Cuộc nội chiến ở Syria đã bước sang một bước ngoặt quan trọng với việc lực lượng phiến quân Syria do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS – có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda) cầm đầu, nhanh chóng chiếm được thành phố Aleppo. Diễn biến này không những phơi bày sự mong manh của chế độ nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad mà còn cho thấy cách thức mà các động lực trong khu vực nói riêng và quốc tế nói chung đang định hình lại cuộc xung đột ở Syria. Aleppo - thành phố tượng trưng cho sự trỗi dậy trở lại của chế độ Assad sau khi quân đội chính phủ giành lại được vào năm 2016, một lần nữa trở thành trung tâm của chiến trường Syria đang thay đổi.
Cuộc tiến công chớp nhoáng của phiến quân phản ánh các luồng địa chính trị sâu sắc hơn. Chiến tranh Ukraine đã gây thiệt hại cho Nga, đồng minh hùng mạnh nhất của chế độ Assad trong khi Iran và Hezbollah đang vật lộn với hậu quả từ các chiến dịch quân sự của Israel. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng tình hình để mở rộng ảnh hưởng của nước này ở miền Bắc Syria bằng cách sử dụng HTS làm lực lượng ủy nhiệm. Những động lực chồng chéo này đã tạo nên một môi trường bất ổn, khiến sự sụp đổ của Aleppo trở thành một bước ngoặt quan trọng trong cuộc nội chiến Syria.
HTS - từ nhóm phiến quân thành nhân tố chính
HTS đã phát triển đáng kể kể từ khi nhóm này là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria. Sau khi tách khỏi al-Qaeda và củng cố quyền lực ở Idlib, HTS đã tự khẳng định là lực lượng thống trị ở các khu vực miền Tây Bắc Syria nằm dưới sự chiếm đóng của phiến quân. Dưới sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ, HTS đã biến Idlib thành một nhà nước Hồi giáo trên thực tế, với các cấu trúc quản lý đang hoạt động, kỷ luật quân đội và quyền tự chủ chiến lược.
Sự chuyển đổi này đã biến HTS trở thành một thế lực mạnh mẽ trên chiến trường Syria. Ban lãnh đạo HTS đã tìm cách xa rời nguồn gốc thánh chiến của nhóm khi thể hiện hình ảnh thực dụng và ôn hòa, ít nhất là so với các phe phái Hồi giáo khác. Chiến lược này đã giúp HTS củng cố quyền lực và thu hút sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi nhóm này vẫn bị Mỹ quy kết là một tổ chức khủng bố.
Cuộc tấn công vào Aleppo cho thấy HTS đã phát triển thành một lực lượng quân sự gắn kết và có năng lực. Các chiến binh HTS đã chứng minh khả năng phối hợp hiệu quả, sử dụng các chiến thuật và vũ khí hiện đại, bao gồm cả máy bay không người lái - một đặc điểm của các cuộc xung đột đương đại, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Ukraine. Tốc độ tiến công nhanh chóng, cắt đứt lực lượng của Assad chỉ trong vài ngày, cho thấy năng lực và kế hoạch chiến lược được nâng cao của HTS.
Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công của phiến quân Syria vào thành phố Aleppo rất phức tạp và đa diện. Mặc dù Ankara không tuyên bố rõ ràng về sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc chiến Syria, nhưng ảnh hưởng của nước này là rõ ràng. Các lực lượng dân quân theo dòng Sunni do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiến đấu cùng HTS trong cuộc tấn công vào thành phố Aleppo. Thời điểm tấn công được thực hiện trong bối cảnh khu vực đang bị phân tâm bởi các cuộc xung đột khác - cho thấy sự phối hợp với các mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria gồm hai phần:
Đầu tiên, Ankara tìm cách thiết lập một vùng an toàn dọc biên giới để quản lý cuộc khủng hoảng người tị nạn đang diễn ra. Dòng người Syria đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm qua đã gây căng thẳng cho nền kinh tế nước này và làm gia tăng căng thẳng chính trị trong nước. Bằng cách bảo vệ các khu vực như Aleppo thông qua các lực lượng ủy nhiệm như HTS, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạo điều kiện để một số người tị nạn Syria hồi hương.
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm suy yếu sự kiểm soát của Tổng thống al-Assad tại miền Bắc Syria, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khi làm suy yếu quyền tự chủ của người Kurd ở miền Đông Bắc Syria. Việc cho phép HTS cai quản các khu vực chiếm được là phương tiện để Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quyền kiểm soát mà không cần trực tiếp quản lý lãnh thổ - động thái giúp giảm chi phí và tránh đối đầu trực tiếp với các cường quốc toàn cầu.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ HTS không phải là không có rủi ro. Mặc dù Ankara được hưởng lợi từ thành công quân sự của HTS, nhưng mối quan hệ với tổ chức này làm phức tạp thêm mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh phương Tây và có thể làm gia tăng căng thẳng với Israel – nước có thể cho rằng Ankara đang hỗ trợ một nhóm có khuynh hướng cực đoan và chống Israel.
Chế độ Assad suy yếu
Đối với Tổng thống Syria al-Assad, thành phố Aleppo thất thủ là một đòn giáng tàn khốc cho thấy sự mong manh ngày càng sâu sắc của chế độ nằm dưới sự lãnh đạo của ông. Từng được ca ngợi là một nhà lãnh đạo đã vượt qua được cơn bão của cuộc nội chiến, Tổng thống al-Assad hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, như kinh tế sụp đổ; quyền lực của nhà nước Syria bị phân mảnh khi phải thông qua các bên thứ ba như dân quân và các nhà môi giới quyền lực địa phương; và các đồng minh bên ngoài như Nga, Iran và Hezbollah suy yếu.
Việc Assad không thể bảo vệ thành phố Aleppo cho thấy mức độ phụ thuộc vào bên ngoài của chế độ Syria. Nếu không nhờ sức mạnh không quân của Nga hoặc lực lượng mặt đất của Hezbollah, quân đội Syria phần lớn không có khả năng kiểm soát các trung tâm đô thị lớn, chứ chưa nói đến việc thực hiện các cuộc phản công. Việc để mất thành phố Aleppo cũng phá vỡ chiến lược rộng lớn hơn của Assad là thể hiện sự ổn định để thu hút sự công nhận của quốc tế và cứu trợ kinh tế nước này.
Tầm với suy yếu của Nga
Sự can thiệp của Nga vào năm 2015 đã đánh dấu bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria, cho phép chế độ Assad giành lại các vùng lãnh thổ quan trọng và dần củng cố quyền lực. Tuy nhiên, trọng tâm của Moskva đã thay đổi đáng kể kể từ khi nước này tiến hành xâm lược Ukraine vào năm 2022. Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã làm cạn kiệt các nguồn lực của Nga, bao gồm cả lực lượng không quân – từng đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch trước đây tại Syria. Nga đã không thể cung cấp mức hỗ trợ tương ứng cho Tổng thống Assad do năng lực quân sự của nước này chịu áp lực, cùng với những tổn thất nặng nề trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trong cuộc tấn công Aleppo, các cuộc không kích của Nga bị hạn chế và không hiệu quả, phản ánh năng lực giảm sút của Moskva. Trong bối cảnh Nga ưu tiên các lợi ích của nước này ở Ukraine và bảo vệ các căn cứ Địa Trung Hải của mình tại Syria, Assad càng phải tự lo liệu cho bản thân.
Trục Iran-Hezbollah chịu áp lực
Iran và Hezbollah, từng là đồng minh đáng tin cậy nhất của Assad, cũng đang phải vật lộn với những thách thức đáng kể. Cụ thể, Iran đang phải đối mặt với chiến dịch không kích liên tục của Israel nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của nước này ở Syria và Liban. Những cuộc không kích này đã làm suy yếu khả năng của Tehran trong việc thể hiện sức mạnh và hỗ trợ hiệu quả Tổng thống Assad.
Còn Hezbollah, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong trận chiến giành Aleppo của quân đội Syria hồi năm 2016, đang chao đảo vì cuộc đối đầu với Israel. Lực lượng dân quân này đã phải chịu thương vong nặng nề, bao gồm cả việc mất đi thủ lĩnh Hassan Nasrallah, và không có khả năng tái triển khai lực lượng đáng kể đến Syria. Với việc cả Iran và Hezbollah đều bận rộn và suy yếu, sự phụ thuộc của Assad vào liên minh này ngày càng trở nên không thể duy trì được.
Thay đổi cục diện địa chính trị?
Chiến thắng hoàn toàn của phe nổi dậy ở Aleppo dẫn tới những hậu quả sâu rộng, trong đó bao gồm thúc đẩy ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Bằng cách ủng hộ HTS và mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức này vào miền Bắc Syria, Ankara đang củng cố vị thế của mình như một bên môi giới quyền lực quan trọng. Diễn biến này có thể định hình lại cán cân quyền lực ở Syria và làm phức tạp thêm các nỗ lực đàm phán một nền hòa bình lâu dài. Diễn biến này cũng là một cơ hội chiến lược cho Israel, bởi sự sụp đổ của trục Assad-Iran-Hezbollah ở Aleppo có thể chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý khỏi Israel, cho phép Tel Aviv duy trì áp lực lên Gaza và các mặt trận khác khi cần thiết.
Không cần phải nói rằng sự sụp đổ của Aleppo là một thảm họa đối với chế độ Assad, vốn đang phải đối mặt với viễn cảnh mất thêm lãnh thổ và thậm chí thu hẹp lại thành một tiểu bang gồm thủ đô Damascus và các khu vực xung quanh, làm gia tăng thêm sự chia cắt đất nước Syria. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Aleppo không chỉ là một thất bại quân sự đối với Tổng thống Assad mà còn báo hiệu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc nội chiến Syria. Sự sụp đổ của các tiền tuyến của chế độ được Nga và Iran bảo vệ một cách cẩn thận đã phơi bày những điểm yếu của chính quyền Assad và đặt ra câu hỏi về tương lai của cuộc xung đột.
Khi HTS củng cố những thành quả của mình và Thổ Nhĩ Kỳ điều động để kiểm soát chặt chẽ hơn, những tháng tới sẽ quyết định liệu Tổng thống Assad có thể tập hợp lại hay chế độ của ông sẽ tiếp tục tan rã. Rõ ràng là cuộc nội chiến Syria, còn lâu mới kết thúc và một lần nữa đang thay đổi theo những cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khu vực./.
Trang mạng eurasiareview.com (Ngày 4/12)