàng đặc biệt thiết yếu. Trung Quốc cũng đã xác định 16 “mặt hàng đặc biệt thiết yếu” mà họ có kế hoạch phát triển hoặc nâng cao khả năng sản xuất trong nước, bao gồm các thiết bị điện tử cốt lõi, bộ vi xử lý công nghệ cao, hệ điều hành, sản xuất mạch điện tích hợp quy mô lớn, thông tin liên lạc di động không dây băng thông rộng thế hệ mới, thiết bị máy móc được điều khiển tiên tiến, vệ tinh có độ phân giải cao, và thăm dò Mặt Trăng.
Hoạt động gián điệp hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Tiếp tục có những bằng chứng về những người mang quốc tịch Trung Quốc ở Mỹ có vai trò như những nhân viên mua sắm và vai trò trung gian để mua các thiết bị và công nghệ có ứng dụng quân sự mang tính nhạy cảm và thuộc diện hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Trung Quốc sử dụng hoạt động tình báo và áp dụng các cách tiếp cận trái phép, vi phạm luật pháp của và việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ để có được những công nghệ, thiết bị kiểm soát mang tính an ninh quốc gia trọng yếu và hạn chế xuất khẩu, các thiết bị không thể có được thông qua con đường thương mại hay học thuật.
Tháng 10/2013, Hội đồng xét xử Liên bang Mỹ đã công bố bản cáo trạng bảy điểm đối với một người mang quốc tịch Trung Quốc là Liu Yi vì đã tiếp cận trái phép và công bố những bí mật thương mại từ một công ty công nghệ của Mỹ. Liu, một cựu nhân viên, đã sử dụng trái phép máy tính xách tay do công ty cung cấp trong thời gian làm việc tại đây để tiếp cận và tải các thông tin liên quan đến công nghệ mà công ty đang phát triển để có thể sử dụng trong tương lai trên các tàu ngầm hạt nhân và máy bay chiến đấu của Mỹ.
Tháng 12/2013, một người mang quốc tịch Trung Quốc là Zhang Mingsuan đã bị kết án 57 tháng tù giam vì vi phạm Đạo luật Sức mạnh kinh tế khẩn cấp quốc tế khi cố tình xuất khẩu hàng tấn sợi cácbon cao cấp để Quân đội Trung Quốc sử dụng. Trong một đoạn hội thoại bị ghi âm lại năm 2012, Zhang nói rằng anh ta đang rất cần sợi cáp quang để kết nối với các chuyến bay thử nghiệm của một máy bay chiến đấu của Trung Quốc.
Tháng 7/2014, một người quốc tịch Trung Quốc nữa là Cai Bo đã bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Kiểm soát xuất khẩu Vũ khí và các Qui định về vận chuyển vũ khí quốc tế, khi cố tình xuất khẩu các xenxơ chủ yếu được sản xuất cho BQP Mỹ. Bắt đầu từ tháng 3/2012, Cai được một công ty công nghệ của Trung Quốc tuyển dụng vào thời điểm đó, đã móc nối với người anh em họ là Cai Wenhong (quốc tịch Mỹ) để buôn lậu các xenxơ ra ngoài nước Mỹ, cho một khách hàng Trung Quốc.
Tháng 8/2014, một Hội đồng xét xử cấp liên bang đã có bản cáo trạng gồm 5 điểm cáo buộc Su Bin, một người mang quốc tịch Trung Quốc, vì liên quan tới một vụ đột nhập máy tính nhằm ăn cắp các các bí mật thương mại từ các nhà thầu quốc phòng của Mỹ. Bản cáo trạng cáo buộc Su đã kết hợp với một kẻ đồng phạm chưa bị bắt ở Trung Quốc để thâm nhập các hệ thống máy tính của Mỹ và thu thập thông tin liên quan tới các chương trình quân sự của Mỹ như các chương trình máy bay C-17, F-22 và F-35.
Ngoài ra, còn rất nhiều cáo trạng và điều tra của Mỹ từ năm 2009 đến nay có liên quan đến các công dân Mỹ không phải người gốc Trung Quốc và các công dân Mỹ gốc Trung Quốc, hoặc những khách hàng cư trú thường xuyên tại Mỹ vì đã mua các thiết bị bị kiểm soát xuất khẩu về Trung Quốc. Những điều này bao gồm các nỗ lực mua sắm và chuyển giao các thiết bị nhạy cảm hay thuần túy quân sự như các thiết bị bán dẫn được lập trình sẵn làm rắn chất phóng xạ và các mạch máy tính, bộ khuếch đại vi sóng bị hạn chế, sợi cácbon cao cấp, dữ liệu kỹ thuật hạn chế xuất khẩu và camera hình ảnh nhiệt.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc
Từ năm 2009-2013, Trung Quốc đã ký các hợp đồng xuất khẩu vũ khí trị giá 14 tỷ USD để xuất khẩu các hệ thống vũ khí thông thường cho các nước, từ vật liệu đa dụng đến các hệ thống vũ khí lớn. Năm 2014 và trong những năm tiếp theo, hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng vì ngành CNQP nước này đã được cải thiện. Các công ty quốc phòng của Trung Quốc đang tiếp thị và bán vũ khí trên khắp thế giới, tập trung vào khu vực châu Á – TBD và vùng Cận-Saharan châu Phi.
Pakixtan vẫn là khách hàng chủ yếu của Trung Quốc đối với các loại vũ khí thông thường. Trung Quốc tham gia cả bán vũ khí và hợp tác CNQP với Islamabad, bao gồm các tàu frigat F-22P mang trực thăng, máy bay huấn luyện K-8, máy bay chiến đấu F-7, máy bay tuần tra và cảnh báo sớm, sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa không đối không và tên lửa hành trình chống hạm. Tháng 6/2014, Pakixtan bắt đầu hợp tác sản xuất hai chiếc đầu tiên trong gói 50 máy bay JF-17 Block 2, bao gồm một phiên bản nâng cấp của gói JF-17 Block 1.
Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho vùng Cận-Saharan, châu Phi với trị giá khoảng 4 tỷ USD từ năm 2009-2013. Các quốc gia Cận-Saharan châu Phi coi Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí giá rẻ và ít có các yêu cầu về việc giám sát sử dụng hơn so với các nhà cung cấp vũ khí khác. Trung Quốc có xu hướng khá linh hoạt trong việc thanh toán. Những khách hàng lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực là Nam Xu Đăng, Xu Đăng và Ethiopia.
CHƯƠNG 5: HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI NHẰM ĐỀ PHÒNG TUNHF HUỐNG BẤT TRẮC Ở ĐÀI LOAN
Tình hình an ninh ở Eo biển Đài Loan chủ yếu phụ thuộc vào mối quan hệ năng động giữa và trong Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Mỹ. chiến lược của Trung Quốc đối với Đài Loan bị ảnh hưởng bởi những gì Bắc Kinh coi là những phát triển tích cực trong tình hình chính trị ở Đài Loan và cách tiếp cận mang tính can dự với Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược tổng thể của Trung Quốc vẫn tiếp tục kết hợp giữa thuyết phục và dọa nạt nhằm ngăn chặn hoặc trấn áp các quan điểm chính trị then về độc lập ở Đài Loan. Trung Quốc và Đài Loan đã đạt tiến bộ trong việc tăng cường liên kết kinh tế/thương mại qua Eo biển và quan hệ giữa người dân với người dân.
Cùng với đó, những tuyên bố công khai mang tính tích cực về tình hình Eo biển Đài Loan của các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc sau việc Tổng thống Mã Anh Cửu tái đắc cử năm 2012, không có dấu hiệu nào cho thấy đã có những thay đổi đáng kể về việc chuẩn bị lực lượng chống lại Đài Loan của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc đã phát triển và triển khai sức mạnh quân sự để cảnh báo hoặc để tiến công Đài Loan nếu cần thiết. Những phát triển đó là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Đài Loan, vốn trong lịch sử đã dựa vào sự bất lực của Trung Quốc trong việc phát động lực lượng vượt qua 100 hải lý Eo biển Đài Loan, những lợi thế về địa lý tự nhiên đối với hoạt động phòng thủ đảo, ưu thế về công nghệ của Quân đội Đài Loan và khả năng can thiệp có thể của Mỹ.
Chiến lược của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan
Trung Quốc có thể đã chuẩn bị để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh, một khi Bắc Kinh tin rằng việc thống nhất về lâu dài là vẫn có thể và cái giá của chiến tranh lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích thu được. Trung Quốc cho rằng việc đe dọa sử dụng vũ lực vẫn là cần thiết để duy trì những điều kiện cho tiến bộ chính trị và ngăn chặn Đài Loan có những động thái về mặt pháp lý hướng tới độc lập. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã từ chối tái tuyên bố sử dụng sức mạnh để giải quyết vấn đề Đài Loan, mặc dù đồng thời công khai tuyên bố mông muốn của họ ủng hộ tái thống nhất một cách hòa bình theo nguyên tắc “ một đất nước, hai chế độ”.
Những điều kiện mà trong lịch sử, Trung Quốc lục địa thường cảnh báo Đài Loan về việc sử dụng vũ lực đã thay đổi theo thời gian, tùy theo các tuyên bố về vị thế chính trị của hòn đảo này, những thay đổi sức mạnh của Quân đội Trung Quốc và quan điểm của Trung Quốc về mối quan hệ giữa Đài Loan với các quốc gia khác. Các điều kiện này, hay “các ranh giới đỏ” gồm:
- Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập;
- Động thái không rõ ràng nhằm giành độc lập cho Đài Loan;
- Bất ổn nội bộ của Đài Loan;
- Đài Loan mua vũ khí hạt nhân;
- Trì hoãn không thời hạn việc nối lại các cuộc đối thoại về thống nhất hai bờ Eo biển;
- Sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Đài Loan;
- Lực lượng nước ngoài đóng tại Đài Loan.
Điều 8 của “Luật chống ly khai” thông qua hồi tháng 3/2005, viết rằng Trung Quốc có thể sử dụng “các biện pháp phi hòa bình” nếu “các thế lực ly khai…nỗ lực tiến hành ly khai Đài Loan khỏi Trung Quốc”; nếu “những biến cố lớn dẫn tới việc ly khai của Đài Loan” xảy ra; hoặc nếu không còn “khả năng thống nhất trong hòa bình”. Sự mơ hồ của những “ranh giới đỏ” này đã tạo ra sự linh hoạt cho chính sách quân sự của Trung Quốc.
Kế hoạch hành động chống lại Đài Loan của Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc có khả năng gia tăng các hoạt động quân sự phức tạp chống lại Đài Loan. Đầu tiên, Trung Quốc có thể theo đuổi cách tiếp cận mang tính giải pháp sử dụng những tín hiệu sẵn sàng sử dụng vũ lực, tiếp theo là thận trọng tăng dần lực lượng để tối ưu hóa tốc độ can dự qua các hoạt động nghi binh chiến lược. Một lựa chọn khác là Trung Quốc có thể sẽ công khai chuẩn bị lực lượng với qui mô lớn, rồi bất ngờ sử dụng lực lượng để nhanh chóng đạt được một giải pháp chính trị/ quân sự trước khi các quốc gia khác kịp phản ứng. Nếu chiến thuật này không thể kết thúc nhanh chóng, Trung Quốc sẽ tìm cách để:
- Ngăn chặn khả năng can thiệp của Mỹ;
- Nếu không được, trì hoãn sự can thiệp và nhanh chóng giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh phi đối xứng, hạn chế và chóng vánh;
- Chiến đấu cho tới khi ngừng bắn và theo đuổi một giải pháp chính trị sau một cuộc chiến kéo dài.
Phong tỏa và cách ly hàng hải. Ngoài can thiệp quân sự trực tiếp, các bài viết của Quân đội Trung Quốc cũng đề cập tới các giải pháp thay thế tiềm tàng – phong tỏa đường không, tiến công bằng tên lửa, và phá hoại để buộc phải đầu hàng. Trung Quốc có thể tuyên bố rằng các tàu ra vào Đài Loan phải quá cảnh ở các cảng đại lục để kiểm tra hoặc trung chuyển trước khi chuyển tới các cảng của Đài Loan. Trung Quốc cũng có thể thực hiện các nỗ lực tươngtìm cách phong tỏa biển bằng cách tuyên bố tập trận hoặc khu vực biển cấm để diễn tập tên lửa đối với các tuyến đường vào cảng, để không cho các tàu vào cảng và làm đảo lộn việc thông thương. Quân đội Trung Quốc sử dụng biện pháp này năm 1995 – bắn 96 quả tên lửa và tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật. Tuy nhiên, có rủi ro là Trung Quốc có thể đánh giá thấp cấp độ mà bất kỳ nỗ lực nhằm hạn chế đi lại đường biển tới và từ Đài Loan đi, vì chúng có thể tạo ra áp lực quốc tế đối với họ và gây căng thẳng quân sự.
Lực lượng hạn chế hoặc những lựa chọn cưỡng ép. Trung Quốc có thể sử dụng nhiều hành động quân sự mang tính phá hoại, trừng phạt, hoặc gây thương vong trong một chiến dịch cục bộ chống lại Đài Loan, nhiều khả năng sẽ kết hợp với các hoạt động kinh tế, chính trị công khai và bí mật. Chiến dịch này có thể bao gồm các cuộc tiến công mạng máy tính hoặc tiến công động năng có giới hạn nhằm vào cơ sở hạ tầng kinh tế, chính trị và quân sự của Đài Loan để gây ra sự hoảng loạn ở Đài Loan và giảm niềm tin của dân chúng vào giới lãnh đạo Đài Loan. Tương tự như vậy, lực lượng tác chiến đặc biệt của Quân đội Trung Quốc có thể xâm nhập Đài Loan và tiến hành các cuộc tiến công nhằm vào cơ sở hạ tầng hoặc các mục tiêu lãnh đạo.
Chiến dịch đường không và tên lửa. Trung Quốc có thể sử dụng các cuộc tiến công tên lửa và tiến công chính xác nhằm vào các hệ thống phòng không, bao gồm căn cứ không quân, trạm rađa, tên lửa, thiết bị vũ trụ và các phương tiện truyền thông để làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đài Loan, vô hiệu hóa giới lãnh đạo, hoặc đập tan quyết tâm của người dân Đài Loan.
Xâm lược bằng lực lượng đổ bộ. Các tài liệu công khai của Trung Quốc miêu tả một số khái niệm tác chiến khác nhau về cuộc xâm lược đổ bộ. Đáng chú ý nhất là Chiến dịch đổ bộ lên đảo liên quân, phác họa một chiến dịch phức hợp dựa vào các chiến dịch phối hợp, đan xen nhằm hỗ trợ công tác hậu cần, không quân và hải quân, và tác chiến điện tử. Mục tiêu là tạo đột phá hoặc phá vỡ hệ thống phòng thủ bờ biển, thiết lập và xây dựng một đầu cầu đổ bộ, vận chuyển quân và trang bị tới các điểm đổ bộ đã được lên kế hoạch ở phía Bắc hoặc phía Nam bờ biển phía Tây Đài Loan, và tiến hành các cuộc tiến công đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu và/hoặc toàn bộ đảo.
Quân đội Trung Quốc có khả năng hoàn thành nhiều chiến dịch đổ bộ trong một cuộc xâm lược tổng thể Đài Loan. Chỉ với rất ít chuẩn bị quân sự công khai vượt ra khỏi phạm vi các hoạt động huấn luyện thường xuyên, Trung Quốc có thể phát động một cuộc xâm chiếm các đảo nhỏ do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông như quần đảo Đông Sa hoặc đảo Ba Bình. Một cuộc xâm lược các đảo ngoài khơi có kích thước trung bình, và được bảo vệ tốt hơn như đảo Matsu hoặc đảo Kim Môn hoàn toàn nằm trong khả năng của Trung Quốc. Một cuộc xâm lược như vậy có thể chứng minh khả năng quân sự và quyết tâm chính trị, trong khi vẫn chiếm được những vùng lãnh thổ thực tế và đồng thời thể hiện một số biện pháp kiềm chế. Tuy nhiên, loại hình tác chiến này cũng chứa đựng rủi ro chính trị đáng kể, nếu không muốn nói là cấm kỵ vì nó có thể kích động làn sóng ủng hộ độc lập ở Đài Loan và tạo ra sự phản đối quốc tế.
Tiến công đổ bộ qui mô lớn là một trong những chiến dịch quân sự khó khăn và phức tạp nhất. Thành công phụ thuộc vào ưu thế trên không và trên biển, việc nhanh chóng huy động và duy trì nguồn tiếp viện trên bờ, và sự chi viện liên tục. Nỗ lực xâm lược Đài Loan có thể dẫn đến những áp lực rất lớn đối với Quân đội Trung Quốc phải và mời gọi sự can thiệp từ bên ngoài. Những yếu tố này cho thấy, kết hợp với việc Quân đội Trung Quốc bị tổn hao và sự phức tạp của tác chiến trong thành phố và chống nổi dậy (giả định việc đổ bộ và tạo đột phá đã thành công) làm cho cuộc xâm lược đổ bộ Đài Loan trở thành rủi ro lớn về chính trị và quân sự. Các khoản đầu tư của Đài Loan nhằm tạo sự uwnhx chắc cho các cơ sở hạ tầng trọng yếu và nâng cao khả năng phòng thủ cũng có thể hạn chế nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Hơn nữa, Trung Quốc dường như chưa xây dựng cầu đổ bộ thông thường cầm thiết để chi viện cho một chiến dịch như vậy.
Vị thế hiện nay của Quân đội Trung Quốc trong cuộc xung đột với Đài Loan
Việc chuẩn bị cho một cuộc chiến với Đài Loan có khả năng can thiệp của Mỹ vẫn tiếp tục là trọng tâm trong chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Lực lượng tên lửa. Lực lượng Pháo binh số 2 đang chuẩn bị để tiến hành các cuộc tiến công bằng tên lửa và tiến công chính xác nhằm vào các hệ thống phòng không, căn cứ không quân, trạm rađa, tên lửa và thiết bị vũ trụ cũng như các trung tâm thông tin liên lạc và chỉ huy, điều khiển của Đài Loan, nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ, vô hiệu hóa giới lãnh đạo và đập tan ý chí chiến đấu của công chúng Đài Loan.
Không quân. Không quân Trung Quốc vẫn duy trì một vị thế mạnh mẽ có khả năng hỗ trợ triệt để kế hoạch chống lại Đài Loan khi xảy ra bất trắc. Trước tiên, Không quân Trung Quốc đã bố trí rất nhiều máy bay hiện đại trong phạm vi không cần tiếp dầu nếu bay tới Đài Loan, tạo ra năng lực mạnh để giành ưu thế trên không và phát động tiến công mặt đất nhằm vào Đài Loan. Thứ hai, rất nhiều hệ thống phòng không tầm xa tạo ra lớp phòng thủ mạnh của Trung Quốc lục địa chống lại các đợt phản công. Thứ ba, việc phát triển máy bay chi viện của Trung Quốc đã giúp họ cải thiện ISR để chi viện cho các chiến dịch của Không quân Trung Quốc khi xảy ra bất trắc.
Hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đang cải thiện khả năng tác chiến chống tàu nổi và phòng không, phát triển khả năng răn đe hạt nhân mạnh trên biển, và đưa vào biên chế những phương tiện mới được bố trí để tiến công Đài Loan khi xảy ra xung đột. Việc bổ sung các tàu ngầm tiến công, tàu chiến nổi đa năng và máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư vào trang bị được thiết kế để giành được ưu thế trên không trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất cũng như ngăn chặn và chống lại bất kỳ sự can thiệp tiềm tàng nào của bên thứ ba trong một cuộc xung đột với Đài Loan.
Lực lượng trên bộ. Được tăng cường trang bị bằng các hệ thống vũ khí hiện đại hơn như trực thăng tiến công vũ trang, Lục quân Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận huấn luyện liên quân nhằm chuẩn bị cho kịch bản xâm chiếm Đài Loan. Lục quân Trung Quốc thường tiến hành huấn luyện, bao gồm huấn luyện đổ bộ trong những điều kiện thực tế, kể cả trong mọi điều kiện thời tiết và vào ban đêm. Các mạng thông tin cải tiến giúp có thể truyền dữ liệu theo thời gian thực trong và giữa các đơn vị, hỗ trợ C2 hiệu quả hơn trong quá trình tiến hành tác chiến. Ngoài ra, việc liên tục đưa vào trang bị các hệ thống phòng không hiện đại của Lục quân Trung Quốc đang nâng cao đáng kể khả năng tự vệ của các thành phần chủ yếu của C2 và các thiết bị quan trọng khác được dự đoán là sẽ được sử dụng để chống lại Đài Loan. Khi số lượng các hệ thống vũ khí mới tăng lên trong Lục quân Trung Quốc, khả năng của lực lượng xâm lược đổ bộ để bảo vệ thành công các điểm đổ bộ qua Eo biển trước các đợt phản công bằng cả những loại vũ khí truyền thống và vũ khí hiện đại chắc chắn cũng sẽ tăng lên.
Khả năng phòng thủ của Đài Loan
Trong lich sử, Đài Loan dựa vào nhiều yếu tố quân sự để ngăn chặn sự hiếu chiến của Trung Quốc: khả năng hạn chế của Quân đội Trung Quốc trong việc tung phóng sức mạnh đủ mạnh vượt qua Eo biển Đài Loan, ưu thế về công nghệ của quân đội Đài Loan, và những ưu thế về địa lý vốn có trong phòng thủ đảo. Tuy nhiên, các loại vũ khí, trang bị ngày càng hiện đại của Trung Quốc (hơn 1.200 tên lửa đường đạn thông thường, một chương trình ASBM, các tàu nổi và tàu ngầm, máy bay chiến đấu và khả năng C4ISR được cải tiến) đã làm giảm đáng kể hoặc vô hiệu hóa hiệu quả của nhiều yếu tố này.
Đài Loan đang có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các kho dự trữ cho chiến tranh, gia tăng số lượng cơ sở công nghiệp quốc phòng, cải thiện các chiến dịch liên quân và khả năng ứng phó khủng hoảng, nâng cao năng lực của các sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp (NCO). Những cải thiện này phần nào giúp Đài Loan khắc phục sự suy giảm trong lợi thế phòng thủ. Đài Loan đang dần chuyển sang một quân đội tình nguyện và giảm lực lượng thường trực từ 275.000 xuống còn khoảng 175.000 quân nhằm tạo ra một lực lượng “nhỏ gọn nhưng tinh nhuệ”. Theo đó, Quân đội Đài Loan sẽ hoàn thành kế hoạch này vào năm 2019, khoản ngân sách tiết kiệm được từ một lực lượng gọn hơn sẽ được bổ sung cho nguồn lực để tăng lương và phụ cấp cho binh sĩ tình nguyện, dù khoản tiết kiệm này vẫn không đủ chi trả mọi chi phí cho lực lượng tình nguyện. Sự chuyển đổi này đã dẫn tới việc cần thêm những khoản chi cho binh sĩ. Để có thể thu hút và giữ họ trong hệ thống tình nguyện, cần phải cắt giảm ngân sách của các chương trình mua sắm trong nước và của nước ngoài, cũng như của việc huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong tương lai gần. Ngoài ra, ngân sách dành cho Quân đội Đài Loan cũng đã giảm xuống còn khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần so với con số này của Đài Loan. Ý thức được sự tiếp tục tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, Đài Loan đang nỗ lực tích hợp các biện pháp đổi mới và phi đối xứng vào kế hoạch phòng thủ để tạo sự cân bằng với khả năng ngày càng gia tăng Trung Quốc.
Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan xuất phát từ Chính sách một Trung Quốc, dựa trên nền tảng ba thông cáo chung và Đạo luật Quan hệ Đài Loan (TRA). Chính sách của Mỹ chống lại bất kỳ thay đổi đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Eo biển Đài Loan của bất kỳ bên nào. Mỹ tiếp tục hỗ trợ giải pháp hòa bình đối với những khác biệt giữa hai bờ Eo biển theo cách có thể chấp nhận được với người dân cả hai bờ.
Phù hợp với TRA, Mỹ đã giúp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Eo biển Đài Loan bằng cách hỗ trợ các điều khoản và hạng mục giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đã công bố việc bán vũ khí cho Đài Loan với trị giá hơn 12 tỷ USD kể từ năm 2010.
PHỤ LỤC I
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG TRÊN BỘ HAI BỜ EO BIỂN ĐÀI LOAN | |||||
Trung Quốc | Đài Loan | ||||
Tổng | Hai bờ Eo biển | Tổng | |||
Lực lượng thường trực | 1,25 triệu | 400.000 | 130.000 | ||
Tập đoàn quân | 18 | 8 | 3 | ||
Sư đoàn bộ binh | 12 | 3 | 0 | ||
Lữ đoàn bộ binh | 23 | 6 | 8 | ||
Sư đoàn bộ binh cơ giới | 7 | 3 | 0 | ||
Lữ đoàn bộ binh cơ giới | 25 | 7 | 3 | ||
Sư đoàn thiết giáp | 1 | 0 | 0 | ||
Lữ đoàn thiết giáp | 17 | 8 | 4 | ||
Không quân lục quân Lữ đoàn và sư đoàn | 11 | 6 | 3 | ||
Lữ đoàn pháo binh | 22 | 10 | 5 | ||
Sư đoàn đường không | 3 | 3 | 0 | ||
Sư đoàn đổ bộ | 2 | 2 | 0 | ||
Lữ đoàn đổ bộ | 3 | 3 | 3 | ||
Xe tăng | 6.947 | 2.758 | 1.100 | ||
Pháo (khẩu) | 7.953 | 3.891 | 1.600 | ||
PHỤ LỤC II
TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG HẢI QUÂN HAI BỜ EO BIỂN ĐÀI LOAN | |||||
Trung Quốc | Đài Loan | ||||
Tổng | Hạm đội Đông Hải
và Nam Hải |
Tổng | |||
Tàu sân bay | 1 | 0 | 0 | ||
Tàu khu trục | 21 | 14 | 4 | ||
Tàu frigat | 52 | 42 | 22 | ||
Tàu hộ vệ | 15 | 11 | 1 | ||
Tàu đổ bộ chở xe tăng/ Tàu đốc vận tải đổ bộ | 29 | 26 | 12 | ||
Tàu đổ bộ hạng trung | 28 | 21 | 4 | ||
Tàu ngầm tiến công diezen | 53 | 34 | 4 | ||
Tàu ngầm tiến công hạt nhân | 5 | 2 | 0 | ||
Tàu tuần tra mang tên lửa | 86 | 68 | 45 | ||
CHƯƠNG 6: MỐI QUAN HỆ QUÂN SỰ - QUÂN SỰ GIỮA MỸ VÀ TRUNG QUỐC
Chiến lược can dự
Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ 2015 nhấn mạnh rằng nước Mỹ cố gắng phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc qua đó thúc đẩy an ninh và sự thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Đồng thời, chiến lược này cũng thừa nhận rằng sẽ có những lĩnh vực cạnh tranh và chỉ ra rằng nước Mỹ sẽ điều tiết sự cạnh tranh này với Trung Quốc từ vị thế của sức mạnh trong khi tìm cách giảm rủi ro do hiểu lầm hoặc tính toán sai. Chiến lược can dự quân sự của BQP Mỹ với BQP Trung Quốc là một phần trong cách tiếp cận rộng lớn hơn này.
Các cuộc tiếp xúc và trao đổi quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo ra cơ hội khai thác và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung và cơ hội quản lý sự cạnh tranh mang tính xây dựng. Năm 2015, kế hoạch của BQP Mỹ về các cuộc tiếp xúc quân sự - quân sự với Trung Quốc tập trung vào ba xu hướng: xây dựng đối thoại bền vững thông qua đối thoại chính sách và các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao; xây dựng sự hợp tác thiết thực, cụ thể trong các lĩnh vực có lợi ích chung; củng cố các biện pháp giảm thiểu rủi ro nhằm loại bỏ nguy cơ gây xung đột hoặc tính toán sai tiềm tàng.
Qui mô và tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc mở ra cơ hội cũng như thách thức cho các hoạt động can dự quân đội – quân đội. Thực lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể thúc đẩy hợp tác sâu hơn và thiết thực hơn trong các lĩnh vực từ hỗ trợ nhân đạo đến chống cướp biển. Tuy nhiên, khi Quân đội Trung Quốc phát triển và mở rộng tầm với, thì rủi ro về một tai nạn hay tính toán sai cũng tăng lên, vì thế phải chú trọng tới các nỗ lực giảm thiểu rủi ro.
Theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng và đa dạng với Trung Quốc là một phần quan trọng của chiến lược Tái cân bằng sang khu vực châu Á – TBD của Mỹ, vốn được xây dựng để duy trì và củng cố sự ổn định trong hệ thống quốc tế. BQP Mỹ tìm cách củng cố mối quan hệ quân sự - quân sự Mỹ - Trung theo cách phục vụ tốt nhất cho những lợi ích của Mỹ, của các đồng minh và đối tác của Mỹ. Duy trì động cơ tích cực trong mối quan hệ quân sự - quân sự sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu của Mỹ và bảo đảm Trung Quốc hành động theo cách tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế và Trung Quốc đóng vai trò là nhân tố cho sự ổn định và thịnh vượng chung ở châu Á.
Khi Mỹ xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho mối quan hệ quân sự - quân sự với Trung Quốc, Oasinhton cũng phải tiếp tục giám sát chiến lược, học thuyết quân sự và việc phát triển lực lượng không ngừng của Trung Quốc và khuyến khích Trung Quốc trở nên minh bạch hơn trong các chương trình hiện đại hóa quân đội. Cùng với các đồng minh và đối tác của Mỹ, Mỹ sẽ tiếp tục chuyển đổi lực lượng, vị thế và khái niệm tác chiến để duy trì ổn định môi trường an ninh châu Á – TBD./.